Tiếp bài 'Nhà xe Thành Bưởi kêu cứu': Cấm thì quá dễ, quản được mới hay!

Như báo NB&CL đã thông tin, ngày 27/9/2016 vừa qua, ông Lê Đức Thành, GĐ Cty TNHH Thành Bưởi (nhà xe Thành Bưởi) đã làm đơn kêu cứu gửi tới Thủ tướng về việc TP.HCM “dự định” cấm xe ô tô trên 16 chỗ lưu thông trên đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn (quận 10, quận 5). Ông Thành hoài nghi TP.HCM đang “nhắm” tới các văn phòng giao dịch với khách đi xe hợp đồng, xe liên tỉnh, điểm nhận – trả hàng hóa cho khách của Thành Bưởi. Và tới nay, diễn tiến vụ việc vẫn chưa “vượt xa” nguyện vọng của người đứng đơn kêu cứu.

Không có lửa sao có khói?

TP.HCM từ đầu 2016 rất quyết tâm lập lại trật tự giao thông nội đô, nhất là việc “xóa xổ” tình trạng xe dù, bến cóc. Sau đó, tình trạng dừng đỗ bắt khách trên đường Lê Thị Hồng Hấm, Nguyễn Thái Bình, Đề Thám (quận 1) và Lê Hồng Phong (quận 5 và quận 10) được xóa bỏ khi Sở GTVT TP.HCM lần lượt cho lắp biển báo cấm dừng đỗ đối với xe khách. Đây là dấu ấn lớn của tân Bí thư Thành ủy và tân Chủ tịch UBND thành phố.

Văn phòng nhà xe Thành Bưởi – Ảnh: PLO

Tiếp đó, ngày 29/9, UBND TP.HCM tiếp tục có văn bản yêu cầu giải quyết tình trạng xe khách trá hình và bến xe khách lậu trên địa bàn, giao các ngành chức năng phối hợp tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm xe dù, bến cóc, báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 30/10; Kiên quyết xóa bỏ và không để tái diễn tình trạng xe dù, xe khách trá hình, hoàn thành trước ngày 31/12. Quyết tâm của TP.HCM đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của người dân khi các biển cấm xe khách dừng đỗ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, từ “cấm dừng đỗ” đến “cấm lưu thông” là hai vấn đề rất khác xa nhau. Bởi nếu việc cấm xe khách trên 16 chỗ lưu thông trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn như nhà xe Thành Bưởi lo lắng là thật, thì quyết sách này có vẻ “có vấn đề”.

Theo ông Lê Đức Thành, đường Lê Hồng Phong (có 6 làn xe lưu thông theo hai chiều, 4 làn ô tô, 2 làn xe máy) là trục giao thông lớn kết nối quận 5 với quận 10 và kết nối với tuyến trục của thành phố là đại lộ Võ Văn Kiệt, hàng chục năm qua các phương tiện vận tải vẫn lưu thông bình thường, chưa khi nào có hiện tượng ùn tắc. Các trục đường Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn cũng đều có mật độ giao thông thấp, lại kết nối với trục đường chính kết nối Đông – Tây TP.HCM (đại lộ Võ Văn Kiệt) nên cũng không gây ùn tắc. Trên các tuyến đường này, các văn phòng, điểm giao dịch của Thành Bưởi, các nhà hàng, khách sạn của người dân, DN cũng không gây ra ùn tắc giao thông. Như vậy, nếu cấm xe trên 16 chỗ lưu thông, sẽ ảnh hưởng tới đi lại, sinh hoạt của người dân, vi phạm quyền tự do kinh doanh mà pháp luật cho phép.

Rất may, thông tin trên báo chí mới đây, ông Bùi Xuân Cường, GĐ Sở GTVT TP.HCM cho biết việc cắm biển “cấm lưu thông” chỉ là đề xuất chứ lãnh đạo Sở chưa chỉ đạo việc này.

Tuy nhiên, không dưng chủ nhà xe Thành Bưởi phải gửi đơn kêu cứu lên tới tận người đứng đầu Chính phủ nếu DN của ông không đứng trước những nguy cơ lớn. Phải chăng Thành Bưởi phải vội “kêu cứu” bởi nỗi ám ảnh trước sự “không quản được thì cấm” đã diễn ra, ở nhiều lĩnh vực tại TP.HCM và cả nước?

