Tiết kiệm hay "đốt" tiền?

"Tiết kiệm đâu chẳng thấy, chỉ thấy tốn tiền, vô ích", chị Nguyễn Thị Bích, 42 tuổi ở phố Kim Giang, Hà Nội, bức xúc vứt bộ thiết bị tiết kiệm điện xuống nền nhà một cách không thương tiếc.

Cũng chỉ vì trót tin tưởng vào những lời quảng cáo đường mật mà bà chủ xưởng sản xuất may này đã lao ra Chợ Trời, phố Huế, mua bằng được hai cục nhựa vô tác dụng với giá 2.100.000 đồng. Bị lừa gạt đến hai lần Nghe một bạn hàng nói trên thị trường có bán loại thiết bị tiết kiệm được 50% lượng tiêu thụ điện năng, chị Bích khấp khởi hy vọng. "Tháng nào tôi cũng phải đau đầu vì tiền điện, nhất là thời điểm nóng bức vừa qua. Quạt, máy lạnh cứ mở hết công suất suốt cả ngày. Tiền điện tăng vùn vụt đến chóng mặt nhưng không làm sao để giảm bớt. Tắt quạt, máy lạnh chỉ có nước tắm mồ hôi. Nghe bạn bè, xóm giềng kháo nhau về dụng cụ tiết kiệm điện, tôi mừng vô cùng. Nếu rẻ và tiện dụng như vậy thì tốt...", chị Bích kể lại. Vì thế, chị vội vàng chạy ra cửa hàng tìm mua "niềm hy vọng" mới. Khi ra đến cửa hàng, chị bị người bán thuyết phục hoàn toàn. "Chính mắt tôi nhìn thấy chiếc đồng hồ điện quay như giẫm chân tại chỗ khi người bán hàng cắm nó vào ổ điện", chị kể. Bên trong sản phẩm tiết kiệm điện chỉ có thế này thôi đấy! Theo lời hướng dẫn của nhà sản xuất, chỉ cần cắm thiết bị tiết kiệm điện này vào ổ điện bất kỳ trong mạng lưới điện, tự nó sẽ "nối mạng" điều tiết lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị khác. Mừng ra mặt, chị mua liền hai bộ để dùng cho gia đình và xưởng may. Tràn trề hy vọng, chị Bích tin những "bảo bối" này sẽ "phù phép" để đồng hồ điện không "lồng như ngựa vía" nữa. Niềm hy vọng của chị Bích được chiếc máy đền đáp khi bắt đầu chạy ro ro. Hai tháng đầu, chị thấy hóa đơn tiền điện cũng giảm thật. Tuy nhiên, sang tháng thứ ba, thứ tư, số tiền lại như cũ. Chị vội đi kiểm tra. Đồng hồ điện được lắp tít trên cao của cột điện nên chị hì hụi mượn thang, bắc lên xem. Kết quả, máy vẫn chạy bình thường. Ngẫm nghĩ một lúc sau, chị Bích nhớ lại, mấy tháng trước bốt điện đầu khu phố nhà chị phải sửa nên điện bị cắt nhiều lần, hóa đơn tiền điện vì thế mà có giảm chứ không phải nhờ dụng cụ tiết kiệm điện nào cả. Thế nhưng, chị vẫn hy vọng về khả năng thần kỳ của dụng cụ tiết kiệm điện. Nghĩ rằng "bảo bối" gặp sự cố, chị Bích mang ra đổi và nhận được giọng ngọt như mía lùi: "chắc nó gặp trục trặc nhỏ nào đó thôi. Em bán nhiều mà chưa gặp trường hợp này bao giờ. Chị lấy chiếc khác về dùng nhé, có gì ra em đổi". Người bán hàng lại cắm bộ thiết bị điện vào đồng hồ chạy thử, lập tức vòng quay "chậm dần đều" như bị ma làm. Chị Bích lại tin đến sái cổ. Chẳng ngần ngại, chị rút tiền mua hai chiếc mới. Bộ thiết bị mới giống y chiếc trước về "xê-ri, chủng loại" và chúng cũng giống nhau luôn ở chỗ làm cho hầu bao của chị Bích chẳng tiết kiệm được xu nào. "Sau một tháng, mang những đồ "của nợ" trở lại cửa hàng, tôi nhận được sự lật mặt: "Tôi bán cho vài chục người mỗi ngày, chẳng nhớ chị là ai. Đây cũng không phải là nơi bảo hành. Chị muốn hỏi thì sang Hồng Kông. Nghe mà tức muốn nổi điên", chị Bích kể với thái độ bực bội. Khám phá sự thật bên trong thiết bị Chị đưa tôi hai bộ thiết bị tiết tiệm điện. Thiết bị này có tên KOK với các thông số 220V - 25.000W