TIẾP CẬN VĂN HÓA TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ

Khi nói về văn hóa, có nhiều vấn đề trao đổi và còn ý kiến khác nhau như: khái niệm, nội dung, vai trò, cách phân loại, đặc trưng, tác động của văn hóa, cách thức xây dựng văn hóa.

Văn hóa

Văn hóa là đời sống tốt đẹp và bền vững cho mỗi con người. Cái cốt lỗi của văn hóa, nói cho cùng, vẫn là đạo đức. Theo Hoàng ngọc Hiến viết: “ Văn hóa là sự tự do bên trong, pháp luật và những kỷ cương khác là sự ngăn ngừa bên ngoài. Văn hóa bao gồm yêu cầu tối đa về đạo đức, pháp luật giới hạn ở yêu cầu đạo đức tối thiểu. Tuy nhiên, có nhiều cách hiểu về văn hóa, trong đó có ba khái niệm hay được sử dụng là:

Văn hóa là tổng hợp các tri thức, niềm tin, đạo đức, luật pháp, phong tục, thói quen (Tylor);

Văn hóa là tập hợp các đặc trưng về tinh thần, vật chất, tri thức, tình cảm khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng....Văn hóa không chỉ bao gồm nghệthuật văn chương mà cả những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống tín ngưỡng (UNESCO);

Văn hóa của một tổ chức là quan điểm và niềm tin chung của tổ chức về thế giới, nơi họ làm việc, thời gian, không gian, bản chất của con người và quan hệ của con người (Schein: 2004)

Văn hóa nghề

Trên cơ sở khái niệm văn hóa đã được trình bày ở trên, có thể hiểu một cách khái quát, văn hóa nghề là việc hành nghề có văn hóa, mang tính chất qui ước của một nghề.

Văn hóa nghề bao gồm các vấn đề sau:

Trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao; hiểu biết sâu sắc về pháp luật; thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp; ý thức nghề nghiệp tốt tuân thủ một cách tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp.

Bàn về cấu trúc Văn hóa nghề trong nhà trường

Văn hóa nghề trong nhà trường được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố và rất đa dạng, tuy nhiên có thể tham vấn cấu trúc theo nhóm các yếu tố sau đây:

Nhóm yếu tố giá trị: Các yếu tố giá trị là cơ bản nhất trong cấu trúc Khung Văn hóa nghề và bao gồm: Giá trị truyền thống, giá trị hiện tại và giá trị tương lai. Các yếu tố giá trị trong nhà trường phải dày công chung sức xây dựng nên nhưng cũng không dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều; giá trị cũng có thể thay đổi trong điều kiện nào đó.

Nhóm yếu tố chuẩn mực: Đó là các quy định được mọi người tự giác thừa nhận và cùng cam kết tuân thủ nghiêm túc;

Nhóm yếu tố môi trường: Phản ảnh mối quan hệ giữa các thành viên, không khí làm việc và phong cách quản lý Nhà trường;

Nhóm yếu tố hữu hình: Đó là các yếu tố dễ nhận biế́t như kiến trúc, tổ chức không gian làm việc, môi trường sư phạm, các phương tiện làm việc, trang phục của công nhân viên, giáo viên và học sinh-sinh viên; giòng lưu chuyển thông tin, ngôn ngữ sử dụng ...

Dạy thí điểm văn hóa nghề

Dạy thí điểm văn hóa nghề là đưa nội dung văn hóa nghề vào dạy thực tế tại lớp học ở các cấp trình độ khác nhau: Sơ cấp nghề; Trung cấp nghề;Cao đẳng nghề nhằm hình thành cho người tốt nghiệp, hành nghề đảm bảo được các nội dung sau: Trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao; hiểu biết sâu sắc về pháp luật; thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp; ý thức nghề nghiệp tốt tuân thủ một cách tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp.

Sinh viên thảo luận trên lớp

Một số nội dung dạy thí điểm văn hóa nghề

Khái niệm văn hóa nghề?

Tại sao cần dạy va nâng cao văn hóa nghề?

Hiệu quả của hành vi là gì?

Trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cao;

Hiểu biết và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp;

Cái tâm của người hành nghề;

Thái độ hành nghề phản ánh nhận thức về văn hóa nghề;

Ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ một cách tự giác giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp.

Xây dựng Văn hóa nghề vừa là mục tiêu vừa là thách thức với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Văn hóa nghề được tạo dựng sẽ giúp cho chương trình đào tạo phong phú, tạo nên diện mạo, hình ảnh và thương hiệu cho nhà trường và điều chủ yếu là nhằm giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống của người lao động Việt Nam, nâng cao hiệu quả và khả năng thích ứng của nhà trường trước các biến động của môi trường bên ngoài; nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Không thể tách hoạt động nghề với môi trường xung quanh, nhất là môi trường xã hội. Người lao động cần có tri thức, kỹ năng và thái độ cần thiết đối với nghề, những phẩm chất đạo đức và lương tâm con người trong lao động nghề nghiệp. Đạo đức và lương tâm nghề nghiệp nằm trong phạm trù văn hóa nghề nghiệp. Lao động nghề một cách có văn hóa có nghĩa là lao động với sự định hướng giá trị đúng đắn. Việc triển khai dạy văn hóa nghề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ giáo dục ý thức nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, lương tâm nghề nghiệp. Khi làm ra một mặt hàng, người lao động phải chịu trách nhiệm về mặt chất lượng của sản phẩm, phải coi trọng lợi ích của người sử dụng sản phẩm. Đây là vấn đề thời sự của sự phát triển thị trường hàng hóa, văn hóa nghề sẽ là nền tảng cho hoạt động này.

Minh Tánh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tiep-can-van-hoa-trong-dao-tao-nghe-a24360.html