Tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Dương (1959-2024)

Hòa thượng Thích Thanh Dương, thế danh Trần Văn Dương sinh ngày 22 tháng 03 năm 1959 tại thôn Đại Phú, xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa - nơi mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học.

Hòa thượng Thích Thanh Dương, thế danh Trần Văn Dương sinh ngày 22 tháng 03 năm 1959 tại thôn Đại Phú, xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa – nơi mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học.

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH THANH DƯƠNG
(1959-2024)

– Nguyên Phó Trưởng ban Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN;
– Nguyên Thư ký Ủy ban Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình (ABCP);
– Nguyên cán bộ Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
– Thành viên Ban Quản trị Tùng lâm Quán Sứ.

I. Thân thế

Hòa thượng Thích Thanh Dương, thế danh Trần Văn Dương sinh ngày 22 tháng 03 năm 1959 tại thôn Đại Phú, xã Đồng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa – nơi mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học. Ngài sinh trưởng trong gia đình có 6 anh chị em, ngài là con thứ năm trong gia đình. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Nhịn, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Én.

II. Thời kỳ xuất gia

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống mộ đạo, có lòng tín kính Tam Bảo. Năm 6 tuổi từ biệt song thân được bác ruột là Trần Văn Nhượng (Cố Hòa thượng Thích Thanh Khiết) đưa vào chùa cho đi học. Năm 1972 khi Hòa thượng tròn 14 tuổi, sớm nhận thức được cuộc đời là giả huyễn vô thường, Hòa thượng xin thế phát xả tục xuất gia đầu Phật tại chùa Sĩ Lâm (Phúc Lâm), huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Hà Nam Ninh.

III. Thời kỳ hành đạo

Trải qua nhiều năm chấp tác, học đạo rồi đến độ tâm hoa khai phát, duyên lành hội đủ Hòa thượng đăng đàn thụ giới Tỳ khiêu năm 1978 tại Quán Sứ. Từ đây ngài thực sự dự vào hàng Tăng Bảo, sứ giả của Như Lai với trọng trách “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Nhận thức vai trò trưởng tử của Như Lai, giữ trách nhiệm với bậc thầy khả kính Hòa thượng luôn cần mẫn tu trì trau dồi tam vô lậu học.

Tháng 11 năm 1981 Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trường Cao cấp Phật học được thành lập, Hòa thượng được tham gia khóa học cùng với HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Quảng Tùng; HT.Thích Thanh Duệ; HT.Thích Thanh Điện…

Đặc biệt tại khóa học này, Thượng tọa được thân cận, thụ giáo với các bậc Trưởng lão Hòa thượng như: Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Từ Thông ….

Sau khi học xong Trường Cao cấp Phật học với tố chất ham học, chịu khó trong công tác phật sự, Hòa thượng được giữ lại chùa Quán Sứ làm nhân viên Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Là một nhân viên văn phòng đầy triển vọng nên Văn phòng đã cho bồi dưỡng tiếng Anh để làm thư ký quốc tế bên cạnh Cố Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Minh Châu – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Được Cố Hòa thượng Thích Minh Châu kèm cặp, giúp đỡ một thời gian thấy có triển vọng phát triển tốt, Cố Hòa thượng đã lựa chọn đề nghị với thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giới thiệu với Trung tâm Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP) có trụ sở tại Ulanbator, Mông Cổ đào tạo khóa học dài hạn tiến sĩ.

Vì lúc này, Cố Hòa thượng Thích Minh Châu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Thường trực của Tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP). Chuyến đi này cùng với một nhân sự nữa của Trung ương giáo hội nhằm đào tạo làm nòng cốt hoạt động quốc tế lâu dài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các hồ sơ, thủ tục cần thiết cho chuyến đi đào tạo này từ cuối năm 1985 đã được chuẩn bị hoàn tất và đang được bồi dưỡng tiếng Anh để có đủ điều kiện tiếp thu trong học tập. Vì tình hình quốc tế lúc bấy giờ chưa được thuận lợi nên phải tạm hoãn.

Trong quá trình chuẩn bị gửi đi đào tạo ở nước ngoài, Đại đức Thích Thanh Dương vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ thư ký quốc tế bên cạnh Cố Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu và tiếp tục công tác tại Văn phòng 1 – Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có nhiều đóng góp tích cực ngay từ những ngày đầu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến sau này.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Ngài được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng.

Chùa Quán Sứ (Hà Nội) nơi đặt Văn phòng 1 – Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

IV. Thời kỳ lâm bệnh và viên tịch

Những tưởng rằng trên lộ trình hành bồ tát đạo, Hòa thượng còn đóng góp nhiều hơn nữa, trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, là cây thạch trụ trong chốn tùng lâm, là nhà sư phạm tâm linh để thập phương thiện tín qui ngưỡng.

Nhưng theo quy luật vô thường, Hòa thượng lâm trọng bệnh mặc dù đã được các thầy thuốc, y bác sỹ cùng Chư tôn đức lãnh đạo tùng lâm Quán Sứ, gia đình thân quyến hết lòng cứu chữa, nay công duyên đã mãn Hòa thượng đã an nhiên thu thần thị tịch vào 02 giờ10 phút ngày 20 tháng 2 năm 2024 (tức ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Thìn) hưởng thọ 66 tuổi – Hạ lạp 45 năm.

Thế là: Người đã ra đi, trở về quê hương an dưỡng thảnh thơi. Như lời bậc Cổ Đức dạy:

Quẩy dép về Tây chốn nghỉ ngoi
Hạc vàng tung cánh khắp phương trời
Đường sinh nẻo tử từ đây hết
Bóng nhạn đâu còn in nước trong.

Kể từ nay xã hội mất đi Người công dân mẫu mực, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mất đi một thành viên ưu tú, tùng lâm Quán Sứ cùng pháp quyến thân quyến, tín đồ phật tử mất đi một bậc thầy khả kính, đã suốt đời tận tụy hiến dâng cho “Đạo pháp – Dân tộc”.

Xin nguyện Giác linh Hòa thượng Cao đăng Phật quốc

NAM MÔ MA HA SA MÔN TỶ KHIÊU THÍCH THANH DƯƠNG ĐẠO HIỆU CẦN HỌC GIÁC LINH THIỀN TỌA HẠ.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ht-thich-thanh-duong-1959-2024.html