Tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động ngoài tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 29/2/2024 về việc xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kết thúc đợt xúc tiến, phóng viên Báo Bắc Giang đã phỏng vấn đồng chí Dương Ngọc Chiên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả và các giải pháp tiếp theo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho DN.

Xin đồng chí cho biết nhu cầu về lao động của các DN ở các khu công nghiệp của tỉnh hiện nay như thế nào ?

Những năm qua, công tác thu hút đầu tư phát triển DN của tỉnh đạt kết quả tốt. Số lượng DN không ngừng gia tăng, đến nay, toàn tỉnh có hơn 9,5 nghìn DN đang hoạt động với hơn 306 nghìn người lao động đang làm việc.

Đồng chí Dương Ngọc Chiên (đứng giữa) dự phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với 15 tỉnh, TP tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ngày 14/3.

Trong năm 2024, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 nghìn lao động, một số DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải; Tập đoàn Luxshare - ICT - KCN Vân Trung, KCN Quang Châu; Công ty TNHH New wing Interconnect Technology; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam - KCN Quang Châu; Công ty TNHH Seojin Việt Nam - KCN Song Khê - Nội Hoàng; Công ty TNHH Ce Link Việt Nam - KCN Vân Trung.

Đến nay, 4 đoàn xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành các chuyến công tác đến 4 tỉnh. Xin đồng chí cho biết kết quả?

Từ ngày 13/3 đến hết tháng 3/2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 4 đoàn công tác đi các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La để trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh về chủ trương, kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động và bảo đảm nguồn lao động cho các DN của tỉnh; phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút lao động tại các tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Kết quả các chuyến công tác là lãnh đạo các tỉnh và tỉnh Bắc Giang thỏa thuận nhất trí hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong công tác xúc tiến thu hút lao động. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn và cơ quan truyền thông của tỉnh phối hợp với các tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, điều kiện làm việc của người lao động; nơi ăn ở, điều kiện sinh hoạt của lao động ngoài tỉnh; nhu cầu tuyển lao động trong ngắn hạn và dài hạn; các chế độ phúc lợi với người lao động của DN; đẩy mạnh thông điệp của tỉnh về thu hút lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Thống nhất chủ trương kết nối thông tin tuyên truyền hằng tháng về nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Các ngành, địa phương, người lao động của các tỉnh bước đầu nắm, hiểu rõ thông tin về nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc của người lao động; nơi ăn ở, điều kiện sinh hoạt của lao động ngoài tỉnh; nhu cầu tuyển lao động trong ngắn hạn và dài hạn; các chế độ phúc lợi với người lao động của DN; thông điệp của tỉnh về thu hút lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Tỉnh Bắc Giang bước đầu nắm được thông tin về nguồn lao động cần giải quyết việc làm hằng năm tại các tỉnh.

Nguồn nhân lực của các tỉnh mà đoàn đã đến xúc tiến có khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN tỉnh Bắc Giang như thế nào, thưa đồng chí?

Nhìn chung, lực lượng lao động tại các tỉnh mà đoàn đến xúc tiến khá dồi dào (lực lượng lao động cần giải quyết việc làm hằng năm của tỉnh Hòa Bình là 16 nghìn người/năm, Lạng Sơn từ 15-17 nghìn người/năm, Sơn La gần 20 nghìn người/năm, Cao Bằng hơn 10 nghìn người/năm), do đó, bằng nhiều giải pháp đồng bộ trong hỗ trợ tuyển dụng, lực lượng lao động của tỉnh và các tỉnh bạn sẽ đáp ứng đủ cho các DN bảo đảm phát triển sản xuất.

Sau đợt xúc tiến, Sở LĐTBXH tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tiếp theo như thế nào để việc thu hút lao động đến Bắc Giang làm việc đạt mục tiêu, thưa đồng chí?

Sở LĐTBXH tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như:

Tiếp tục phối hợp với các tỉnh phía Bắc có nguồn lao động dồi dào để thông tin, tuyên truyền thu hút người lao động đến làm việc tại các DN ở Bắc Giang.

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút lao động chất lượng cao tại các trường cao đẳng, đại học nhằm trao đổi, thống nhất chủ trương và xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin cho sinh viên nắm được nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật của các DN tại tỉnh Bắc Giang.

Công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) tham gia ngày hội văn hóa, thể thao.

Thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thích ứng với tình hình; huy động DN tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động nhằm hướng đến thực hiện tốt các mục tiêu như: Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hòa nhập thị trường lao động, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường.

Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các DN hoạt động dịch vụ việc làm nâng cao chất lượng, số lượng các phiên giao dịch việc làm với các tỉnh nhằm hỗ trợ các DN tuyển lao động. Xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và T.Ư; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký DN, bảo hiểm xã hội.

Tiếp tục thúc đẩy các xu thế chuyển dịch lao động, bao gồm: Chuyển dịch ở khu vực nông thôn, nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; dịch chuyển lao động từ các khu vực bên ngoài vào bên trong các KCN, cụm công nghiệp.

Tạo sự liên thông và gắn kết giữa trường đào tạo - cơ sở sản xuất - trung tâm giới thiệu việc làm; thiết lập kênh phân phối lao động với nguồn thông tin rõ ràng, bảo đảm cho việc chủ động nắm tình hình và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nhân lực.

Xin cảm ơn đồng chí!

Kim Hiếu (thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tiep-tuc-quan-tam-ho-tro-doanh-nghiep-tuyen-dung-lao-dong-133001.bbg