Tiếp bài, Chủ tịch Giấy Vĩnh Tiến tố Tie Miền Bắc 'ăn cắp' nhãn hiệu: Có gì đó rất… 'lạ'

Vụ tranh chấp nhãn hiệu giữa Chủ tịch Cty Giấy Vĩnh Tiến, ông Lâm An Dậu và Cty Tie Miền Bắc tưởng sẽ sớm khép lại để chờ tòa phân xử thì lại được “thổi bùng” với những chuyện “bên lề”, dẫn dư luận đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.

Xem thêm: Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ!

Tại sao không ai nhường ai?

“Hôn phối” giữa Giấy Vĩnh Tiến và Cty CP Tie diễn ra từ năm 2014 bằng HĐ hợp tác thành lập Cty TNHH Vĩnh Tiến – Tie với tổng vốn điều lệ 30 tỷ đồng (Tie góp 14,7 tỷ đồng – 49%, Giấy Vĩnh Tiến góp 15,3 tỷ đồng – 51%). Năm 2015, Giấy Vĩnh Tiến chuyển nhượng 27% phần góp vốn cho bên thứ 3, rồi cùng thoái hết vốn tại Cty Vĩnh Tiến – Tie vào tháng 5/2016. Cty Vĩnh Tiến – Tie lúc này do Cty CP Tie nắm giữ 90% vốn đã đổi tên thành Cty Tie Miền Bắc. Sau đó, ông Lâm An Dậu gửi đơn kêu cứu và khởi kiện Tie Miền Bắc ra tòa.

Giấy Vĩnh tiến tố Tie “ăn cắp” biểu tượng “nai nhí” và bị Tie tố ngược “ăn cắp” thiết kế bìa

Về lý do kêu cứu, theo ông Lâm An Dậu, Cty Giấy Vĩnh Tiến cho phép Cty Tie Miền Bắc (tên cũ là Vĩnh Tiến – Tie) sử dụng thương hiệu có thu phí, trong đó quy định rõ: Cho phép Cty Tie Miền Bắc sử dụng thương hiệu; Việc sử dụng nhãn hiệu cụ thể như hình thức in ấn, số lượng in ấn phải được báo cáo, được các bên thỏa thuận thành văn bản và được sự đồng ý của Cty Giấy Vĩnh Tiến; Cty Tie Miền Bắc “được chủ động bán hàng hóa tại thị trường Việt Nam gồm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên”; Đối với doanh thu mỗi sản phẩm bán ra mang thương hiệu của Cty Giấy Vĩnh Tiền, Cty Tie Miền Bắc phải chịu mức phí sử dụng thương hiệu là 2.5%; Cty Giấy Vĩnh Tiến cho phép Cty Tie Miền Bắc “sử dụng thương hiệu quyền và các quyền khác liên quan đến khai thác thương mại các thương hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK”, không có thỏa thuận về logo hình con nai…

Tuy nhiên, Cty Tie Miền Bắc đã sản xuất sản phẩm có in nhãn hiệu VĨNH TIẾN, VIBOOK và logo hình “Con nai” mà không thông báo, không báo cáo số lượng sản xuất kinh doanh, không thanh toán phí… Từ đó, ngày 8/6/2016, Cty Giấy Vĩnh Tiến thông báo chấm dứt HĐ hợp tác với Tie Miền Bắc và ký HĐ chuyển nhượng cho ông Lâm An Dậu toàn bộ quyền sở hữu nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”…

Tại sao ông Lâm An Dậu liên tục kêu cứu và Cty CP Tie phản pháo quyết liệt?

Hãy thử đặt mình vào vị trí của ông Lâm An Dậu. Hợp tác thất bại, thoái hết vốn vì lý do nào đó, cái tên Vĩnh Tiến – Tie bị thay bằng Tie Miền Bắc, phải chăng ông Dậu không đành lòng để “Con nai nhí” – biểu tượng của Giấy Vĩnh Tiến nhiều chục năm lọt vào tay Tie? Về phía Cty CP Tie, vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường văn phòng phẩm, đổ tiền triệu đô cho nhà xưởng, máy móc sau hợp tác, hàng hóa sản xuất ra đâu thể bán trong ngày một ngày hai, sự “ức chế” và cho rằng phía Giấy Vĩnh Tiến, ông Lâm An Dậu không “tôn trọng luật chơi” cũng không khó hiểu (!?)

Tất nhiên, chỉ một hay cả hai bên “chơi không đẹp” thì cũng chỉ họ mới tường tận.

Ông Lâm An Dậu có bị “cột” vào Hợp đồng thương hiệu giữa 2 DN?

Xin được đi sâu vào Điều IX (về nội dung “Hiệu lực Hợp đồng” – PV) trong “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu” ký ngày 23/9/2014 giữa Cty Giấy Vĩnh Tiến và Tie Miền Bắc.

