Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục

(VOV) - Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục.

Kỷ cương thi cử trong ngành Giáo dục được nâng lên rõ rệt Sáng 16/7 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức hội nghị toàn quốc trong 2 ngày nhằm tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 33 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “ xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và tổng kết năm học 2010-2011. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Các báo cáo và tham luận tại hội nghị đều khẳng định: Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ, trật tự, kỷ cương thi cử trong toàn ngành đã được nâng lên rõ rệt. Số thí sinh bị đình chỉ thi giảm từ hơn 2.600 em năm 2007 xuống còn 45 em vào năm 2011. Kết quả các kỳ thi cũng ngày càng thực chất hơn. Nếu như năm 2007, năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông mới chỉ đạt 67%, thì đến năm 2011 đã tăng lên gần 96%. Môi trường học tập an toàn, thân thiện đã và đang giúp học sinh thêm sự tự tin, tự giác và chủ động hơn trong học tập. Việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học và quản lý giáo dục cũng góp phần chấm dứt tình trạng học sinh đến lớp mà không đạt chuẩn, góp phần giảm đáng kể số học sinh yếu kém và học sinh bỏ học. Chỉ trong 3 năm qua, cả nước cũng đã triển khai xây dựng gần 80 nghìn phòng học, hơn 22.000 phòng ở công vụ cho giáo viên… Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục đã tạo ra những động lực mới trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Biểu dương sự nỗ lực và những thành tích mà ngành giáo dục đã đạt được từ các cuộc vận động và phong trào thi đua trong những năm qua, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại mà toàn ngành cần tập trung khắc phục, nhất là nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế; thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học vẫn còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là ở vùng khó khăn còn nhiều thiếu thốn; cuộc vận động “hai không” chưa triển khai trong giáo dục đại học; tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để… Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Giáo dục khẩn trương hoàn chỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Thủ tướng nhấn mạnh như vậy và yêu cầu toàn ngành phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách phù hợp và hiệu quả hơn theo hướng ưu tiên mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục; tăng cường các hoạt động thanh tra kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục cao đẳng, đại học, từ giáo viên, giáo trình và cấp bằng phải đạt chuẩn. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục chăm lo nhiều hơn nữa đến công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cả vật chất và tinh thần, gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Từng địa phương rà soát, tính toán lại các nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường, lớp học; quân tâm nhiều hơn đến chế độ, chính sách liên quan đến lương, nhà ở cho giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng khó khăn cũng như phát triển ký túc xá cho sinh viên. Nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, ngành giáo dục cần tập trung rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông theo hướng giảm tải; rà soát, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông phù hợp mục tiêu giáo dục đã đề ra. Đặc biệt phải đẩy mạnh quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy, học và quản lý gắn với đẩy mạnh phát triển chương trình dậy ngoại ngữ trong từng cấp học, tính toán phát triển chương trình đào tạo theo địa chỉ. Thủ tướng cũng lưu ý ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh con em gia đình có công, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh giỏi, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật. Thủ tướng nhấn mạnh: Dứt khoát không để học sinh, sinh viên nào do hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà phải bỏ học.... Trước những mục tiêu và nhiệm vụ rất nặng nề của ngành Giáo dục, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành trước mắt tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm học 2011- 2012 nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong năm học này./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/tiep-tuc-doi-moi-quan-ly-giao-duc/20117/180666.vov