Tiếng vọng Tràng An ngút trời linh khí

Đầu năm 2024, chúng tôi về tỉnh Ninh Bình khi chuẩn bị kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới. Vùng đất cố đô Hoa Lư được Đinh Tiên Hoàng tạo dựng mở ra một thời kỳ mới cho đất nước từ hơn ngàn năm trước, bây giờ đang thay đổi từng ngày. Mỗi di tích, danh thắng của vùng đất thiêng như vang vọng bước chân tiền nhân đang về sum vầy vui xuân cùng con cháu…

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

* Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Đông Nam Á

Tại buổi họp báo sáng 24-1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết, dịp kỷ niệm 10 năm này, từ tháng 1 đến 9-2024 sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn mang tính kết nối và lan tỏa của di sản Tràng An.

Theo ông Tùng: “Tính đến nay, Ninh Bình là địa phương duy nhất của khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Do đó, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng di sản Tràng An không chỉ là báu vật do thiên nhiên ban tặng, được các thế hệ người dân Ninh Bình gìn giữ, trao truyền cho đến ngày nay, mà còn là nơi hội tụ, kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.226ha, vùng đệm có diện tích 6.026ha, hầu hết là đất ngập nước và các cánh đồng lúa.

Theo nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Ninh Bình, sự công nhận của UNESCO đối với Tràng An dựa trên 3 tiêu chí cốt lõi và cũng là điều mà đông đảo du khách trong lẫn ngoài nước luôn tìm đến khám phá. Đầu tiên là giá trị về văn hóa, trong hơn 30 ngàn năm, Tràng An là địa điểm nổi bật nhất trong khu vực Đông Nam Á và mang ý nghĩa toàn cầu, minh chứng phương thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến đổi to lớn về môi trường. Trong cảnh quan nhỏ gọn như vậy, có nhiều di chỉ với các giai đoạn và chức năng khác nhau, bao gồm cả một hệ thống cư trú độc đáo của con người tiền sử.

Thứ hai là giá trị về thẩm mỹ. Tràng An là một trong số những cảnh quan đẹp nhất cùng loại trên thế giới về hệ thống tháp karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn). Với dãy tháp đá cao 200m bao phủ bởi các cánh rừng đan cài nhau ở nhiều chỗ qua các sống núi ôm trọn các trũng sâu ngập nước thông với vô số hang động ngầm. Xen lẫn các khu rừng là các cánh đồng lúa trải dài viền theo các dòng sông, với những người nông dân và dân chài đang sinh sống theo phương thức truyền thống, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Thiên nhiên và con người hòa vào nhau. Núi non hùng vĩ, hang động bí ẩn của thiên nhiên kỳ diệu hòa cùng những đền, chùa, miếu, phủ linh thiêng do bàn tay, khối óc con người tạo dựng đã mang lại nguồn cảm hứng văn hóa mạnh mẽ bao đời nay.

Cuối cùng là giá trị về địa chất, địa mạo. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, so với những nơi khác trên thế giới thì Tràng An là di sản địa chất tuyệt vời có biểu hiện rõ nét hơn về các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường nhiệt đới ẩm, một mô hình xuất sắc và nổi bật trên phạm vi toàn cầu. Qua giai đoạn hơn 5 triệu năm, sự phân cắt sâu của một khối đá vôi chuyển động nâng lên đã tạo thành hệ thống cảnh quan cổ điển, bao gồm các tháp, nón, trũng sâu khép kín, thung lũng thoát nước về phía trong (hay bồn địa), các hang cơ sở và lối đi ngầm qua hang động với các trầm tích trong hang…

Ngày 10-7-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 821/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, tỉnh Ninh Bình. Theo phê duyệt, quy mô lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích thuộc phạm vi của Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận với tổng diện tích 9.663ha.

* Đại nghiệp Đinh Tiên Hoàng và các bậc khai quốc công thần

Cùng với sự kỳ diệu của thiên nhiên, Quần thể di tích linh thiêng của cố đô Hoa Lư xưa là điểm nhấn quan trọng hình thành Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Người có công đầu xây dựng kinh đô xưa là Đinh Tiên Hoàng cùng những người sát cánh vào sinh ra tử cùng ông dựng nước Đại Cồ Việt.

Tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Tiên Hoàng sinh ngày rằm tháng Hai năm Giáp Thân (tức 22-3 năm 924), ông quê ở thôn Kim Lự, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là thôn Văn Bồng, xã Gia Phương, H.Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cha là Đinh Công Trứ, dưới thời nhà Ngô từng làm Thứ sử châu Hoan nhưng mất sớm nên cậu bé họ Đinh phải theo mẹ là Đàm Thị về quê nương nhờ chú ruột là Đinh Thúc Dự.

Sau khi Ngô Quyền mất năm 944, em vợ ông là Dương Tam Kha tiếm ngôi, tự xưng là Bình vương. Một thời gian sau, hai con trai của Ngô vương là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đánh bại Dương Tam Kha lấy lại quyền lực và cùng làm vua điều hành triều chính. Tuy nhiên, từ đây nhà Ngô dần suy vi, đất nước rơi vào loạn lạc, quan lại và thổ hào có thế lực ở các địa phương nổi dậy cát cứ khắp nơi. Đinh Bộ Lĩnh cũng tập hợp lực lượng, lấy động Hoa Lư làm căn cứ, xây dựng thế lực ngày càng hùng mạnh. Nhằm hòa hoãn với nhà Ngô, ông cho con trai là Đinh Liễn ra kinh thành Cổ Loa làm con tin.

Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mất. Hơn 10 năm sau, Ngô Xương Văn bị chết trận. Chính quyền trung ương nhà Ngô do Ngô Xương Xí kế nghiệp dần tan rã. Đất nước càng thêm rối loạn cắt chia. 12 sứ quân nổi lên cát cứ kình chống lẫn nhau. Triều đình phương Bắc nhăm nhe đưa quân sang khôi phục ách đô hộ. Đinh Bộ Lĩnh quyết tâm dẹp loạn để thống nhất đất nước bằng các hình thức khác nhau, từ liên kết, vận động, thuyết khách, hàng phục và dùng sức mạnh quân sự đánh dẹp các thế lực cát cứ.

Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh cùng con trai Đinh Liễn và các thuộc tướng dùng mưu liên kết và hàng phục các sứ quân: Trần Lãm, Ngô Xương Xí, Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh. Đối với các sứ quân chống đối, ông cương quyết đánh dẹp như: Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp, Lý Khuê, Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Lã Đường. Cuối cùng, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt thu phục, đánh tan các sứ quân, chấm dứt tình trạng phân chia cát cứ, thống nhất đất nước.

Vào năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng cung điện, đặt lễ nghi triều chính, đến năm 970 đổi niên hiệu là Thái Bình. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử dân tộc ta, khi người đứng đầu quốc gia chính thức xưng hoàng đế như một sự khẳng định về nền độc lập, tự chủ hoàn toàn, vì trước đó cha con họ Khúc và Dương Đình Nghệ chỉ xưng tiết độ sứ, đến Ngô Quyền mới xưng vương. Sau thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, Đinh Tiên Hoàng cũng đã mở ra thời đại quân chủ phong kiến tập quyền trong lịch sử nước ta khi các triều đại kế tiếp sau này các vua đều xưng hoàng đế: Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn.

Trước Đinh Tiên Hoàng, các vua xưng vương nhưng chưa có quốc hiệu, còn niên hiệu thì theo các hoàng đế Trung Quốc, nên việc đặt tên nước là Đại Cồ Việt và lấy niên hiệu Thái Bình đã khẳng định đây là đất nước của riêng người Việt. Đặc biệt, vua Đinh còn ra lệnh đúc đồng tiền “Thái Bình hưng bảo” thêm phần khẳng định sự tự chủ về kinh tế bên cạnh sự độc lập về chính trị, ngoại giao, văn hóa của nước ta. Đúng như trong Việt giám thông khảo tổng luận, nhà sử học Lê Tung đã viết về Đại Thắng Minh Hoàng Đế: “Vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy”. Còn trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sử học Lê Văn Hưu bình luận: “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?”

Phan Huỳnh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202401/tieng-vong-trang-an-ngut-troi-linh-khi-7ef52f7/