TikToker làm trò lố, gây nhiễu loạn cõi mạng

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao khi một TikToker đăng tải video chơi khăm khán giả dịp Cá tháng Tư (1/4). Điều đáng nói, nội dung mang ra làm trò đùa lại là chuyện kết hôn - một trong những sự kiện quan trọng của đời người. Nhiều khán giả chỉ trích trò đùa này có phần thái quá.

Trò đùa kém duyên

Ngày Cá tháng Tư là dịp để nhiều người bày trò, đùa giỡn nhau. Tuy nhiên, trò đùa nào cũng cần giới hạn. Có lẽ đây chính là lý do video của TikToker Phạm Thoại nhận về nhiều chỉ trích. Theo đó, vào ngày 28/3, nam TikToker này gây sốc khi đột nhiên thông báo cưới vợ. Từ trước đến nay, hình ảnh của anh đều gắn với cộng đồng LGBTQIA+ (cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, không có hứng thú tình dục và các thể loại khác). Ngay sau đó, hình ảnh về đám cưới, rạp cưới, cô dâu chú rể, khách mời nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

TikToker Phạm Thoại lấy chuyện kết hôn thành nội dung trò đùa Cá tháng Tư nhận về nhiều chỉ trích.

Các TikToker khác cũng theo sự kiện này mà có những video đồn đoán, phân tích về lễ cưới khiến thông tin càng được lan truyền mạnh mẽ hơn. Đến sáng 1/4, Phạm Thoại đăng lại video về đám cưới kèm nội dung: “Ngày cưới bội thu cá. Xin lỗi cả nhà nhiều ạ”. Điều này gián tiếp chứng minh lễ cưới của Phạm Thoại chỉ là một trò đùa.

Nhiều khán giả bàng hoàng, bởi nếu chỉ là nội dung câu khách, tại sao mẹ Phạm Thoại lại đồng ý xuất hiện trong đám cưới cùng con, bởi chuyện cưới hỏi không nên mang ra làm trò đùa. “Mình đã theo dõi bạn từ lâu và tin bạn là người nghị lực, hiếu thảo. Khi thấy bạn yên bề gia thất mình vui lắm nhưng tiếc chỉ là đùa”, “Đến đám cưới cũng mang ra làm trò đùa được, giờ TikToker đói nội dung đến vậy à?”, “Lừa cả mẹ lên sân khấu chỉ để làm nội dung cho kênh TikTok thật không tôn trọng mẹ”... là những bình luận của khán giả về đám cưới của Phạm Thoại.

Sau đó, nam TikToker cũng lên tiếng giải thích, nhưng không thể khiến khán giả nguôi giận. Phần lớn họ không đồng tình với cách Phạm Thoại lấy chuyện cưới xin ra làm trò đùa. Bên cạnh đó, nhiều khán giả nhận định, hành động của Phạm Thoại để lại ấn tượng xấu cho cộng đồng LGBTQIA+.

Thực tế, ngày Cá tháng Tư, hay ngày nói dối được du nhập từ văn hóa nước ngoài. Dịp này, họ sẽ bày ra những trò đùa và trò lừa bịp vô hại, trò chơi khăm đánh lừa người khác nhằm mục đích mua vui cho bản thân và mọi người. Những người thích đùa thường cố gắng lừa những người thân, bạn bè của họ tin vào điều gì đó không đúng sự thật, hài hước nhưng không có nghĩa lừa lọc hoặc khiến người khác bực bội.

Không câu khách bằng mọi giá

TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) cho rằng, những trò đùa vào ngày Cá tháng Tư chỉ nên xoay quanh câu chuyện đùa vui vẻ, vô thưởng vô phạt và không gây khó chịu, bức xúc cho bất kỳ ai. “Vào dịp này, chúng ta cũng dễ dàng tha thứ cho những lời nói dối. Tuy nhiên, những câu chuyện, trò đùa thái quá là không cần thiết, đặc biệt đối với những người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, bởi nhất cử nhất động của họ đều có nhiều người quan sát, thậm chí làm theo và gây ra dư luận hoặc phản ứng trái chiều”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nêu.

