Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tăng trưởng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng, Chính phủ cần xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ rào cản về môi trường pháp lý, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm.

Phóng viên: Quý đầu tiên của năm 2024 đã đi qua với những con số “khởi sắc” về tình hình kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết đâu là điểm sáng nổi bật trong bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Điểm sáng nổi bật, có ý nghĩa quan trọng, nâng cao năng lực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong quý I/2024 đó là giải ngân vốn đầu tư công cùng với thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc. Trong quý I/2024, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo và đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia nhằm phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội cho phát triển, tạo không gian phát triển mới cho nền kinh tế.

Vốn đầu tư công thực hiện quý I/2024 ước đạt 97,7 nghìn tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 thực hiện đạt 12,9% kế hoạch năm, tăng 21,6%).

Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu đã thể hiện rõ sức mạnh nội tại của nền kinh tế và là minh chứng mức độ thành công trong công tác điều hành của Chính phủ giữ vững ổn định vĩ mô, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đặc biệt, hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024 của nước ta với xuất siêu 3 tháng đầu năm đạt 8,08 tỷ USD, phản ánh vai trò và vị thế của kinh tế Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế; phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc củng cố và thúc đẩy động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Với sự năng động trong cải cách môi trường thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện. Những thế mạnh này đã biến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến đáng đầu tư nhất.

Theo tôi, với kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I năm nay đã đạt được, để tốc độ tăng GDP cả năm 2024 đạt 6,0% trở lên đòi hỏi tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại trong năm phải đạt trên 6,2%, đây là mức tăng không dễ đạt được.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm soát mục tiêu lạm phát ở mức 4%-4,5% sẽ không quá áp lực, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%-4,5%. Theo tôi, khi xét các yếu tố trong và ngoài nước gây nên biến động giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 3 quý còn lại, khả năng kiểm soát lạm phát năm 2024 như mục tiêu đặt ra là khả thi. Tuy vậy, chúng ta không nên chủ quan vì các áp lực lạm phát còn rất lớn.

Đặc biệt, giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất đang ở mức cao; giá điện biến động theo chiều hướng tăng khi gia tăng nhu cầu sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng; căng thẳng địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine leo thang gây đứt gãy và rủi do nguồn cung, cùng với việc Tổ chức OPEC + tiếp tục cắt giảm sản lượng là những yếu tố khiến các chuyên gia dự báo giá dầu thô có thể tăng lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trong vài tháng tới, tạo áp lực không nhỏ tới lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ mở rộng, hạ lãi suất huy động và cho vay, giao toàn bộ hạn mức tín dụng năm 2024 với định hướng tăng trưởng cả hệ thống là 15% để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh đồng USD tăng giá sau khi Fed thông báo giữ nguyên lãi suất trong biên độ 5,25%-5,5%.

Trong nước, chỉ số giá USD bình quân quý I tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, Fed trì hoãn hạ lãi suất điều hành, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giữ giá trị âm và nhu cầu ngoại tệ dùng cho nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất khá lớn tạo áp lực gia tăng tỷ giá giữa VND/USD.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, giảm tác động của các cú sốc từ bên ngoài, phát hành tín phiếu để giảm bớt dư thừa thanh khoản VND nên tỷ giá diễn biến phù hợp với diễn biến thị trường. Đến ngày 20/3/2024, tỷ giá thị trường liên ngân hàng chỉ tăng 2,11% so với thời điểm cuối năm 2023.

Cùng với hạ lãi suất Việt Nam đồng và định hướng mức tăng trưởng tín dụng, đồng đô la Mỹ tăng giá, xu hướng gia tăng tỷ giá sẽ tạo áp lực đến kiểm soát lạm phát của nền kinh tế...

Phóng viên: Để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, theo ông cần lưu ý vấn đề gì?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm.

Có kế hoạch và giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, có giải pháp tổng thể bảo đảm đầy đủ nguồn cung xăng dầu. Đồng thời, mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đặc biệt, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp, giữ ổn định vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng cần kiên định thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa với nhu cầu. Từ đó, đảm bảo lợi ích của các thực thể có liên quan trong nền kinh tế, giữ giá trị VND, giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.

Đồng thời, đánh giá tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý. Từ đó, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm tác động đến mức sống của người dân.

Phóng viên: Theo ông, đâu là động lực quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP, tôi cho rằng, đầu tư công vẫn cần được quan tâm và là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm.

Năm nay cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công; nếu giải ngân đạt 95% thì cũng chỉ tương đương với số vốn đầu tư công thực hiện của năm 2023; nếu giải ngân hết 657 nghìn tỷ đồng, GDP sẽ tăng thêm 0,3%. Đặc biệt, cần sớm phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư công.

Cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng, Chính phủ cần xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ rào cản về môi trường pháp lý, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ. Đồng thời, thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh đang làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới, kéo theo đó là chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại. Đây cũng là thời cơ và vận hội cho một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Vì vậy, theo tôi Chính phủ cần nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho phát triển, khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Gia Hân (Thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tiep-tuc-thuc-hien-chinh-sach-tai-khoa-nghich-chu-ky-de-thuc-day-tang-truong.html