Tiêu thụ khó, nhiều doanh nghiệp xi măng báo lỗ

Sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vẫn đeo đuổi các doanh nghiệp xi măng. Giá đầu vào sản xuất xi măng tiếp tục tăng nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh, tiệu thụ nội địa cũng khó khăn. Ảnh: Minh Anh/BNEWS

Từ đầu năm đến nay, sản xuất, tiêu thụ xi măng vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Trước tình hình tiêu thụ nội địa chậm, nhiều doanh nghiệp xi măng đã chọn xuất khẩu là giải pháp tình thế để giải quyết nguồn xi măng dư thừa. Thế nhưng, thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng không khả quan. Nhiều doanh nghiệp xi măng liên tục rơi vào tình trạng lỗ suốt nhiều quý.

Chiếm khoảng 36% thị phần với vai trò dẫn dắt thị trường nhưng bức tranh về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng chìm trong gam màu ảm đạm. Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh chia sẻ, những quý đầu năm 2023 là thời điểm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam.

Sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vẫn đeo đuổi các doanh nghiệp xi măng. Ông Đinh Quang Dũng - Phó Tổng giám đốc VICEM phân tích, giá đầu vào sản xuất xi măng tiếp tục tăng lên khi giá điện đã tăng thêm 3%, giá than vẫn duy trì ở mức cao, nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không khỏi bị ảnh hưởng.

Với tình hình này, kết quả kinh doanh không thể đạt mục tiêu đề ra, không tiêu thụ hết năng lực sản xuất, tồn kho nhiều, cả xi măng, clinker. Trên thực tế, từ cuối năm 2022, đối mặt với những diễn biến thị trường không thuận, một số nhà máy xi măng trong hệ thống VICEM đã phải giảm công suất, dừng sản xuất nhiều hơn - ông Dũng cho hay.

Riêng đối với VICEM, hiện công suất thiết kế của các nhà máy xi măng lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Lượng clinker tồn kho rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm ô nhiễm môi trường.

Đối diện với thực tế này, báo cáo tài chính 2 quý vừa qua của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống VICEM đã liên tục ghi nhận con số lỗ. Điển hình như Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai báo cáo doanh thu quý II/2023 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 358 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ giảm nên thời gian qua doanh nghiệp đã giảm sản xuất để tránh tồn kho, giảm chất lượng.

Sản lượng xi măng sản xuất trong quý II/2023 của Vicem Hoàng Mai là 313.000 tấn, giảm 168.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, còn sản lượng clinker giảm 162.000 tấn. Giá bình quân nội địa quý II là 1.024.857 đồng/tấn (tăng 44.540 đồng/tấn), tuy nhiên giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chỉ tính riêng giá than tăng 96 đồng/Kcal.

Do đó, kết thúc quý II/2023, Vicem Hoàng Mai ghi nhận 808 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 622 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 22,8% và 94,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn cũng báo lỗ hơn 5 tỷ đồng trong quý II vừa qua do doanh thu bán hàng giảm, chi phí tài chính tăng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, toàn bộ doanh thu của Vicem Bỉm Sơn đến từ xi măng và clinker với gần 893 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Chuyến hàng đầu tiên của Xi măng Nghi Sơn xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Ảnh minh họa: Xi măng Nghi Sơn

Giá vốn bán hàng có mức giảm nhẹ hơn nên sau khấu trừ, lãi gộp doanh nghiệp còn hơn 69 tỷ đồng, giảm 60%. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 49%, còn 7 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng 56%, lên gần 13 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay. Mặc dù chi phí bán hàng 35 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 29 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và 36% so cùng kỳ nhưng kết quả quý II doanh nghiệp này vẫn lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 59 tỷ đồng. Đáng chú ý đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ (kể từ quý III/2022).

Theo lý giải của Công ty Vicem Bỉm Sơn, mức giảm doanh thu bán hàng, thu nhập khác và mức tăng chi phí tài chính lớn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm.

Lũy kế 2 quý đầu năm doanh nghiệp này đạt gần 1.741 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 25%. Tuy nhiên, lỗ ròng hơn 52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 130 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2023 đạt gần 4.632 tỷ đồng, tăng 10% và hơn 40 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 56% so với thực hiện 2022. Như vậy, nửa đầu năm, Vicem Bỉm Sơn thực hiện được 38% chỉ tiêu tổng doanh thu nhưng chưa có lợi nhuận.

