Tìm giá trị lễ hội

Tháng 7 vừa qua, tại vòng sơ loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng đã xảy ra tai nạn được coi là cực kỳ nghiêm trọng khi trâu chọi húc chết chính chủ của nó trên sân đấu.

Vụ tai nạn chết người trong lễ hội chọi trâu là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho không chỉ các nhà quản lý ở Đồ Sơn, Hải Phòng, mà còn ở các địa phương khác trên cả nước. 
Trước nhiều luồng dư luận cho rằng, chọi trâu lễ hội phản cảm kích động bạo lực… đại diện Hội đồng Di sản văn hóa có ý kiến ngược lại khi khẳng định: “Ai nói chọi trâu kích động bạo lực là nhầm. Đấy chính là cách giải tỏa xung đột. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới người ta tạo ra các cuộc đấu để giải tỏa và các cuộc thi đấu tại Olympic cũng mang ý nghĩa như vậy”. Cũng theo đại diện Hội đồng Di sản văn hóa, dù Bộ VH-TT-DL có muốn hay không, hội đồng di sản có ra quyết định nọ kia thì lễ hội chọi trâu vẫn là di sản văn hóa.

Như vậy, theo nhiều ý kiến, bản thân lễ hội không có lỗi, lỗi chính là ở việc tổ chức lễ hội. Cần thiết phải chấn chỉnh công tác tổ chức, không thể mập mờ đánh lận con đen mà phải xác định rõ đâu là lễ hội truyền thống, đâu là sự kiện diễn ra ở sân vận động để có phương thức quản lý cho phù hợp. Theo PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, không thể phủ nhận vai trò quản lý nhà nước trong tổ chức lễ hội ở thời điểm hiện tại. Trong lễ hội chọi trâu có 3 chuyển biến thấy rõ là tính nghi lễ giảm đi mà chuyển sang trình diễn. Sự kiện ở sân vận động cần xác định đây là sự kiện, là trình diễn… không thể đánh tráo khái niệm về nghi lễ với trình diễn được. Khi xác định đây là sự kiện của cộng đồng, có sự thay đổi, biến chuyển cả về quy mô lẫn hình thức như vậy thì cần phải ứng xử mới cho phù hợp chứ không thể giữ tiếp tục cách làm như xưa nay.

Về giải pháp khắc phục để tăng cường quản lý lễ hội, ban tổ chức lễ hội chọi trâu sẽ bổ sung các nội dung về tiêu chí chủ trâu tham gia lễ hội. Về sân thi đấu, ban tổ chức lễ hội sẽ tăng cường lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ trong sân, xây dựng trại trâu; thành lập hội đồng và tăng cường công tác kiểm tra chất lượng trâu tham gia lễ hội, gia cố đường thoát trâu zíc-zắc bằng cọc sắt, thu gọn diện tích sân thi đấu; tập huấn lực lượng bắt trâu, tổ trọng tài điều hành trong sân và 2 cổng thoát trâu… Cùng với đó, ban tổ chức cũng đề xuất sẽ sử dụng vũ khí và các công cụ hỗ trợ đặc biệt khác để xử lý các trường hợp bất trắc.

Vậy có thực sự cần thiết thu hẹp quy mô tổ chức lễ hội này? Giá trị của lễ hội thực ra không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ mà cần phải tổ chức cho đúng với tính chất của một lễ hội văn hóa; thay vì tổ chức các vòng đấu loại thì chỉ đấu trận duy nhất đúng như hồ sơ di sản đã được phê duyệt. Thay vì có nhiều cặp đấu như hiện nay, lộ trình sắp tới chỉ nên duy trì số lượng mỗi phường có 1 con trâu đại diện.

Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL mới đây cũng đề nghị TP Hải Phòng phải có phương án tình thế đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, gian lận thương mại như nâng khống giá của trâu, các hiện tượng cờ bạc trá hình, giao dịch, thỏa thuận “ngầm”… trong trận chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9-8 âm lịch sắp tới.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tim-gia-tri-le-hoi-467053.html