Tiết kiệm nước cho vùng đại hạn

Tháng tư, có dịp đi từ bắc qua nam Tây Nguyên, chúng tôi đã chứng kiến những vùng quê khát nước. Khu cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh ở biên giới Đức Cơ (Gia Lai) hừng hực nắng bỏng da dù trời đã ngả sang chiều. Những vườn cây công nghiệp vùng Ea Hleo, Cư Kuin (Đắk Lắk) héo rũ.

Nhiều sông hồ ở huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đạ Huoai, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) cạn rốc. Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp với hàng nghìn héc-ta cây trồng thiếu nước tưới, ngay cả nước sinh hoạt ở nhiều vùng dân cư cũng đã phải dè sẻn, đong từng ca để dùng…

Các tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến cáo và hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán. Trong đó, mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa… là một giải pháp được nhiều nơi áp dụng. Thực tế cho thấy, thay cho tưới dây bình thường, hệ thống tưới phun giúp tiết kiệm lượng nước tới 40-50%.

Cách tưới này ngoài giúp cây trồng được cung cấp đủ nước nên sinh trưởng và phát triển tốt còn giảm chi phí điện, xăng dầu và nhất là giảm công mỗi ngày. Hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương còn có thể bố trí trên mọi địa hình canh tác, thích hợp với nhiều loại cây trồng phân phối nước tương đối đồng đều đến tất cả cây trồng, tự động hóa các khâu điều khiển và dễ dàng vận hành.

Các địa phương, các ngành chức năng cũng phân công cán bộ trực tiếp bám sát từng khu vực, từng công trình thủy lợi để vận hành, điều tiết nước tưới cho cây công nghiệp và phục vụ cho sản xuất; tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng; tận dụng các ao, hồ, khe mạch để tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời, các nguồn nước tự chảy cùng với hệ thống giếng đào, giếng khoan của người dân cũng được khai thác...

Tuy nhiên, về lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường các giải pháp nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn. Trong đó, phải liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, kịp thời tuyên truyền, phổ biến thông tin để người dân chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí; chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt, theo dõi sát trữ lượng nguồn nước tại các công trình, sông, suối để xác định khả năng cung cấp nước.

Từ đó triển khai thực hiện các nội dung: chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước, giải pháp ứng phó khi xảy ra thiếu nước, linh hoạt vận hành công trình để cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước tại các công trình. Đối với những khu vực cách xa hoặc không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất...

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tiet-kiem-nuoc-cho-vung-dai-han-207908.html