Một đơn vị thành viên khác của VICEM là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn cũng báo lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng trong quý II vừa qua; trong khi, cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi 30 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp Vicem Bút Sơn rơi vào tình trạng lỗ, kể từ quý IV/2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Vicem Bút Sơn ghi nhận doanh thu thuần hơn 689 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm 6%, còn 650 tỷ đồng. Sau khấu trừ, lãi gộp còn 40 tỷ đồng, giảm 62%. Mức giảm giá vốn thấp hơn doanh thu nên biên lợi nhuận gộp giảm từ 13% cùng kỳ xuống còn 6%.

Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính tăng 14 lần so cùng kỳ, lên 360 triệu đồng. Chi phí tài chính hơn 24 tỷ đồng, tăng 88%; chủ yếu là chi phí lãi vay gần 23 tỷ đồng, chiếm 94%. Điểm tích cực là chi phí bán hàng hơn 16 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 27 tỷ đồng, giảm lần lượt 22% và 35% so cùng kỳ. Do đó, Vicem Bút Sơn lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 30 tỷ đồng.

Hai quý vừa qua được đánh giá là giai đoạn khó khăn nhất với ngành xi măng từ trước đến nay. Nhu cầu xi măng thấp, suy thoái kinh tế, bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình, dự án chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm...

Ngoài ra, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa cầu dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các thị trường xuất khẩu xi măng, clinker chính gặp nhiêùkhó khăn. Vicem Bút Sơn cho biết, sản lượng tiêu thụ xi măng quý II của doanh nghiệp giảm hơn 101.000 tấn so với cùng kỳ khiến doanh thu sụt giảm là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ của quý II.

Tính chung, lũy kế 2 quý đầu năm, Vicem Bút Sơn đạt hơn 1.342 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12%; lỗ ròng hơn 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 47 tỷ đồng. Năm 2023, Vicem Bút Sơn đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 3.532 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện 2022; trong đó, sản lượng tiêu thụ clinker 400 ngàn tấn, xi măng 3,35 triệu tấn, tăng lần lượt 22% và 6%. Lãi sau thuế hơn 32 tỷ đồng, giảm 40%. Như vậy, nửa đầu năm, Xi măng Vicem Bút Sơn thực hiện được 38% chỉ tiêu tổng doanh thu nhưng chưa có lợi nhuận.

Điểm mặt các khó khăn mà ngành sản xuất xi măng đang đối diện, các chuyên gia chỉ rõ, giá nhiên liệu (than, điện…), vận tải tăng nhưng nhu cầu thị trường giảm mạnh. Thị trường bất động sản trầm lắng, số dự án mới không nhiều kéo theo hoạt động xây dựng cũng ngưng chệ. Đầu ra tắc nghẽn khiến tồn đọng sản phẩm, vốn tăng… càng làm cho doanh nghiệp khó chồng khó.

Theo ông Lương Đức Long - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, chi phí than chiếm 45-55% giá thành sản xuất 1 tấn clinker (tương ứng giá than 3,3 - 5 triệu đồng/tấn); chi phí điện chiếm 17 - 20% giá thành một tấn xi măng. Giá năng lượng tăng kéo theo giá vận tải cũng tăng theo.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường xuất khẩu giảm nhưng thuế xuất khẩu clinker lại tăng từ 5% lên 10% bắt đầu từ 1/1/2023. Bên cạnh đó, thủ tục triển khai một số hoạt động liên qua lại cũng rất phức tạp, khó khăn như: cấp mỏ nguyên liệu, sử dụng chất thải, rác thải làm nguyên - nhiên liệu thay thế; phát điện từ nhiệt thải lò nung… Những yếu tố này đang đẩy ngành sản xuất xi măng vào thế khó kéo dài - ông Long phân tích.

Trước tình hình tiêu thụ nội địa chậm, nhiều doanh nghiệp xi măng đã chọn xuất khẩu là giải pháp tình thế để giải quyết nguồn xi măng dư thừa. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng không khả quan.

Hầu hết doanh nghiệp xi măng đều nhận định, kết quả kinh doanh năm 2023 sẽ kém hơn nhiều so với năm ngoái. Hiện nay, điều mong đợi lớn nhất của các nhà sản xuất xi măng là hệ thống đường cao tốc khởi động để có cơ hội đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tieu-thu-kho-nhieu-doanh-nghiep-xi-mang-bao-lo/302282.html