Tiếp bài, Chủ tịch Giấy Vĩnh Tiến tố Tie Miền Bắc “ăn cắp” nhãn hiệu: Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ!

Dư luận những ngày qua đã và đang nóng ran bởi vụ tranh chấp nhãn hiệu giữa ông Lâm An Dậu (Chủ tịch Cty Giấy Vĩnh Tiến) và Cty CP Tie (sở hữu 90% vốn Cty Tie Miền Bắc) được truyền thông hé lộ nhiều thông tin “nội bộ”. Thậm chí, truyền thông còn thông tin các nội dung “bên lề”, mang hơi hướng “dìm hàng” nhau…

Đủ cơ sở để kêu cứu, tố cáo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2014, Cty CP Giấy Vĩnh Tiến đã ký HĐ hợp tác góp vốn cùng Cty CP Tie để lập nên Cty TNHH Vĩnh Tiến - Tie với tổng vốn điều lệ 30 tỷ đồng (Tie góp 14,7 tỷ đồng - 49%, Giấy Vĩnh Tiến góp 15,3 tỷ đồng - 51%). Năm 2015, Cty Giấy Vĩnh Tiến chuyển nhượng 27% phần góp vốn cho bên thứ 3, rồi hai bên đồng loạt thoái hết vốn tại Cty Vĩnh Tiến - Tie vào tháng 5/2016. Cty Vĩnh Tiến - Tie lúc này do Cty CP Tie nắm giữ 90% vốn đã đổi tên thành Cty Tie Miền Bắc. Ngay sau đó, các tranh chấp lần lượt phát sinh.

Ông Lâm An Dậu tố Cty Tie Miền Bắc in logo có “hình nai nhí” trên sản phẩm trái phép

Về lý do kêu cứu và khởi kiện, theo ông Lâm An Dậu, Cty Giấy Vĩnh Tiến cho phép Cty Tie Miền Bắc (trước là Cty Vĩnh Tiến – Tie) sử dụng thương hiệu có thu phí, trong đó quy định rõ: Cho phép Cty Tie Miền Bắc sử dụng thương hiệu; Việc sử dụng nhãn hiệu cụ thể như hình thức in ấn, số lượng in ấn phải được báo cáo, được các bên thỏa thuận thành văn bản và được sự đồng ý của Cty Giấy Vĩnh Tiến; Cty Tie Miền Bắc “được chủ động bán hàng hóa tại thị trường Việt Nam gồm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên”; Đối với doanh thu mỗi sản phẩm bán ra mang thương hiệu của Cty Giấy Vĩnh Tiến, Cty Tie Miền Bắc phải chịu mức phí sử dụng thương hiệu là 2.5%; Cty Giấy Vĩnh Tiến cho phép Cty Tie Miền Bắc “sử dụng thương hiệu quyền và các quyền khác liên quan đến khai thác thương mại các thương hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK”, không có thỏa thuận về logo hình con nai…

Tuy nhiên, Cty Tie Miền Bắc đã sản xuất sản phẩm có in nhãn hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK và logo hình con nai mà không thông báo, không báo cáo số lượng sản xuất kinh doanh, không thanh toán phí…

Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc: Ngày 8/6/2016, Cty Giấy Vĩnh Tiến thông báo chấm dứt HĐ hợp tác và ký HĐ chuyển nhượng cho ông Lâm An Dậu toàn bộ quyền sở hữu nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”. Việc ông Lâm An Dậu sau đó kêu cứu lên báo chí và khởi kiện là có cơ sở pháp lý, bởi ông này là đối tượng duy nhất đã và đang được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”!

Ông Dậu không còn liên quan tới HĐ giữa Giấy Vĩnh Tiến và Tie Miền Bắc!?

Về các vấn đề pháp lý, bà Nguyễn Thị Trang, đại diện được ủy quyền của ông Lâm An Dậu cho rằng: Việc sử dụng logo có hình con nai là bất hợp pháp căn cứ theo HĐ đã ký. Việc Cty Tie Miền Bắc copy hình con nai và gắn thêm chữ T tạo thành logo “T-hình con nai” là hành vi nhái nhãn hiệu, đã được kết luận xâm phạm. Như vậy, Tie Miền Bắc đã vi phạm điều khoản đã cam kết trong HĐ này (Khoản 2, Điều 9), Cty Giấy Vĩnh Tiến căn cứ trên đó để ra thông báo chấm dứt HĐ.

