Tiêu chết, người dân đứng ngồi không yên

Gần 1 tháng nay, hàng chục hécta hồ tiêu của nhiều hộ dân ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang phát triển tốt, cho nhiều trái và chuẩn bị thu hoạch bỗng chốc héo rũ rồi chết.

Nhiều vườn tiêu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đang có nguy cơ mất trắng.

Tiêu chết vì bệnh

Gia đình anh Đặng Công Hải thuộc ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom trồng 5 sào tiêu được gần 8 năm nay, các trụ tiêu đang trong thời kỳ cho quả và chuẩn bị thu hoạch thì 4 sào tiêu bỗng chốc héo rũ rồi chết.

Anh Hải thu gom tiêu chết

Theo anh Hải, chỉ chưa đầy 1 tháng khoảng 500 trụ tiêu của gia đình đang sinh trưởng bình thường bỗng lá chuyển màu vàng, héo dần rồi rụng kín gốc. Hiện tượng tiêu rũ và rụng lá bắt đầu từ ngọn trở xuống, xảy ra rất nhanh. Nhổ gốc lên thấy bộ rễ cây tiêu bị thối đen, gốc thân cũng bị thối, cành trơ trụi và héo khô.

Một số nọc tiêu mới trồng cũng đang bị lây lan, chết ngọn, cháy lá. Mặc dù, anh đã đổ vôi xử lý các gốc hồ tiêu bị bệnh và mua thuốc về phun nhưng vẫn không khống chế được dịch bệnh.

Anh buồn rầu nói: “Năm nay tiêu chết nhanh quá, trong có 1 tháng mà tiêu chết đồng loại mấy sào luôn. Theo kinh nghiệm của tôi thì tiêu chết do bị nấm, chết thối gốc trở lên đến ngọn. Tôi cũng đã phun xịt thuốc nhưng không hiệu quả. Mình xử lý được năm nay nó không chết nữa nhưng năm sau lại chết, nói chung bệnh này chưa có thuốc đặc trị".

Theo anh Hải, nếu trồng mới lại cây tiêu trên đất hiện nay, đến lúc cây tiêu lớn một chút nó cũng chết theo. Dường như mầm bệnh lan truyền từ vụ này sang vụ khác. Từ đầu mùa mưa đến giờ gia đình anh đã trồng, ươm cây lên cao gần 1m, đến giờ cây lớn chết thì cây nhỏ cũng chết theo.

Cùng ấp với anh Hải, những ngày này, cứ sáng ra bà Yadi ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom lại cầm rổ ra vườn tiêu thu từng dé tiêu non khô rụng từ những trụ tiêu đã chết. Gia đình trồng 3 sào tiêu thì vườn tiêu đã chết gần hết. Một nguồn vốn không nhỏ đầu tư coi như mất trắng.

Vườn tiêu nhà bà Yadi héo đen và chết

Bà Yadi cho biết, ban đầu cây tiêu rũ lá vàng rồi rụng hàng loạt chỉ trong vòng 5 - 7 ngày, để lại cành tiêu trơ trụi, sau đó toàn dây bị héo đen và chết. Nhìn vườn tiêu chết chỉ biết đứng nhìn mà không thể làm được gì. Nếu mưa kéo dài và chuyển sang mùa khô thì tất cả diện tích tiêu sẽ chết hoàn toàn.

Bà Yadi buồn rầu nói: “Mấy năm trước, vườn tiêu của gia đình cho thu hoạch khoảng 5 tấn đến 6 tấn mỗi vụ, năm nay không biết có được 1 tấn không nữa. Đến cuối tháng 10 vừa qua, tiêu chết hàng loạt luôn. Nắng lên tiêu còn chết nhiều nữa. Gia đình có 3 sào tiêu mà không thu được đồng nào”.

Ngập úng đe dọa vườn tiêu

Cây tiêu ở đây cùng lúc phải đối phó với cả dịch bệnh và úng ngập. Khác với nhiều diện tích trồng tiêu bị chết do sâu bệnh, nấm…, năm nay do mưa kéo dài nên một số hộ trồng tiêu tại khu vực trũng, thấp bị ngập úng gây thiệt hại nặng.

Trong đó, gia đình chị Phạm Thị Bích Phượng ở, ấp Trường An, xã Thanh Bình trồng 5 sào tiêu bị ngập úng kéo dài nên diện tích tiêu đã trồng chết không còn trụ nào. Mặc dù, gia đình đã làm đủ mọi cách để cứu vãn vườn tiêu, tuy nhiên không thể được. Tiêu vẫn cứ rủ nhau... chết một cách khó hiểu.

Tiêu chết vì ngập úng

Chị Phượng chia sẻ: “Thấy tiêu chết, gia đình thuê xe múc mương thoát nước mà không kịp. Tiêu vẫn chết, nhìn mà chẳng biết làm gì. Vốn liếng của hai vợ chồng tôi được bố mẹ hai bên cho khi mới cưới đầu tư trồng tiêu thì nay trôi xuống sông, xuống biển”.

Thời gian gần đây do giá tiêu luôn ở mức cao, đã khiến nhiều hộ dân ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Đã có nhiều khuyến cáo nhưng người dân không nghe, vẫn tiếp tục trồng tiêu để đón giá cao, kể cả những nơi bị ngập úng mỗi khi vào mưa.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Dần, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Trảng Bom cho biết, tiêu chết đa phần vẫn bởi mắc bệnh chết nhanh. Nguyên nhân do thời tiết mưa nhiều kéo dài, độ ẩm không khí cao… Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV tuyên truyền, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, thăm nom vườn tiêu để phát hiện bệnh kịp thời.

Khi có dấu hiệu bệnh, nên cắt bỏ ngay phần tiêu nhiễm bệnh để cách ly và tiêu hủy, sau đó sử dụng thuốc phun phòng trừ bệnh; đồng thời dùng men vi sinh bón cho cây tiêu. Đối với những khu vực ngập úng không nên trồng tiêu mà chuyển sang trồng các loại cây khác.

Giá tiêu tăng cao, mà các trụ tiêu vẫn... lăn đùng ra chết một cách bí ẩn. Vì vậy thật dễ hiểu khi hầu hết các hộ dân trồng tiêu đều hoang mang, lo lắng trước nguy cơ trắng tay trong khi chưa tìm ra phương pháp đặc trị. Vì thế, sẽ có thêm nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn.

Theo Hồng Lĩnh (Nông Nghiệp Việt Nam)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tieu-chet-nguoi-dan-dung-ngoi-khong-yen-722373.html