Tiếp bài về tàu 67 thua lỗ: Ngân hàng cũng là… nạn nhân

Ðồng hành triển khai Nghị định 67/2014/ NÐ-CP (NÐ 67), cho ngư dân vay vốn đóng tàu, tuy nhiên đến nay, hàng trăm tỷ đồng của nhiều ngân hàng cũng thành nợ xấu khó thu hồi.

Những con tàu sắt hàng chục tỷ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả đã bị “hóa giá” chỉ bằng 10% giá ban đầu

Triển khai NĐ 67, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam cho vay đóng mới 16 tàu cá, tổng số tiền giải ngân hơn 190 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai tàu hoạt động không hiệu quả, ngư dân không có khả năng trả nợ nên số tiền thu hồi cả gốc lẫn lãi mới chỉ đạt 30 tỷ đồng, trong khi đã thực hiện thanh lý 14/16 con tàu.

Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho hay, triển khai NĐ67 tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia để ngư dân có được chiếc tàu thép với phương tiện hiện đại bám biển, phát triển kinh tế… Ngư dân vay vốn cũng được Nhà nước hỗ trợ lãi suất để ngư dân hiện thực hóa giấc mơ tàu lớn, không ai ngờ được kết quả như hôm nay.

“Đến bây giờ không chỉ ngư dân mà ngân hàng cũng là nạn nhân, với 160 tỷ đồng nợ xấu, chúng tôi cũng chưa có cách nào để xử lý”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, việc vi phạm hợp đồng tín dụng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu theo NĐ67 đã xảy ra nhiều năm. Ngay trong năm 2018, ngư dân đã không trả được nợ theo lịch cam kết chứ không phải đến bây giờ. Phía ngân hàng đã hỗ trợ hết sức, đồng hành, miễn là ngư dân còn đi biển. Cho đến khi ngư dân bỏ tàu, không thể cứu được nữa. Trách nhiệm ngân hàng buộc phải dùng các biện pháp cuối cùng để thu hồi vốn cho Nhà nước. “Tiền ngân hàng cũng đi vay của dân để cho khách hàng khác vay lại, vậy nhưng bây giờ rủi ro thì chúng tôi chịu thiệt hại rất lớn. Có tàu đi được, có tàu không đi được nhưng không ai trả nợ cả. Ngân hàng cũng đến đường cùng rồi, chia sẻ hết sức rồi. Bài toán không thể giải, kết cục quá buồn”, bà Nga chia sẻ.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ trương cho vay đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa, bám biển theo NÐ67 là đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho cả ngư dân lẫn ngân hàng. Phía địa phương nhiều lần kiến nghị các ngành, cấp, tuy nhiên vẫn chưa thể có giải pháp tháo gỡ. Ðể ngư dân yên tâm bám biển, vừa sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, vấn đề này cần phải sớm giải quyết dứt điểm; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn.

Giải pháp nào?

Những người, tổ chức trực tiếp tham gia triển khai NĐ67 đều khẳng định rằng, chủ trương chính sách của nghị định này là đúng đắn, nhân văn mang nhiều ý nghĩa, tuy nhiên thực tế kết quả không như kỳ vọng. Những giấc mơ giờ thành ác mộng, ngư dân nợ đầm đìa, tàu phải thanh lý giá rẻ và ngân hàng đối mặt với khoản nợ xấu khổng lồ, họ mong muốn ngành chức năng giải bài toán đó từ chính những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai.

Chia sẻ với PV, ngư dân Trần Đậu nói rằng, thời điểm đó ông là người may mắn nằm trong danh sách được duyệt. “Thời điểm đấy, ngư dân “giành nhau”, đấu tranh để được tham gia, bởi ai nấy đều khát khao có tàu lớn bám biển. Không ai ngờ đổ tất cả tâm sức, tài sản, thế chấp mọi thứ rồi lại ra nông nỗi này”, ông Đậu nói.

Là người trực tiếp tham gia triển khai NĐ67 ở Quảng Nam, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam nói rằng, dù chúng tôi đã phân tích rất kỹ cho ngư dân về quyền lợi cũng như trách nhiệm với món nợ hàng chục tỷ đồng, chi phí, rủi ro… nhưng ngư dân tỏ ra rất tự tin, khẳng định có thể trả trong 5 năm; ai cũng hừng hực khí thế có tàu lớn để bám biển, làm giàu và bảo vệ chủ quyền.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong thất bại này. Đó là, năng lực quản trị điều hành của chủ tàu đối với tàu sắt hàng chục tỷ đồng. Ngư dân dù đánh bắt rất giỏi nhưng họ không giỏi quản trị điều hành, nhất là với khối tài sản lớn là con tàu hiện đại. Trước kia, đánh bắt bằng con tàu nhỏ thì chi phí hao tổn thấp hơn, nhân lực thấp hơn. Khi vận hành một chiếc tàu vỏ sắt công suất lớn thì chi phí, hao tổn nhiều hơn, cần nhân lực đông hơn nhưng sản lượng đánh bắt không tăng, dẫn đến không có lãi. Chưa kể, giá xăng dầu liên tục tăng, vật giá tăng cao khiến ngư dân làm ăn không có lãi.

.

HOÀI VĂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tiep-bai-ve-tau-67-thua-lo-ngan-hang-cung-la-nan-nhan-post1443254.tpo