và MJK với thông số 220 - 3000W. Mã số, mã vạch, quốc gia sản xuất...tìm mỏi mắt không thấy. Thông số duy nhất được coi là "nguồn gốc xuất xứ" là dòng chữ HONGKONG. Khi tôi tháo tung chiếc KOK, những người chứng kiến đều thảng thốt đến kinh ngạc khi bên trong không phải là các vi mạch hay hệ thống dây dợ phức tạp...mà là một khối nhựa đường được đổ một cách lổn nhổn. Cũng giống như chị Bích, ngay từ đầu hè, anh Hoàng Minh Tiến, 40 tuổi, phố Trương Định, Hà Nội đã bỏ không ít thời gian để lùng mua các thiết bị tiết kiệm điện. Anh đi tìm từ cửa hàng lẻ đến các đại lý lớn. Anh khuân về các sản phẩm từ đèn chiếu sáng, quạt điện đến bộ thiết bị tiết kiệm điện... Tuy nhiên, kết quả cũng là tiền trong túi anh cứ ra mà tiền tiết kiệm chưa được đồng nào. Có nhiều sản phẩm được quảng cáo tiết kiệm đến 30% - 40% điện năng Nghe quảng cáo quạt Citizen, Trung Quốc, tiết kiệm được đến 30% điện năng, anh Tiến không ngần ngại xách luôn hai chiếc về dùng. Tuy nhiên, mất trên 600.000 đồng để mua hai chiếc quạt nhưng số tiền điện anh trả chỉ chênh nhau hơn 10.000 đồng. "Biết vậy, tôi thà cứ dùng mấy cái quạt điện cơ còn hơn, đỡ lãng phí và không mang tiếng dại dột", anh Tiến tức tối. Sau khi kiểm tra, bộ thiết bị tiết kiệm điện của anh Tiến cũng không khá hơn so với của chị Bích. Các thiết bị bên trong cũng là những miếng nhựa đường đen kịt. Những sản phẩm tiết kiệm điện không chỉ dừng lại ở bộ phận giảm tải điện, quạt...mà còn ở những sản phẩm nhỏ nhất. Gia đình anh Bùi Văn Quyết, ở Bạch Mai, làm nghề nấu bánh khúc, lại tốn không ít tiền vào những chiếc bóng đèn chất lượng kém. "Dân lao động thuần túy như chúng tôi làm ăn cò con, kiếm từng đồng tiền vất vả lắm. Nghe nói loại bóng compact Trung Quốc tiết kiệm được đến 80% lượng điện so với bóng dây đốt. Năm trước, tôi liên tục mua loại compact 20W của Trung Quốc với giá 13.000đ/chiếc, nhưng chỉ dùng được khoảng 2 tháng là nó "nghẻo" rồi", nói rồi anh Quyết chỉ cho tôi một đóng lổ nhổ gần chục chiếc bóng đèn đã hỏng vứt sau nhà. Thâm nhập thực tế, chúng tôi biết hầu hết các thiết bị điện được gắn thêm các công năng tiết kiệm điện như quạt, đèn chiếu sáng...đều nhập lậu từ Trung Quốc. Lần theo đầu mối của sản phẩm dỏm Qua giới thiệu, tôi gặp Kiên "nháy", huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, người đã từng kinh doanh bộ thiết bị tiết kiệm điện làm bằng nhựa đường ở Nam Định. Kiên có gương mặt mỏng quẹt, ánh mắt láo liên. Chẳng giấu giếm, Kiên oang oang: "Đồ đểu hết. Những thứ đó, ông lên Tân Thanh, Lạng Sơn, có mà mua cả núi". Nói về "chiêu thức" khiến đồng hồ điện quay chậm, Kiên liến láu: "Có cái gì đâu. Khi người ở ngoài bắt đầu cắm, thằng bên trong rút hết những thiết bị tiêu tốn điện đang hoạt động. Thế là mấy bác bị lừa dễ như chơi!". Theo Kiên, tất cả các sản phẩm được đóng bằng những hộp nhựa cứng, muốn tháo được ra phải dùng kim loại để cạy, bẩy một cách rất khó khăn. Điều này không gì ngoài mục đích làm cho khách hàng gặp trở ngại khi muốn kiểm tra trong lúc mua. Việc chúng được đổ nhựa đường lổn nhổn như kẹo lạc nhằm che đậy "công nghệ" sản xuất cực kỳ đơn giản. Kiên cho biết các chợ trời là "ổ chứa" các loại thiết bị tiết kiệm không rõ nguồn gốc. Hàng ở đây chủ yếu được lấy từ biên giới phía Bắc về từ đủ con