Tiết giảm chi phí quản lý, sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh doanh

- Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, bên cạnh chính sách điều tiết của Chính phủ, tự thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động linh hoạt để ứng phó với khó khăn, đặc biệt là tăng cường tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

(ĐCSVN)- Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, bên cạnh chính sách điều tiết của Chính phủ, tự thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động linh hoạt để ứng phó với khó khăn, đặc biệt là tăng cường tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nước ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên với mức tăng trưởng tín dụng thấp và mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức cao như hiện nay, thì khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đối với nhiều doanh nghiệp là rất khó khăn. Để đối phó với tình trạng này, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là cắt giảm các khoản chi phí không hợp lý, ví dụ như: Chi phí lưu thông hàng hóa; Chi phí tiêu hao năng lượng như điện, nước, xăng xe; Chi phí hội họp, giấy tờ;...

Hiệu quả của việc tiết kiệm chi phí sản xuất sản xuất, kinh doanh mà một số doanh nghiệp đã ứng dụng bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Đơn cử như CTCP Sữa Hà Nội (HNM), trong quý IV/2011, doanh thu bán hàng chỉ đạt 75 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng Công ty có lãi 3 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh như trên là do trong năm 2011, Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí trong sản xuất và đã có kết quả tích cực như tỷ trọng giá vốn bán hàng trên doanh thu đã giảm từ mức 83,4% trong quý IV/2010 xuống mức 75,9% trong quý IV/2011. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí sản xuất, Công ty cũng chủ động tiết kiệm được chi phí quản lý doanh nghiệp, qua đó giúp tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu giảm từ mức 5,1% trong quý IV/2010 xuống mức 4,1% trong quý IV/2011.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, ngày 17/01/2012, Bộ Tài chính đã có công văn số 867/BTC-TCDN gửi các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đề nghị kiểm soát chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh.

Ngày 14/2 vừa qua, Tập đoàn Bảo Việt đã tổ chức Lễ ký cam kết Tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí theo tinh thần Nghị quyết 01-NQ/CP của Chính phủ và Chỉ đạo của Bộ Tài chính. Đây là Tập đoàn đầu tiên trong toàn quốc triển khai thực hiện cam kết này. Với cam kết cắt giảm 5-10% chi phí quản lý, Bảo Việt sẽ tiết kiệm được 145 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận tăng thêm của tập đoàn này trong năm 2012 là 145 tỷ đồng, từ 1.586 tỷ đồng lên 1.731 tỷ đồng.

Sau Tập đoàn Bảo Việt, ngày 16/2 Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng đã ký cam kết nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động trong việc xây dựng các phương án nhằm giảm giá thành, tăng năng suất để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, dự kiến số tiền tiết kiệm thêm là 178,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục rà soát để giao bổ sung các chỉ tiêu tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Được biết, ngoài hai tập đoàn nêu trên, trong tháng 2, một loạt các tập đoàn, tổng công ty khác cũng sẽ ký cam kết thực hiện tiết giảm chi phí: như Tổng công ty vận tải đường thủy (Vinalines), Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Đến hết quý 1/2012 toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ triển khai cam kết này. Trong đó, EVN cam kết cắt giảm chi phí và giảm hao tổn điện năng khoảng 200 tỷ đồng; Petrolimex cũng cam kết cắt giảm chi phí quản lý và tiêu hao xăng dầu..

Theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp, tăng giá thành sản phẩm không phải là biện pháp tối ưu để khắc phục hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tiết kiệm chi phí trong đó chú trọng cải tiến về công nghệ sản xuất, thay đổi cách thức quản lý điều hành hợp lý và hiệu quả, tạo ra thế cạnh tranh về giá để mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm ra những phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Một trong những biện pháp tiết kiệm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện là chủ động tìm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay thế nhằm giảm giá thành, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2012 này các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn. Đây là thời gian để doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại sức mạnh thực sự của mình, là cơ hội cho các doanh nghiệp tổ chức lại cơ cấu hoạt động và cách thức quản lý. Những doanh nghiệp vượt qua được thời điểm này sẽ mạnh mẽ hơn, dày dạn hơn trong nền kinh tế hội nhập. Trong điều kiện lạm phát còn cao, lãi suất chưa thể giảm thì việc tăng cường quản trị tài chính, trước hết quản trị chi phí giá thành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là giải pháp căn cơ lâu dài.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=507401&co_id=30066