“Sau khi thông báo chấm dứt HĐ với Cty Tie Miền Bắc, ngày 27/6/2015 Cty Giấy Vĩnh Tiến đã ký HĐ chuyển nhượng cho ông Lâm An Dậu toàn bộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”, được Cục Sở hữu Trí tuệ cập nhật quyền sở hữu vào 04/8/2016. Từ thời điểm này, cá nhân ông Dậu là chủ sở hữu nhãn hiệu; HĐ giữa Cty Giấy Vĩnh Tiến và Cty Tie Miền Bắc là chuyện của hai DN, ông Dậu không liên quan và không có trách nhiệm liên quan, theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu Trí tuệ, HĐ sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ có giá trị với bên thứ 3 khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Như vậy, giả sử Cty Tie Miền Bắc không vi phạm HĐ thì HĐ giữa Cty Giấy Vĩnh Tiến và Cty Tie Miền Bắc cũng không có giá trị pháp lý với bên thứ 3 là ông Dậu (chủ sở hữu nhãn hiệu) do chưa đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ…”, bà Trang cho biết.

Cty CP Tie khẳng định không vi phạm!?

Trao đổi với báo NB&CL về các nội dung kể trên, ông Dương Phạm Đăng Khoa - Trưởng ban Pháp chế Cty CP Tie cho biết: Về nội dung “không thanh toán phí sử dụng thương hiệu”, Cty Tie Miền Bắc không phải không, mà là chưa thanh toán vì các bên vẫn còn một số vướng mắc về công nợ; Về nội dung “không báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty Tie Miền Bắc với Cty Giấy Vĩnh Tiến”, hơn ai hết ông Dậu với tư cách là Chủ tịch HĐTV công ty và có mối liên hệ trực tiếp với Cty Giấy Vĩnh Tiến nên ông phải biết được sản phẩm mang thương hiệu của mình sản xuất như thế nào, bán cho thị trường nào (Cty CP Tie có chứng cứ liên quan đến việc gửi báo cáo cho ông Lâm An Dậu); Nội dung Cty Tie Miền Bắc bán các sản phẩm ngoài phạm vi thỏa thuận, có thể hàng hóa được bên thứ ba phân phối toàn quốc…

Riêng đối với nhãn hiệu “Chữ T- hình còn nai”, ông Khoa cho rằng nhãn hiệu này đã được đăng ký trong thời gian ông Dậu còn làm Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến – TIE, được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ.

Cty CP Tie cũng tố Cty Giấy Vĩnh Tiến (trái) nhái mẫu tập, vở của Tie Miền Bắc

Tựu trung, lãnh đạo và đại diện Cty CP Tie luôn khẳng định: HĐ hợp tác vẫn còn nguyên giá trị pháp lý vì trong HĐ nêu rõ nếu phát sinh vướng mắc, hai bên phải giải quyết tại tòa. Và giả sử Cty Tie Miền Bắc có thực sự vi phạm các nội dung trên, thì vẫn được sử dụng nhãn hiệu theo quy định trong HĐ đã ký. Như vậy, việc Cty Giấy Vĩnh Tiến đơn phương chấm dứt HĐ là trái với quy định trong HĐ và quy định của pháp luật!

Bằng tâm thế tôn trọng cái đúng, ủng hộ DN Việt ổn định sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đã nêu ra hàng loạt các câu hỏi: Làm sao để tước bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu của ông Lâm An Dậu đã và đang được pháp luật bảo hộ? Nếu còn nguyên giá trị pháp lý, HĐ giữa Giấy Vĩnh Tiến và Tie Miền Bắc có thể làm HĐ chuyển quyền sở hữu từ Giấy Vĩnh Tiến sang Lâm An Dậu trở nên vô hiệu hay không? Cơ quan về sở hữu trí tuệ hay tòa án là nơi ra kết luận cuối cùng? Tuy vậy, hai bên khi chưa có được những đáp án đủ đầy, đã liên tiếp hé lộ các thông tin “hậu trường”, công kích, thóa mạ nhau trên báo chí - là một cách rất… “thời thượng” để túm chân nhau lún sâu vào khủng hoảng.

Các vấn đề tranh chấp về sở hữu trí tuệ luôn chứa đựng nhiều phức tạp về pháp lý, quá trình thụ lý, xét xử…

Báo NB&CL sẽ cẩn trọng tham vấn, tìm hiểu và sớm thông tin tới bạn đọc.

Trao đổi với chúng tôi, một luật sư tại TP.HCM cho biết, nếu vụ việc này ra tòa, có thể sẽ phải qua nhiều vụ kiện khác nhau, như: ông Lâm An Dậu kiện Tie Miền Bắc, Tie Miền Bắc kiện Giấy Vĩnh Tiến phá vỡ HĐ, các khiếu kiện về giải quyết hậu quả của việc chấm dứt HĐ trước thời hạn, các vụ kiện đòi nợ…

Theo Kiên Giang (Báo Công Luận)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tiep-bai-chu-tich-giay-vinh-tien-to-tie-mien-bac-an-cap-nhan-hieu-rat-nhieu-van-de-can-duoc-lam-ro-d49597.html