đường vận chuyển. Kiên giới thiệu tôi đến một cửa hàng ở khu vực này. Chủ quán tên Tuấn vừa nghe xong điện thoại, giọng oang oang gọi to sang hàng đối diện: "Để lại cho anh 30 bộ tiết kiệm điện. Dưới Thái Bình vừa điện lên, chiều họ lên lấy. Hàng của anh không đủ". Biết tôi có ý định mua bộ thiết bị tiết kiệm điện, Tuấn liến thoắng: "Ti vi, tủ lạnh, điều hòa... cứ chạy vù vù cả ngày, lợi cả đôi đường còn gì". Nói xong, Tuấn vào gian trong lôi ra một bộ MJK, hệt như chiếc anh Tiến đã mua phải, rồi tiếp tục tiếp thị: "Chú là người quen của chú Kiên nên tôi chỉ lấy 150 nghìn thôi, đúng ra là 170 nghìn đấy. Rẻ chưa, bằng một ngày công đi làm của các chú". Vờ đồng ý mua, tôi đề nghị được tháo chiếc máy ra, Tuấn đấu dịu :"Chú tháo lắp làm gì cho mệt. Yên chí cứ mang về dùng, có gì mang ra đây, tôi đổi chiếc khác". Vớ chiếc tuốc-nơ-vít bên cạnh tôi vờ như cố tình muốn cạy tung chiếc hộp. Tuần giằng lại: "Vớ vẩn. Không mua thì thôi. Ông tháo tung ra, tôi còn bán cho ai. Lúc đấy ông đền nhé". Tôi đồng ý sẽ đền nhưng Tuấn đã quay biến vào trong với vẻ mặt gầm ghè. Tại một cửa hàng khác, tôi được cô bán hàng hướng dẫn: "Loại nào em cũng có, từ sản xuất, kinh doanh đến sinh hoạt gia đình. Nếu anh kinh doanh hay sản xuất, dùng loại từ 25.000W này trở nên, sẽ tiết kiệm được 50%. Nếu anh sử dụng sinh hoạt gia đình, dùng loại MJK này, anh sẽ tiết kiệm được 40%". Tôi vờ không tin tưởng chất lượng, người bán hàng nói chắc như đinh đóng cột: "Chữ Hồng Kông to thế này mà anh vẫn không tin. Bên đấy người ta sản xuất chỉ để bán trong nước thôi. Bọn em phải cậy mối mới đưa được về Việt Nam. Anh không dùng là hối hận đấy..." Số người bị lừa không ít Theo kỹ sư điện Bùi Bình Tiến, Công ty Xây lắp điện I, Bộ Công thương, không có cơ sở nào để kết luận loại thiết bị như MJK hay KOK có khả năng làm giảm mức tiêu thụ điện năng. Không những thế, bản thân sản phẩm đó còn gây hao tổn điện năng vì cấu tạo của chúng có 2 điện trở và 2 diot phát quang. Việc đồng hồ điện quay chậm chỉ là "xảo thuật" của người bán nhằm đánh lừa khách hàng. Tại cửa hàng 126, phố Trương Định, chị bán hàng cũng cho biết: "Chúng tôi kinh doanh cả bóng đèn Trung Quốc và Việt Nam. Không ít người tìm mua hàng Trung Quốc vì giá rẻ hơn từ 20-30%. Ví như đèn compact loại 20W của Trung Quốc chỉ có giá 13 nghìn trong khi hàng Việt Nam là 22 nghìn. Thế nhưng, tính chi phí cho thời gian sử dụng của hai loại bóng, nên sử dụng bóng nội. Bóng Trung Quốc tối hơn nhiều". Được biết, các loại thiết bị tiết kiệm điện dỏm này còn có mặt ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh... Không biết bao nhiêu người tiêu dùng đã bị lừa? Các cách tiết kiệm điện Người sử dụng nên lắp đặt các dây dẫn từ công tơ đến những sản phẩm tiêu thụ điện càng ngắn càng tốt. Dây phải có độ dẫn điện tốt, tiết kiệm lớn. Tủ lạnh đặt xa tường và các đồ dùng khác ít nhất 15cm. Hạn chế mở tủ không cần thiết và phải đóng khít. Lau chùi tủ thường xuyên. Không đưa thức ăn nóng vào tủ lạnh và nên dùng hộp để đựng thức ăn. Nhiệt độ trong phòng khi dùng điều hòa chỉ nên để ở 26-270C, tắt trước khi ra ngoài 15 phút. Không nên nấu ăn hay làm những việc gây nóng trong phòng điều hòa. Theo

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/kinhte/398450/index.html