Tiếp tục chiêu trò xuyên tạc nhân quyền Việt Nam

Dù chưa hết năm 2023 nhưng đã xuất hiện những 'phúc trình', 'báo cáo', 'trao giải thưởng' với những đánh giá thiếu khách quan, không đúng sự thật về nhân quyền ở Việt Nam.

Những thông tin sai lệch, bịa đặt, vu cáo rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: vtv.vn

1. Báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) ngày 18/11/2023 đã công bố “Báo cáo nhân quyền 2022-2023”, Việt Tân đưa ra cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” để “tôn vinh” 3 đối tượng đang chấp hành án phạt tù về các hoạt động chống phá đất nước. Chúng tung hô trên các diễn đàn xem đó như những “anh hùng” đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Các “báo cáo” dù có lắm biến thể cũng không nằm ngoài chiêu bài tập hợp, đánh giá phiến diện, sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong đó, đã cố tình xuyên tạc “Chính phủ Việt Nam ngược đãi, kỳ thị người dân tộc thiểu số Tây Nguyên một cách có hệ thống”; đưa sai lệch về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…

Từ đầu tháng 11/2023, lợi dụng sự kiện 75 năm “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” tổ chức Việt Tân lại đưa ra “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” năm 2023. Xem đây như “một nỗ lực đóng góp vào công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do của dân tộc Việt Nam”! Một Tuyên ngôn ảnh hưởng tới nhân loại như vậy lại bị Việt Tân đưa ra làm trò đùa, xúc phạm nghiêm trọng đến lương tri nhân loại... Thực chất Lê Đình Lượng là đối tượng được Việt Tân móc nối và có nhiều hoạt động chống phá ở Nghệ An và các tỉnh. Năm 2017, Lượng bị bắt và bị tuyên án 20 năm tù. Việt Tân tung hô, đánh bóng và lấy giải thưởng này như một “đòn bẩy” kích động đối tượng chống đối trong nước. Không bất ngờ khi giải thưởng này được lặp lại hàng năm chỉ nhằm cổ súy cho những “nhà hoạt động nhân quyền” đều là những kẻ vi phạm pháp luật. Từ năm 2001 đến nay, chúng đã trao giải cho hơn 60 “nhân vật” chống đối như: Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Chính Kết, Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (blogger “Điếu cày"), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình, Phạm Thị Đoan Trang…

Điểm qua những hoạt động trên để thấy bản chất của cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” hay “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2022-2023” cũng là chiêu trò “đến hẹn lại lên”. Thủ đoạn tuy cũ, nhưng nó vẫn được xem như “cú hích” nhằm tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ cho các đối tượng trong nước và thực hiện các hoạt động chống phá đất nước. Các thế lực thù địch có những phương thức, thủ đoạn khác nhau, khi thì đóng vai trò đi đầu trong các phong trào “chống tiêu cực”, “đóng góp”, “xây dựng”… nhưng có lúc phản ứng mang tính xuyên tạc, bóp méo sự thật. Nhìn bề ngoài nghĩ rằng đó là yêu đất nước, nhưng bản chất sâu xa không bao giờ thay đổi là lật đổ nhà nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cổ súy cho những hành vi xem thường luật pháp, gây rối trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia…

2. Cần khẳng định rằng Việt Nam cũng như các nhà nước đều quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm cho sự phát triển tự do của Nhân dân, ngăn chặn lợi dụng để xâm phạm quyền con người. Các luận điệu chống phá mà những đối tượng cơ hội, phản động, các thế lực thù địch đưa ra không dựa trên những thông tin chính thống mà được cóp nhặt có dụng ý, động cơ chính trị. Cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” chỉ là sự bịa đặt, làm cho hiểu sai lệch về địa vị pháp lý của những kẻ vi phạm. Khi đã phạm tội thì phải chịu hình phạt của pháp luật là lẽ đương nhiên, không có “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” hay những ngôn từ bịa đặt nào khác.

Nhà nước Việt Nam luôn đặt quyền nhân quyền, tự do, dân chủ lên hàng đầu và được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Điều 15 nêu rõ: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Công dân Việt Nam được đảm bảo về nhân quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội… trong khuôn khổ cho phép. Pháp luật tôn trọng và bảo vệ ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc.

Trong chuyến làm việc tại Vương quốc Anh năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước cộng đồng người Việt đã thẳng thắn chỉ rõ: “Sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khi khó khăn không ai bị bỏ lại phía sau”. Những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc đánh giá cao. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc bảo đảm nhân quyền, được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Và mới đây Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là minh chứng khẳng định uy tín chính trị và thực hiện nhân quyền.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tiep-tuc-chieu-tro-xuyen-tac-nhan-quyen-viet-nam-135908.html