Tiếp quản Biên Hòa ngày giải phóng

Là một trong những đô thị sát đô thành Sài Gòn và là nơi đặt nhiều cơ sở quân sự của chế độ cũ (sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3...), những năm trước ngày 30-4-1975, TX.Biên Hòa (nay là TP.Biên Hòa) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng ngự của chính quyền Sài Gòn. Do đó, ngay sau ngày giải phóng Biên Hòa (trưa 30-4-1975), Ủy ban Quân quản TX.Biên Hòa đã nhanh chóng tiếp quản các cơ sở của địch, truy quét tàn quân, thành lập chính quyền lâm thời để an dân, chuẩn bị xây dựng đời sống mới.

Ông Phùng Duy Tường (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa, nguyên Đội trưởng Biệt động Biên Hòa) lục tìm những hình ảnh tư liệu về thời điểm tiếp quản Biên Hòa sau ngày giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Ông Phùng Duy Tường (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa, nguyên Đội trưởng Biệt động Biên Hòa) lục tìm những hình ảnh tư liệu về thời điểm tiếp quản Biên Hòa sau ngày giải phóng. Ảnh: Tư liệu

* Giữ vững Biên Hòa

Để tiếp quản một đô thị lớn, có nhiều cơ sở quân sự, cơ sở kinh tế quan trọng của miền Nam, vai trò của những chiến sĩ biệt động, những cán bộ địa phương là rất quan trọng. Hơn ai hết, họ là những người sống và chiến đấu nhiều năm trong lòng địch và nắm rõ địa bàn, nên trong những ngày cuối tháng 4-1975, họ đã cùng bộ đội chủ lực giành chính quyền và nhanh chóng tiếp quản TX.Biên Hòa.

Ngày 15-5-1975, Ủy ban Quân quản TX.Biên Hòa đã tổ chức lễ mừng đại thắng với trên 100 ngàn người tham dự tại khu vực công viên văn hóa của tỉnh Biên Hòa (nay là Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh). Đây là buổi lễ tạo không khí phấn khởi trong quần chúng nhân dân, thể hiện sức mạnh của quân giải phóng, trấn áp tinh thần của những tàn quân còn lẩn trốn, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Ông Phùng Duy Tường (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa, nguyên Đội trưởng Biệt động Biên Hòa) kể lại, ngay trưa 30-4-1975, khi Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa được tiếp quản, các lực lượng của Thị ủy Biên Hòa và Ủy ban Quân quản TX.Biên Hòa đã nhanh chóng tiếp quản nhiều cơ sở quan trọng của địch như: Nha Cảnh sát miền Đông, Ty Cảnh sát Biên Hòa, Ty Chiêu hồi... Đồng thời, cắt cử lực lượng chốt bảo vệ các địa điểm mang tính chiến lược về kinh tế, giao thông như: Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, ngã ba Vũng Tàu, ngã tư Bửu Long, ngã ba Vườn Mít, ngã tư Tam Hiệp, các đầu cầu Đồng Nai, cầu Mới...

Riêng tài liệu, kho tàng, vũ khí của địch tại các xã do ủy ban khởi nghĩa các xã tiếp quản. Đặc biệt, các căn cứ quân sự quan trọng, các kho tàng trọng yếu của địch đều do những đơn vị bộ đội chủ lực tiếp quản như: sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình...

“Thời điểm đó rất khó khăn do vừa phải bảo vệ cơ sở, vừa phải tiếp quản vũ khí, tài liệu, vừa nắm thông tin binh sĩ và nhân viên trong bộ máy chính quyền Sài Gòn tan rã tại chỗ... Chúng tôi là lực lượng nắm chắc địa bàn, thông thuộc tình hình của địch nên đã chia nhau ra cùng các đơn vị chủ lực bảo vệ các vị trí quan trọng. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các đơn vị nhỏ truy quét tàn quân, những đối tượng có mưu đồ chống phá cách mạng còn ẩn náu trong thành phố” - ông Phùng Duy Tường cho biết.

Xác định nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là rất cấp bách, đặc biệt phải nhanh chóng tước vũ khí khỏi tay binh sĩ Sài Gòn đã tan rã; tăng cường trang bị cho các lực lượng tại chỗ làm nhiệm vụ nên Ủy ban Quân quản TX.Biên Hòa đã nhanh chóng lập danh sách binh sĩ quân đội Sài Gòn, vận động thu hồi vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng mà các binh sĩ này còn giữ.

Để tăng cường ổn định tình hình, Ty An ninh nội chính Biên Hòa được thành lập do ông Đặng Công Hậu (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trưởng ty An ninh nội chính Biên Hòa) đứng đầu để chỉ đạo lực lượng an ninh và phát động quần chúng giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền. Nhờ sự quyết liệt của các lực lượng trong đảm bảo an ninh trật tự TX.Biên Hòa nên chỉ 3 ngày sau giải phóng, Khu ủy miền Đông về đóng cơ quan để tiếp tục lãnh đạo các hoạt động xây dựng đời sống mới sau giải phóng.