Rất nên “không cấm được thì phải quản”

Còn nhớ, cuối tháng 9/2010, báo Thanh Niên đã có bài viết “Nên bỏ tư duy quản không được thì cấm” làm dư luận xôn xao, đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc rằng: Cần phải bỏ tư duy này đi, chứ không phải là nên hay không.

Theo một bạn đọc ở Đà Nẵng, thì chuyện “quản không được là cấm ở ta dường như đã ăn sâu vào tư duy lãnh đạo của một số cán bộ, một số cơ quan thiếu năng lực, thiếu tầm nhìn. Theo tôi, nếu có cái tâm và cái tầm của một nhà lãnh đạo thì không vấn đề gì là không thể “quản”… Một bạn đọc khác thì đề xuất: Nên học cách “cấm không được thì phải quản”.

Các đề xuất này có lẽ “ứng” với nhiều vấn đề của ngành giao thông, ví dụ như câu chuyện Uber, Grab. Chúng ta lên án, xử phạt nặng tay Uber vì “cạnh tranh không lành mạnh” khi không thể thu thuế họ như các DN taxi truyền thống. Nhưng thử hỏi tại sao Singapore và nhiều nước lại cho phép? Nói như chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh, thì hoặc hệ thống pháp lý của quốc gia đó “quản” được Uber hoặc quốc gia đó chấp nhận du nhập cái mới trước rồi tìm cách quản lý sau, có phải là một sự chấp nhận xu thế, cầu tiến và không ngại khó (?)

Quay lại câu chuyện “Thành Bưởi kêu cứu”, xin được dẫn một câu nói của luật sư Nguyễn Kiều Hưng đăng trên website Luật Giải phóng: “Có thể ai cũng biết luật, nhưng không phải ai cũng biết vận dụng luật. Người học luật học cách vận dụng đúng luật. Còn các luật sư vận dụng luật một cách khôn khéo nhất”. Khi đăng tải nội dung kêu cứu của nhà xe Thành Bưởi, chúng tôi cũng đã nhận được không ít ý kiến đóng góp, cả đồng cảm, cả phê phán DN “lách luật”, rằng bản chất là kinh doanh tuyến cố định, nhưng hình thức thì là “khách đi xe hợp đồng”…

Nếu là thực, thì có phải Thành Bưởi đã “vận dụng luật một cách khôn khéo”, lại được sự ủng hộ của hành khách nhờ mang tới sự tiện lợi cho họ mà chưa hẳn đã “chà đạp” lên lợi ích của số đông? Muốn chứng minh sự xâm phạm lợi ích số đông, TP.HCM cần có những khảo sát, điều tra xã hội học minh bạch và khoa học về mật độ, kết nối giao thông, những được – mất khi thực hiện cấm xe trên 16 chỗ lưu thông…, để DN tâm phục khẩu phục, nếu không sẽ dễ thành duy ý chí!

Trong câu chuyện “Thành Bưởi kêu cứu”, dù chỉ là đề xuất cá nhân chưa đi vào thực tiễn, cũng là rất đáng báo động khi tư duy “không quản được thì cấm” còn đâu đó, sự mạnh dạn “không cấm được thì phải quản” để thể hiện năng lực và tầm nhìn của người quản lý, hài hòa lợi ích của cả người cung cấp, người sử dụng dịch vụ và cộng đồng vẫn chưa thực nổi bật.

Cấm thì dễ, quản mới hay, là vậy.

Đoàn Kiên Giang

Ngành giao thông gần đây đã “gây sốc” với không ít hành động, phát ngôn, như “những đường cong mềm mại”, xe khách chạy “xuyên tâm” tại Thủ đô Hà Nội, hay sự “hài hòa cao độ” biến nhà dân thành… “hầm” tại TP.HCM, thì lợi ích của đất nước, của cộng đồng, của người dân… có phải đã được tính toán khoa học và cân nhắc kỹ lưỡng? Hơn nữa, người dân đã thực sự hài lòng, vui vẻ khi sử dụng xe bus, ghé nhà chờ, bến xe hay chưa, khi vẫn còn đó sự xập xệ, nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn tài sản, sức khỏe, tính mạng – là bài toán mà nhiều năm qua ngành giao thông vẫn chưa đưa ra được đáp án đáng nào được biểu dương!?

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/cam-thi-qua-de-quan-duoc-moi-hay/