Tiếp niềm tin từ những mô hình khởi nghiệp

Những ngày này, bà Trần Anh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thuốc tắm Dao đỏ Sa Pa Secrets, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) rất bận rộn, bởi bên cạnh việc quản lý các hoạt động sản xuất, bà đang nâng cấp cơ sở để sớm đáp ứng tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

Được thành lập năm 2018, ban đầu, Hợp tác xã do bà Xuân làm chủ tập trung vào sản phẩm nước tắm của người Dao đỏ. Đến năm 2020, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, hợp tác xã cho ra đời những sản phẩm được chiết xuất, chế biến từ cây tía tô. Từ 3.000 m2 trồng thử nghiệm với một vài sản phẩm bước đầu được đưa ra để thăm dò thị trường, qua 2 năm, diện tích tía tô được mở rộng lên 3 ha vào năm 2021 và tăng lên 10 ha vào năm 2022. Hiện hợp tác xã cung cấp 13 sản phẩm tới người tiêu dùng như trà, cao, các sản phẩm làm đẹp… Đây cũng là những sản phẩm chủ lực của hợp tác xã hiện nay và được thị trường đón nhận tích cực. Nhờ nhanh nhạy trong việc nắm thị hiếu người tiêu dùng, biết tận dụng các lợi thế sẵn có của địa phương, hoạt động của hợp tác xã ngày càng phát triển, doanh thu tăng qua từng năm, từ 1 tỷ đồng vào năm 2020, tăng lên 1,6 tỷ đồng vào năm 2021 và dự kiến năm 2022 đạt khoảng 2,5 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu và nhận thấy lợi ích từ sân chơi khởi nghiệp của phụ nữ các cấp, hợp tác xã đăng ký ý tưởng khởi nghiệp là các sản phẩm được sản xuất từ cây tía tô và trở thành 1 trong 3 ý tưởng lọt vào vòng chung kết ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2021 tiếp tục tham dự ngày Phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Trần Anh Xuân, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Tham gia sân chơi khởi nghiệp giúp hợp tác xã có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận thông tin bổ ích, hoàn thiện sản phẩm và tăng độ “phủ sóng” trên thị trường. Chúng tôi tiếp tục đa dạng hóa, nâng cấp sản phẩm để tham gia Ngày hội khởi nghiệp của Trung ương hội trong thời gian tới.

Để tạo không khí thi đua sôi nổi trong thực hiện phong trào phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa tích cực triển khai đến các cấp hội việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939 phê duyệt đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Hằng năm, hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách có liên quan đến khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho hội viên; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, chăm sóc khách hàng, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Với thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, hội viên phụ nữ thị xã Sa Pa tích cực tham gia xây dựng mô hình kinh tế và triển khai hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các loại cây trồng như rau, quả ôn đới, cá nước lạnh, dược liệu. Đặc biệt, những ý tưởng, hoạt động kinh tế nông nghiệp này đều được hội viên lồng ghép với việc đánh giá và khai thác lợi thế về du lịch. Đây là hướng khởi nghiệp tiềm năng và đang dần khẳng định hiệu quả. Minh chứng là các ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ Sa Pa khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp của các cấp hội đều dựa vào những thế mạnh này.

Bà Hầu Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa cho hay: Từ năm 2018 đến nay, hội đã thành lập 1 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp với 25 thành viên ở xã Tả Van; hỗ trợ, thành lập 2 hợp tác xã; 5 mô hình liên kết sản xuất. Từ các ý tưởng của hội viên phụ nữ các xã, phường, Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa đã lựa chọn 11 ý tưởng tham gia Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh, trong đó có 5 ý tưởng lọt vào vòng chung kết; đặc biệt, có 5 ý tưởng đạt giải tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương. Sự thành công bước đầu của những mô hình khởi nghiệp thời gian qua góp phần tiếp thêm niềm tin, khơi dậy tinh thần, sức sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất, làm chủ kinh tế trong hội viên phụ nữ.

Sa Pa là địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn, có đông hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, bởi vậy, việc triển khai Đề án 939 đã tiếp thêm nguồn lực, tạo những chuyển biến và nâng cao vai trò của phụ nữ. Không chỉ vậy, với các ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao trong cuộc thi của các cấp còn giúp chị em có thêm cơ hội để tiếp cận nguồn lực, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Được biết đến là hội viên phụ nữ khởi nghiệp thành công của địa phương với mô hình cung cấp sản phẩm dịch vụ tắm thuốc lá của người Dao đỏ, bà Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ bày tỏ: Năm 2019, ý tưởng của tôi là 1 trong số 35 ý tưởng kinh doanh khả khi được nhận giải vòng chung kết Ngày phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Sau cuộc thi, các xã viên nghèo của chúng tôi được hỗ trợ vay vốn không lãi suất. Điều này giúp chị em có thêm nguồn lực, tiếp tục gắn bó với hướng phát triển của hợp tác xã. Những kinh nghiệm, kỹ năng trau dồi trong quá trình khởi nghiệp giúp chúng tôi ngày càng hoàn thiện, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Những cố gắng, nỗ lực của hội viên và các cấp hội phụ nữ thị xã Sa Pa được hội cấp trên ghi nhận và đánh giá cao. Mới đây, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 939, Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa là tập thể duy nhất của tỉnh Lào Cai được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là nguồn động viên, tiếp thêm niềm tin và động lực để phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ Sa Pa tiếp tục lan tỏa sâu rộng và thu nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361849-tiep-niem-tin-tu-nhung-mo-hinh-khoi-nghiep