Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Sáng 6-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã truyền đạt chuyên đề về 'Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Chuyên đề này nằm trong nội dung Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: quochoi.vn

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: quochoi.vn

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhất là từ Đại hội XII trở lại đây, đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ra đời là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết được kết cấu gồm 4 phần, làm rõ về tình hình, xác định 5 quan điểm; mục tiêu tổng quát; chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, đến năm 2030, nước ta cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 là “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”.

Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu chính với 25 chỉ tiêu cụ thể. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14-15% GDP.

Các chỉ tiêu cụ thể còn là hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.

Giai đoạn 2031-2045 là tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Nghị quyết đặt ra 7 nhóm nội dung cần đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa để hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trung ương cũng đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao cần tập trung xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030. Nghị quyết cũng đã chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trải.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 28-11, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kế hoạch số 13-KH/TW thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Kế hoạch đã nêu rõ mục đích, yêu cầu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các ban Đảng Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy với các mốc thời gian rất cụ thể.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện trong bối cảnh cả nước ta đang nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của cả nước, nhất định Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống để góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nhanh và bền vững...

P.B.T

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//chinh-tri/tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-11763.html