Tại Điều IX, Khoản 2 có ghi rõ: “HĐ có thể dấm dứt và thanh lý theo các trường hợp sau: Một trong hai bên vi phạm điều khoản đã cam kết trong HĐ này”. Nhưng tới Khoản 4 lại ghi: “Trừ trường hợp Bên B vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí cho phép sử dụng thương hiệu cho Bên A, đã được Bên A nhắc nhở bằng văn bản liên tục trong 03 lần…, Bên B vẫn được sử dụng thương hiệu để sản xuất, kinh doanh.”

Có thể thấy sự “rối rắm” tại Điều IX trong HĐ thương hiệu này đã cho phép các bên “vin vào” tố cáo nhau liên miên những ngày qua.

Điều IX trong hợp đồng thương hiệu khá… rối rắm

Trao đổi với báo NB&CL, đại diện Cty CP Tie dẫn Khoản 4 Điều IX, rằng: Việc chấm dứt HĐ chỉ có thể được Giấy Vĩnh Tiến thực hiện khi Tie Miền Bắc vi phạm điều khoản thanh toán và đã được Giấy Vĩnh Tiến nhắc nhở bằng văn bản liên tục 3 lần mà Tie không thực hiện… Và thực tế, Giấy Vĩnh Tiến chỉ 1 lần gửi công văn (số 06 ngày 8/6/2015) cho Tie Miền Bắc (không đề cập đến việc thanh toán) để đề nghị chấm dứt HĐ thương hiệu, nhưng Tie Miền Bắc đã phản hồi không đồng ý. Từ đó, Cty CP Tie cho rằng HĐ thương hiệu vẫn còn nguyên hiệu lực.

Phía ông Lâm An Dậu thì lại căn cứ vào Khoản 2 Điều IX. Theo bà Nguyễn Thị Trang, đại diện được ủy quyền của ông Lâm An Dậu, việc Tie Miền Bắc copy hình “con nai nhí” và gắn thêm chữ T tạo thành logo “T-hình con nai” là hành vi nhái nhãn hiệu, vi phạm điều khoản đã cam kết trong HĐ này, ở Khoản 2, Điều IX. Từ đó, Giấy Vĩnh Tiến có căn cứ để ra thông báo chấm dứt HĐ rồi chuyển nhượng cho ông Lâm An Dậu, sau đó ông Dậu nhận chuyển nhượng hợp pháp, đủ cơ sở để kêu cứu và tố cáo.

Các bên đều tin vào “cái lý” của mình, nhưng lập luận của họ cũng đặt ra rất nhiều băn khoăn: Việc Tie Miền Bắc sử dụng “Con nai nhí” không có trong HĐ thương hiệu có vi phạm cam kết? Giả sử Tie Miền Bắc vi phạm cam kết thì HĐ trên có thể được chấm dứt và thanh lý theo Khoản 2 hay vẫn bị Khoản 4 phủ định? Nếu Khoản 4 phủ định Khoản 2, thì các Khoản 1, 3, 5 (có nội dung “Hết hiệu lực mà hai bên không tiến hành gia hạn”, “một trong hai bên bị giải thể, phá sản…” – PV) có bị Khoản 4 làm cho không có giá trị hay không? Và nếu cứ chiếu theo Điều IX mà Khoản 4 như là “vô địch”, họ sẽ tranh cãi tới bao giờ?

Có thể các bên không lưu tâm, tại Khoản 1 Điều VII của HĐ trên về “Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp”, hai bên đã thống nhất: “Nếu có bất đồng trong quá trình thực hiện HĐ này thì được hai bên giải quyết thông qua thương lượng. Nếu không thương lượng được thì hai bên có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết, quyết định có hiệu lực của tòa án là quyền định cuối cùng…” Có nghĩa Giấy Vĩnh Tiến và Tie Miền Bắc có thể đang không tôn trọng các điều khoản đã ký.

Tuy nhiên, về cá nhân ông Lâm An Dậu, người đại diện cho rằng ông là một pháp nhân độc lập, không liên quan và không có trách nhiệm liên quan tới HĐ giữa 2 DN nói trên. Hơn nữa, là cá nhân nhận chuyện nhượng nhãn hiệu đúng quy định, là chủ thể sở hữu được pháp luật bảo hộ, ông Lâm An Dậu có quyền dùng các biện pháp hành chính dân sự (Cục Sở hữu trí tuệ, truyền thông, tòa án…) để bảo vệ quyền, lợi ích, tại sao lại “cột” ông này vào HĐ giữa 2 pháp nhân khác, ai có thể buộc ông phải im lặng chờ tòa?

Đã “ai về nhà nấy”!?

Một thông tin không phải ai cũng để ý, là câu chuyện “mở rộng thị trường” của Giấy Vĩnh Tiến.

