Tiếp nhận lời phê bình từ sếp

Lời nhận xét của sếp có thể khiến bạn bực tức và không phục. Tuy nhiên, trước khi phản ứng nặng nề, bạn hãy tìm hiểu lý do và phản hồi sếp một cách chuyên nghiệp.

Không mấy ai thoải mái khi bị sếp phê bình trong công việc. Ảnh: Cottonbro Studios/Pexels.

Suốt quá trình làm việc, việc bạn nhận lời phê bình, chê trách từ cấp trên là điều khó tránh khỏi. Đó có thể là lời góp ý đúng đắn, song đôi khi lại khá vô lý và khiến bạn bực mình.

Tất nhiên, bạn có quyền phản biện để hóa giải vấn đề với sếp. Tuy vậy, nếu có những phản ứng thái quá, bạn có thể sẽ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Theo Life Hacker, bạn cần trang bị cho mình một vài bí kíp giao tiếp để có thể đón nhận lời phê bình của cấp trên một cách hiệu quả.

Giữ thái độ bình tĩnh và nói lời cảm ơn thể hiện bạn là một nhân viên chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng lắng nghe phản hồi. Ảnh: Thirdman/Pexels.

Dù sai hay đúng, hãy nói cảm ơn

Thông thường, con người sẽ có phản ứng bất bình trước những lời nói không đúng sự thật hoặc trái với quan điểm.

Tuy vậy, việc đầu tiên bạn cần làm khi nghe lời phê bình đó chính là nói lời cảm ơn.

Hành động này sẽ lập tức trung hòa cảm xúc cho đôi bên, đồng thời thể hiện bạn đang sẵn sàng lắng nghe, có sự trưởng thành và chuyên nghiệp trong công việc.

Nếu bạn chưa thể làm chủ bản thân hay quá tức giận với nội dung đánh giá, hãy bình tĩnh lại và nói: "Cảm ơn sếp. Hãy cho tôi xin một chút thời gian để có thể tiến hành kiểm tra và đánh giá lại công việc vừa rồi".

Bạn hãy cho chính mình không gian và thời gian để xem xét phản hồi của cấp trên có hữu ích hay không và thể hiện khả năng tiếp nhận chúng trong mọi trường hợp.

Đừng ngần ngại đặt câu hỏi và ghi chép lại mọi thứ. Ảnh: Yan Krukov/Pexels.

Ghi chép và đặt câu hỏi

Khi nhận được những lời chê trách từ cấp quản lý, bạn hãy ghi chép và đặt ra các câu hỏi ngược lại để làm rõ vấn đề.

Ngoài những câu hỏi xung quanh tình huống đó, hãy hỏi thêm về những gì mà người quản lý đang kỳ vọng vào bạn hay hiệu suất mà bạn cần phải nắm rõ trong công việc.

Càng hiểu rõ hơn về đánh giá của sếp, bạn càng dễ dàng hiểu được định hướng công việc chung, đồng thời đưa sự thay đổi hợp lý nếu cần thiết.

Thay vì tự ngồi bực tức và tạo áp lực cho bản thân, bạn hãy cố gắng tập trung và hiểu rõ mọi vấn đề sếp đang đề cập tới.

Chỉ có như vậy mới giúp bạn và sếp trao đổi thẳng thắn hơn, tiến xa hơn trong mối quan hệ và công việc.

Ngoài đánh giá của sếp, bạn đừng quên hỏi ý kiến từ những người đồng nghiệp đáng tin cậy. Ảnh: Thirdman/Pexels.

Tìm kiếm thông tin phản hồi khác

Phản hồi từ cấp trên không phải là duy nhất bởi có thể đó chỉ là quan điểm của riêng họ.

Bạn cần hỏi han thêm những ý kiến khác từ những người đồng nghiệp đáng tin cậy để cùng nhau đánh giá lại vấn đề.

Giả sử, sếp phản ánh bạn luôn đi làm muộn nhưng sự thật không phải như vậy. Bạn hãy hỏi và yêu cầu trợ giúp từ đồng nghiệp để làm chứng.

Nếu họ đồng ý với sếp, đó là lỗi của bạn. Nếu không, hãy đảm bảo rằng trong các cuộc họp tiếp theo bạn sẽ luôn đúng giờ và ghi lại thời gian cũng như chụp ảnh làm chứng kể từ đó.

Thay vì hận thù với cấp trên, bạn có thể quan tâm và thể hiện lòng tốt để hiểu được họ đang thực sự phải trải qua những gì. Ảnh: Alena Darmel/Pexels.

Đặt mình vào vị trí của cấp trên

Đôi khi bạn có thể đặt mình vào vị trí của quản lý để biết được những gì họ phải trải qua.

Có thể họ đang phải chịu áp lực từ ban lãnh đạo, hoặc họ đưa cho bạn những phản hồi không công bằng bởi vừa có một ngày tồi tệ cùng khối lượng công việc khổng lồ.

Thay vì giữ mối hận thù với cấp trên, bạn có thể quan tâm hơn hoặc thể hiện lòng tốt tới họ, cho dù thực sự họ chưa xứng đáng với điều đó.

Ghi chép và báo cáo những gì mình đã làm tới cấp trên là cách giúp bạn thể hiện bản thân một cách chuyên nghiệp. Ảnh: Alena Darmel/Pexels.

Hành động và báo cáo trực tiếp

Giả sử bạn bị sếp đánh giá có kỹ năng làm việc nhóm kém hoặc chưa giao tiếp tốt với đồng nghiệp, bạn cũng nhận thấy điều này, hãy bắt tay hành động để thay đổi.

Theo đó, bạn hãy ghi chép lại và báo cáo với sếp để thể hiện rằng bạn cũng đã tiếp thu và đang thử xem xét vấn đề của mình.

Ví dụ, sau mỗi lần làm việc hay họp nhóm, bạn hãy thuật lại những gì bạn đã làm với cấp trên, bởi vì có thể họ đang bận rộn và không chú ý đến với những nỗ lực bạn đã bỏ ra.

Hãy nhớ rằng những phản hồi họ đưa ra có thể gây nhức nhối, nhưng bằng cách kiểm soát cảm xúc, nói chuyện từ tốn và hành động đúng đắn, bạn sẽ đi đúng hướng để xử lý những tình huống tương tự một cách hiệu quả.

Hoàng Vân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiep-nhan-loi-phe-binh-tu-sep-post1386586.html