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, cán bộ từng tham gia tiếp quản TX.Biên Hòa sau ngày giải phóng) kể lại: “Sau ngày 30-4-1975, tại các vị trí quan trọng, các giao lộ đều có lực lượng vũ trang đeo băng đỏ đứng chốt, ban ngày đi lại bình thường nhưng sau giờ giới nghiêm thì chúng tôi phải thông báo bằng tín hiệu, mật hiệu thay đổi theo giờ để nhận ra nhau. Việc này để tránh tàn quân chế độ cũ trà trộn, mạo danh cán bộ cách mạng tiến hành phá hoại. Vì thời điểm đó, bên cạnh lực lượng vũ trang thì còn nhiều lực lượng của cách mạng được tăng cường đã tiếp quản những mục tiêu khác và duy trì hoạt động, đưa đời sống nhân dân vào ổn định”.

* Bắt tay xây dựng cuộc sống mới

Để nhanh chóng đảm bảo cuộc sống cho người dân, ngay trong ngày 30-4-1975, Ủy ban Quân quản TX.Biên Hòa đã cử cán bộ tiếp quản các cơ sở cung cấp điện và nước để sớm duy trì cho sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, nhờ quá trình giải phóng Biên Hòa thuận lợi, tiếp quản an toàn, nên gần như Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ngày nay) được giữ nguyên vẹn. Do đó, sau 2 tháng kiểm tra, thành lập bộ phận quản lý Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, đến cuối tháng 6-1975, hàng chục nhà máy tại đây đã đi vào hoạt động với gần 7 ngàn công nhân làm việc bình thường.

Một góc đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa), trước Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh - nơi ngày 15-5-1975, Ủy ban Quân quản TX.Biên Hòa đã tổ chức lễ mừng đại thắng với trên 100 ngàn người tham dự. Ảnh: Huy Anh

Một góc đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa), trước Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh - nơi ngày 15-5-1975, Ủy ban Quân quản TX.Biên Hòa đã tổ chức lễ mừng đại thắng với trên 100 ngàn người tham dự. Ảnh: Huy Anh

Bên cạnh đó, để huy động sức dân và lan tỏa tinh thần cách mạng, hàng ngàn sinh viên, học sinh, thanh niên được huy động tập hợp vào Hội Thanh niên giải phóng, vào các đội tự vệ , du kích. Các thanh niên, học sinh này đã trở thành nòng cốt cho phong trào giữ gìn an ninh, trật tự xã hội ở các khu dân cư, tham gia thu dọn chiến trường, điều tiết giao thông, tuyên truyền các quy định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để lập lại an ninh trật tự xã hội.

Ông Trần Công Danh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa, nguyên chiến sĩ Đội biệt động TX.Biên Hòa) cho hay: “TX.Biên Hòa sau ngày 30-4-1975 trở nên khá bình lặng, không còn tiếng động cơ của máy bay, của xe tăng gầm rú, không còn tiếng đạn pháo như vài ngày trước. Các trục đường lớn cũng thông thoáng, an toàn hơn, không còn cảnh các đơn vị quân đội Sài Gòn tháo chạy liên tiếp, ném bỏ vũ khí. Đời sống người dân nhanh chóng trở lại với nhịp sinh hoạt đời thường, các khu chợ lại tấp nập người mua bán chỉ vài ngày sau đó”.

Nhờ làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tốt các cơ sở hạ tầng, tiếp quản nhanh các cơ sở của địch mà ngày 5-5-1975, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... cùng nhiều lãnh đạo trung ương đã vào thăm Biên Hòa. Sau đó, các đồng chí cũng làm việc tại sân bay Biên Hòa, Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, Nhà máy Giấy Cogido... để tận mắt thấy được sự tiếp quản nhanh chóng, an toàn của quân giải phóng và cuộc sống mới của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Trí Thức (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) tâm sự: “Những ngày đó chúng tôi rất mừng vì sau nhiều năm kháng chiến gian khổ, đất nước đã được thống nhất, người dân được sống trong hòa bình. Tại nhiều vùng đất tan hoang vì bom đạn, lực lượng vũ trang nhanh chóng rà phá bom mìn, làm công tác thủy lợi tạo các khu vực an toàn cho người dân canh tác, trồng trọt. Màu xanh của ruộng lúa, nông trường nhanh chóng bao phủ các vùng ven, đáp ứng nhu cầu lương thực của địa phương”.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202104/ky-niem-46-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2021-tiep-quan-bien-hoa-ngay-giai-phong-3054616/