Tiết lộ bất ngờ về thuật giả kim không hẳn ai cũng biết

Hình thức sơ khai của giả kim thuật là tạo ra những hợp kim có màu sắc giống vàng như trộn đồng đỏ vào thiếc màu trắng thành hợp kim đồng - thiếc có màu giống vàng.

Giả kim thuật (alchemy) là phương pháp biến đổi các kim loại thường như chì, thủy ngân… thành vàng. Ý tưởng này đã có từ hàng nghìn năm trước, dựa trên quan điểm của nhà triết học Hi Lạp cổ đại Aritstote về việc có thể chuyển hóa được chất này thành một chất khác, kim loại này thành kim loại khác.

Hình thức sơ khai của giả kim thuật là tạo ra những hợp kim có màu sắc giống vàng như trộn đồng đỏ vào thiếc màu trắng thành hợp kim đồng - thiếc có màu giống vàng.

Tuy nhiên, đây chỉ là vàng “giả” có thể được phát hiện ra bằng nhiều cách khác nhau. Vì vàng giả tràn ngập thị trường, năm 296, Hoàng đế La Mã đã ra sắc lệnh cấm tạo ra “vàng” theo cách nói trên.

Để trốn tránh lệnh truy nã, các nhà giả kim thuật đã chạy trốn sang các quốc gia lân cận như Babylon, Syria và dựng các phòng thí nghiệm. Nhiều người trong số họ không chấp nhận thứ vàng hợp kim giả tạo mà tìm cách để điều chế ra vàng “thứ thiệt”.

Vào thế kỷ thứ 8, khi người Ả Rập chinh phục vùng ven Địa Trung Hải và Cận Đông thì trung tâm khoa học đã chuyển về Ả Rập. Họ bắt đầu phát triển nền giả kim thuật riêng, khác với giả kim thuật của người Hi Lạp và La Mã.

Các nhà giả kim thuật Ả Rập không tiếp thu một cách đơn thuần thuyết Aristotle mà diễn giải theo ý họ và bổ sung các lý thuyết mới.

Họ cho rằng các kim loại trong thiên nhiên đều có nguồn gốc ban đầu là lưu huỳnh và thủy ngân vì thủy ngân có khả năng hòa tan các kim loại khác, kể cả vàng và đặc quánh lại tạo thành hỗn hống...

...Trong khi lưu huỳnh kết hợp với chì và thiếc nó sẽ làm các kim loại đó sáng như bạc, kết hợp với đồng và sắt sẽ cho các kim lại đó màu sắc và ánh kim của vàng.

Các nhà giả kim thuật Ả Rập cho rằng muốn điều chế vàng và bạc từ kim loại thường thì cần một tỉ lệ kết hợp hợp lý giữa thủy ngân và lưu huỳnh. Từ đó hàng loạt cách điều chế vàng đã ra đời, nhưng đều thất bại vì lý thuyết cơ sở của chúng hoàn toàn sai lầm.

Người Trung Quốc cũng có hình thức giả kim thuật của riêng mình, dù nó khác biệt rất nhiều so với giả kim thuật xuất xứ phương Tây. Thay vì tìm cách tạo ra vàng thì giả kim thuật của Trung Quốc – được gọi là thuật luyện đan – hướng tới sự trường sinh bất tử.

Trong thuật luyện đan, các đạo sĩ sẽ dùng lửa luyện các khoáng chất khác nhau trong các lò đặc biệt để biến chúng thành đan dược dùng để uống.

Đan sa, loại khoáng chất màu đỏ có công thức hóa học là HgS là nguyên liệu được các đạo sĩ thích dùng trong việc luyện đan vì họ cho rằng thứ khoáng chất này có màu đỏ là màu cao quý và có những đặc điểm kỳ lạ như có thể nấu lên để chiết tách ra thủy ngân.

Tuy vậy, nhiều người đã chết khi sử dụng đan sa do độc tính cao của nó. Không thể đem lại sự bất tử như mong muốn, thuật luyện đan dần dần biến mất khỏi lịch sử Trung Quốc.

Dù thất bại, nhưng những kiến thức hóa học mà các nhà giả kim thuật mang lại cho nhân loại là rất lớn, như sự phát hiện ra nhiều loại axít, bazơ, muối, hợp kim, và rất nhiều hợp chất mà con người chưa từng biết tới.

Nhiều kĩ thuật thí nghiệm quan trọng như nung, chưng cất, hòa tan, lọc, bay hơi, kết tinh, thăng hoa... cũng được các nhà giả kim thuật hoàn thiện.

Ngày nay, việc chế tạo ra vàng vẫn là một hướng nghiên cứu của giới khoa học. Với những hiểu biết mới nhất về hóa học, việc biến các kim loại khác thành vàng là điều có thể thực hiện được, nhưng đòi hỏi kĩ thuật và chi phí rất cao, chưa thể áp dụng vào việc điều chế vàng một cách đại trà.

Mời quý độc giả xem video: Ai Cập phát hiện thêm kho báu cổ đại với hơn 100 quan tài chứa xác ướp 2.500 năm | VTV24.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tiet-lo-bat-ngo-ve-thuat-gia-kim-khong-han-ai-cung-biet-1950113.html