Với trường hợp của TikToker Phạm Thoại, TS. Nguyễn Tuấn Anh không đồng tình khi đưa những câu chuyện hệ trọng cả đời như cưới xin lên làm trò đùa. Chuyên gia cho rằng, đây là một trong những chiêu trò của nam TikToker nhằm đưa tên tuổi của mình “nóng” lên, đi xa hơn bằng sự thảo luận, tương tác trên mạng xã hội. “Có lẽ vì nghĩ rằng trong ngày mà mọi người dễ tha thứ cho nhau, ê-kíp hoặc chính Thoại đã nghĩ ra nội dung này để khiến mình nổi bật hơn. Để nhận định nội dung đó độc hại hay không, chúng ta cần xem ảnh hưởng của nó đối với công chúng”, TS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết. Khi đem những chuyện quan trọng thành trò tiêu khiển, sau này khi sự việc đó thật sự xảy ra sẽ không ai tin tưởng họ nữa.

Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định, Phạm Thoại sử dụng cách thức đưa ra những cặp nội dung đối lập, mâu thuẫn để tạo sự bất ngờ. “Trước đây Phạm Thoại gắn liền với cộng đồng LGBTQIA+, vì vậy khi cậu ấy đưa ra một nội dung hoàn toàn đối lập, liên quan đến đám cưới, ngay lập tức nó tạo sự tò mò. Tôi nghĩ, ai cũng muốn có được sức hấp dẫn với cộng đồng và có những lý do riêng để làm điều đó, nhưng những sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời con người, gia đình, bạn bè thân thiết phải rất cân nhắc khi làm nội dung câu khách”, chuyên gia Hồng Quang Minh nêu.

Những người có ý định trêu đùa như thế cần thay đổi lại tư duy để trò đùa không đi quá xa, không phá vỡ giới hạn đạo đức cộng đồng. “Không phải tất cả người theo dõi đều có đủ nhận thức để hiểu đó là trò đùa, vô tình hay cố ý. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội có rất nhiều người dùng trẻ, là đối tượng dễ bị dẫn dắt ảnh hưởng”, chuyên gia Hồng Quang Minh cho biết. Anh khẳng định, người nổi tiếng cần tự biết đưa ra ranh giới cho mình từ phản ứng của cộng đồng.

Việc quản lý các nội dung sáng tạo trên mạng xã hội còn thiếu những chế tài xử phạt nghiêm, thiếu nguồn lực để giám sát, quản lý bởi một ngày có đến hàng triệu nội dung được đăng tải trên mạng. Chuyên gia Tuấn Anh đề xuất, bên cạnh sự tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, giới trẻ cần tự xây dựng bộ lọc riêng để bảo vệ bản thân trước những nội dung độc hại. “Các bạn trẻ cần nhận diện được đâu là thông tin đáng tin cậy hay thông tin không đáng tin cậy, thông tin có giá trị hay thông tin độc hại. Đây là kỹ năng cần thiết cho giới trẻ để họ có thể chọn lọc, thụ hưởng những sản phẩm trên theo nhu cầu cá nhân mà không gây ảnh hưởng đến cá nhân và xã hội”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nêu.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, nếu thực sự là vì cần chiêu trò mà phải “lừa cả mẹ mình” thì không đáng. “Nếu chỉ đứng ở góc độ sáng tạo nội dung, Phạm Thoại có rất nhiều ý tưởng để thu hút truyền thông. Không chỉ là người luôn hành động, bạn này còn rất chịu chi. Lúc trước Phạm Thoại làm con rồng check-in Tết cũng chi lớn, giờ cưới xin cũng đầu tư không chỉ là tiền”, anh nhận định.

Ngừng đăng tải nội dung chơi khăm

Theo The Daily Star, các đơn vị truyền thông, người làm trong lĩnh vực này không còn chuộng việc tạo ra những trò chơi khăm trong ngày Cá tháng Tư. Trong thời đại tin tức lan truyền với tốc độ nhanh chóng trên mạng xã hội, những trò đùa vô hại có thể tạo thành tin giả, đem đến sự hiểu lầm, khiến công chúng mất lòng tin, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Vì vậy, từ năm 2020, Google quyết định dừng tất cả trò đùa vào ngày Cá tháng Tư. Các chiến dịch truyền thông dựa trên sự thật, giá trị thật vì thế mà được săn đón, đầu tư hơn.

Khánh Chi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tiktoker-lam-tro-lo-gay-nhieu-loan-coi-mang-post1625916.tpo