Cụ thể, Giấy Vĩnh Tiến ký HĐ hợp tác với Cty CP Tie để lập ra Cty TNHH Vĩnh Tiến – Tie (nay là Tie Miền Bắc) nhằm phát triển thương hiệu ra các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Và sự “rút lui” của Giấy Vĩnh Tiến là dấu hiệu thể hiện con đường “vượt thoát” khỏi phía Nam của họ có thể gặp trục trặc, nhất là khi ở miền Bắc đã có nhiều thương hiệu văn phòng phẩm tiếng tăm. Bên cạnh đó, việc lấn sân sang các mảng bất động sản trước đó của ông Lâm An Dậu cũng có dấu hiệu không suôn sẻ. Quay về thế mạnh ngành giấy, họ có sẵn sàng để mất đi biểu tượng “Con nai nhí” nức tiếng gắn chặt với thương hiệu VĨNH TIẾN? Đặc biệt, sự tham gia của các thương hiệu nước ngoài gần đây có thể khiến Giấy Vĩnh Tiến đã khó càng thêm khó…

Theo phía Giấy Vĩnh Tiến, tập vở logo “T-Con nai” có bày bán tại TP.HCM

Đối với Cty CP Tie, DN khởi nguồn từ Cty Sản xuất Kinh doanh Xuất Nhập khẩu Điện – Điện tử Quận 10, hiện là một trong những nhà phân phối hàng đầu Việt Nam ở ngành hàng điện – điện tử, CNTT. Về ngành văn phòng phẩm, Tie là “ngoại đạo” cho tới khi hợp tác với Giấy Vĩnh Tiến. Trò chuyện với Chủ tịch Trần Thế Vinh của Cty CP Tie, người viết nhận thấy nhãn hiệu ViBOOK hay “T–Con nai” có thể sẽ không quá cần thiết với Tie lúc này, bởi các sản phẩm do Tie Miền Bắc sản xuất ra bị ông Lâm An Dậu tố “xuất hiện tại địa bàn không được phép – TP.HCM” cũng là dấu hiệu thể hiện sự khó khăn trong việc tìm chỗ đứng ở thị trường miền Bắc. Tuy vậy, Tie được cho là “dư sức” tự xây dựng một thương hiệu riêng nhờ tiềm lực kinh tế và hệ thống phân phối rộng khắp.

Người viết không đủ thông tin chính thức, cũng không võ đoán rằng Giấy Vĩnh Tiến dùng vụ kêu cứu, kiện cáo để làm thương hiệu nức tiếng một thời trở lại mạnh mẽ, hay Tie “phản pháo” quyết liệt để mở đường cho cuộc chinh phục lĩnh vực văn phòng phẩm. Nhưng thật trùng hợp, khi báo chí, truyền thông cả tháng qua tập trung vào các từ khóa “Giấy Vĩnh Tiến”, “Con Nai Nhí”, “Tie”, “Tie Miền Bắc”… khiến câu chuyện dễ thành “tái ông thất mã”.

Và nay, có dấu hiệu “ai về nhà nấy” khi trên các trang mạng xuất hiện nội dung giới thiệu tập vở học sinh logo TIE trơn (không phải T – con nai” như trước). Giấy Vĩnh Tiến cũng bắt đầu “đẩy” nội dung về 36 năm gầy dựng thương hiệu, về “Con nai nhí” đã gắn bó với nhiều thế hệ học trò…

Tập vở học sinh có logo Tie được thiết kế bắt mắt

Sau lình xình vừa qua, có thể hai bên sẽ chấm dứt tranh cãi, chờ tòa án giúp kết thúc chính thức mối lương duyên ngắn ngủi vì “không hợp nhau”. Cũng có thể họ vẫn tiếp tục lên truyền thông “to tiếng” để khẳng định cái đúng, làm “nóng” thương hiệu, hay có thể đơn giản là tranh thủ đẩy đi những lô hàng tồn kho ngồn ngộn trước nguy cơ có thể bị tòa ra phán quyết “buộc thu hồi”. Tất cả có thể đều… có thể. Và dĩ nhiên, báo chí, truyền thông ở đây có quyền nêu thông tin, đưa ra các nhận định để rộng đường dư luận, tuyệt đối không muốn, cũng không có quyền hạn thay tòa án khẳng định ông A đúng, ông B sai.

Chia sẻ với các bên, người viết từng nói nhiều tới chuyện “những người làm văn hóa nên hành xử văn hóa”, hay nguy cơ “đứt tay” nếu cố tình tạo scandal và lôi truyền thông “bơm” lên để làm thương hiệu… Bên cạnh đó, nếu có việc những người làm truyền thông xa rời mục tiêu thông tin, PR, tuyên truyền cho thương hiệu Việt một cách chuẩn chỉ, thì họ cũng có thể làm vấy bẩn chính mình.

Đoàn Kiên Giang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/co-gi-do-rat-la/