Tiết kiệm và chuyển đổi để ứng phó thiếu năng lượng

Điều phối diễn đàn 'Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam' do Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức sáng 12-10 tại Hà Nội, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nêu câu hỏi: 'Phải chăng vì giá điện của Việt Nam rẻ nên doanh nghiệp FDI đưa công nghệ rẻ, tiêu tốn nhiều điện năng vào Việt Nam? Nếu giá điện cao như các nước thì liệu có tình trạng này?'.

Diễn đàn Triển vọng năng lượng Việt Nam sáng 12-10

Theo ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), nhu cầu năng lượng ở nước ta hiện đã vượt cả tăng trưởng kinh tế, nên trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.

Trước tình hình này, đại diện Bộ Công thương cho biết, chính sách của Việt Nam là cần giảm cường độ năng lượng xuống 1%-1,5% mỗi năm theo Nghị quyết của Đại hội Đảng khóa XII. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng xác định mục tiêu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng cần đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, mức tổn thất điện năng cần giảm xuống 6%; giảm mức tiêu hao năng lượng trong các ngành thép xuống 5% - 16,5%, hóa chất trên 10%, nhựa 21,5% - 24,8%, xi măng trên 10,8%, dệt may trên 6,8%... Do vậy, ông Hoàng Việt Dũng nhận định, chuyển đổi công nghệ tiêu hao ít năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng xanh là xu thế.

Đề cập thêm vấn đề tiết kiệm năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài, ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc nêu vấn đề: "Lâu nay, khi xây dựng nhà ở, nhà xưởng, công trình… thường rất ít người quan tâm vấn đề nên sử dụng loại thiết bị điện nào để tiêu hao ít điện nhất khi sử dụng. Trong khi đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng một cách thiết thực, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân".

TS Nguyễn Trí Thành trao đổi với báo chí bên lề diễn đàn. Ảnh: VĂN PHÚC

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Thành cũng cho rằng, ngay cả những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, công nghệ số… cũng đang bắt đầu tiêu tốn rất nhiều năng lượng (điện) mà bây giờ chúng ta cần phải đặt ra.

Nêu ví dụ về sạc pin điện thoại, ông Thành cho biết: “Mỗi ngày tôi phải sạc 1 lần pin, nhưng có người ngày phải sạc 3-4 lần mới đủ”. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, khi ô tô điện phát triển thì chắc chắn nhu cầu điện sẽ còn lớn hơn.

Ông Vương Quốc Thắng, đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam thời gian qua tăng tương đối nhanh. Quy mô dân số tăng nhanh và quy mô nền kinh tế cũng sẽ tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm từ nay đến năm 2030, do đó, nhu cầu về năng lượng sẽ tiếp tục tăng nhanh.

“Riêng nhu cầu điện dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Trong khi trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên đã và đang suy giảm dần hàng năm; các nguồn thủy điện lớn và vừa đã được khai thác gần hết tiềm năng và dư địa. Đây là một trong những thách thức với an ninh năng lượng của chúng ta”, ông Thắng lo ngại.

Từ những bài học quốc tế, ông Vương Quốc Thắng đề nghị Việt Nam cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Việc đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời với lợi điểm là xây dựng nhanh chóng trong thời gian qua là giải pháp thiết thực để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các đại biểu dự diễn đàn sáng 12-10 tại Hà Nội

Tuy nhiên, trong các giải pháp, ông Vương Quốc Thắng cho rằng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là yêu cầu cấp thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng, nhất là nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Đặc biệt, Việt Nam chỉ nên theo đuổi việc tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên nếu không có sẵn các giải pháp thay thế khả thi. Nếu khí tự nhiên là cần thiết, hãy tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí ở mức độ lớn nhất có thể.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiet-kiem-va-chuyen-doi-de-ung-pho-thieu-nang-luong-post709490.html