Tiêu thụ vàng tại châu Á sẽ tăng vọt trong năm Rồng

Tại Trung Quốc, doanh số bán đồ trang sức bằng vàng dự kiến tăng ít nhất 30% trong năm Rồng. Đi cùng với đó là dự đoán giá cả các mặt hàng vàng sẽ còn tăng cao lên mức kỷ lục.

Nhu cầu vàng được đánh giá sẽ tăng cao tại các nước châu Á trong năm Giáp Thìn. Ảnh: Getty Images.

Kể từ cuối tháng 1, nhiều cửa hàng vàng tại Trung Quốc đã trưng bày các sản phẩm vàng hoàng đạo hình rồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Thậm chí nhiều nhà vàng tại đây còn gia tăng thêm lượng vàng bày bán tại cửa hàng.

Tiêu thụ vàng tăng cao nhờ hiệu ứng “rồng vàng"

Ông Haywood Cheung Tak-hay, Chủ tịch Hiệp hội trao đổi vàng bạc Trung Quốc cho biết nhiều người tại quốc gia này đang cố gắng kết hôn và sinh con vào năm con Rồng. Chủ tịch Hiệp hội này đánh giá nhu cầu tiêu thụ mặt hàng vàng trang sức có thể tăng mạnh ngay từ đầu năm.

“Rồng là sinh vật thần thoại duy nhất trong 12 con giáp, và sinh con vào năm Thìn được coi là một điều may mắn. Theo quan niệm của người châu Á, những đứa trẻ sinh năm Rồng sẽ đạt được những thành tựu lớn”, ông Haywood Cheung Tak-hay lý giải thêm.

Tại Trung Quốc, trong lịch sử những năm Rồng trước đó cũng chứng kiến số lượng sinh tăng đáng kể.

SCMP dẫn dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy số ca sinh mới trong năm 2012 Nhâm Thìn đạt 91.600 ca, cao hơn 38% so với năm Bính Tỵ sau đó. Năm 2000 Canh Thìn cũng có 54.134 trẻ được sinh ra, cao hơn 12% so với năm sau đó, trong khi năm 1988 Mậu Thìn có 75.412 trẻ được sinh ra, cao hơn 8% so với năm sau đó.

Đồng ý với điều này, ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và là Giám đốc toàn cầu về ngân hàng trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết nhu cầu mua vàng tại châu Á sẽ tăng mạnh trong năm mới Giáp Thìn.

Theo ông Shaokai Fan yếu tố thúc đẩy tốt nhất chính là nhờ yếu tín ngưỡng. Bởi theo quan niệm dân gian, năm con Rồng chính là năm tốt để sinh con. “Việc tăng tỷ lệ sinh là yếu tố tác động tích cực đến nhu cầu vàng trong năm 2024 tại châu Á", ông Shaokai Fan nhận định thêm.

Đoán trước được xu hướng này, ngay từ đầu năm, nhiều thợ kim hoàn và các nhà vàng đã chuẩn bị sẵn sàng thêm 30% sản phẩm vàng có chủ đề Rồng so với năm trước vì họ kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng đáng kể ngay trong Tết Nguyên đán và sau đó.

Bởi ngoài tỷ lệ sinh thì tại Trung Quốc, kim loại quý vẫn luôn được coi là dấu hiệu của sự may mắn và thường được mua làm quà tặng trong dịp đầu năm, đặc biệt là vào năm con Rồng.

Người Trung Quốc chuộng mua vàng dịp đầu năm. Ảnh: SCMP.

Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu của BullionVault cho biết Trung Quốc là quốc gia khai thác, nhập khẩu, mua vàng hàng đầu. Vào dịp Tết Nguyên đán và sau đó, tỷ lệ mua vàng thỏi từ ngân hàng trung ương và vàng trang sức của người tiêu dùng nước này thường tăng vọt.

George Milling-Stanley, Chiến lược gia trưởng về vàng của State Street Global Advisors đã lưu ý về nhu cầu vàng ngày càng tăng của người dân Trung Quốc.

Thống kê cho thấy, tháng 1/2024 chứng kiến nhu cầu vàng vật chất tăng vọt với lượng tiền rút khỏi sàn giao dịch vàng Thượng Hải đạt mức gần kỷ lục, cao thứ hai trong lịch sử.

Milling-Stanley chỉ ra rằng khả năng kép của vàng khi mang lại sự ổn định cho danh mục đầu tư lại đạt được lợi nhuận dài hạn đặc biệt phù hợp với giới đầu tư Trung Quốc trong giai đoạn này.

Trước đó, Kitco News cũng thông báo ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bổ sung thêm 10 tấn vàng vào kho dự trữ của mình trong tháng 1. Động thái này đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 15 liên tiếp trong dự trữ vàng chính thức của nước này, mặc dù khối lượng mua vào đã có phần thấp hơn so với những tháng trước.

Còn tại thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ thì lại khác.

Một báo cáo gần đây của WGC cho biết, quốc gia Ấn Độ sẽ chỉ có 16 ngày cưới được cho là tốt lành trong quý I/2024. Con số này ít hơn hẳn so với mức 28 ngày vào năm ngoái. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ vàng tại quốc gia này trong quý I.

Nhiều yếu tố trợ lực giúp giá vàng tăng trong năm 2024. Ảnh: SCMP.

Triển vọng năm 2024

Về dài hạn, WGC đánh giá nhu cầu tích trữ vàng trong năm 2024 khó có thể đạt được mức tương tự của năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang là yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư cất giữ vàng.

Ông Shaokai Fan đánh giá trong năm 2023 thì yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy nhu cầu vàng là xung đột địa chính trị cũng như sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. “Những điều này có thể tiếp tục thúc đẩy giá kim loại quý tăng cao vào năm 2024”, ông Fan nhận định.

Giám đốc toàn cầu về ngân hàng trung ương của WGC nhấn mạnh thêm, cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc cũng đang thúc đẩy nhiều nhà đầu tư hướng tới vàng. “Các nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng về tương lai của các loại tài sản đầu tư và họ đang chuyển dần vốn của mình sang vàng như một cách để bảo vệ danh mục đầu tư”.

Trong báo cáo triển vọng năm 2024, WGC dự báo nếu lãi suất giảm 75-100 điểm cơ bản, giá vàng sẽ tăng 4%.

Giới phân tích cũng cho rằng xung đột địa chính, bất ổn từ cuộc bầu cử tại các nền kinh tế lớn năm này, và lực mua của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ kéo nhu cầu trú ẩn vào vàng lên cao.

Riêng tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, các chuyên gia nhận định rằng nhu cầu mua vàng trang sức năm nay tại nước này có thể lên cao.

Tuy nhiên, giá vẫn có thể đi xuống nếu lạm phát tăng tốc trở lại, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ bỏ ý định chuyển hướng chính sách. Bên cạnh đó, nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn tốc độ giảm lãi suất, nền kinh tế cũng sẽ giảm tốc, từ đó giảm nhu cầu mua vàng.

Còn theo Ngân hàng ING Bank (Hà Lan), sức mạnh của đồng USD trong năm 2023 đã gây áp lực giảm giá rất mạnh lên vàng. Tuy nhiên sang năm 2024, tình hình sẽ khác. Các yếu tố hỗ trợ cho vàng có thể bị ảnh hưởng do Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/tieu-thu-vang-tai-chau-a-se-tang-vot-trong-nam-rong-post1460479.html