Tiếng Trung được giảng dạy tại nhiều quốc gia châu Á

Tiếng Trung là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay, tiếng Trung cũng là môn học chính thức trong hệ thống giáo dục của nhiều nước châu Á.

Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về việc giảng dạy tiếng Anh. Sau khi Singapore tách thành quốc đảo độc lập từ Malaysia, cố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục lấy luôn sách giáo khoa phổ thông của Anh để giảng dạy.

Quyết định này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng người Hoa. Tuy nhiên, ông vẫn kiên quyết thực hiện. Đến nay, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại các trường học ở Singapore.

Ngoài ra, học sinh học thêm tiếng mẹ đẻ (tiếng Trung, Malay hoặc Tamil) để giữ gìn bản sắc văn hóa. Vì thế, hầu hết trẻ em nước này lớn lên trong môi trường song ngữ.

Việc giảng dạy tiếng Trung ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Ảnh: Learnchines.

Tại Nhật Bản, trước năm 2010, nước này chỉ áp dụng chương trình dạy học tiếng Anh đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Từ năm 2011, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 3 và trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 5 và lớp 6.

Học sinh Nhật Bản không phải học tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 6 năm tiểu học, các em phải nắm được 1.006 chữ Kanji – một trong 3 loại văn tự được sử dụng để ghi chép tiếng Nhật.

Tại Hàn Quốc, tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh các cấp từ lớp 3. Lên trung học phổ thông, học sinh có thể chọn học thêm ngoại ngữ thứ hai, thường là tiếng Trung hoặc tiếng Nhật.

Giáo dục Triều Tiên cũng chú trọng việc giảng dạy ngoại ngữ. Từ năm 2011, ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh tiểu học. Trước đó, môn này chỉ được dạy tại trường trung học.

Thời điểm đó, tiếng Trung dần trở nên phổ biến, thay thế vị trí của tiếng Nga. Ngày nay, người dân Triều Tiên học thêm tiếng Anh và nhận định đây là ngôn ngữ quốc tế cần đọc thông viết thạo. Tuy nhiên, số lượng người theo học tiếng Trung vẫn đông nhất.

Nhiều gia đình còn lo ngại chương trình ở trường không đáp ứng được nhu cầu học ngoại ngữ nên mạnh tay chi tiền để con theo học các khóa của đại học Trung Quốc và Anh.

Nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế cũng như chia sẻ gánh nặng dạy tiếng mẹ đẻ với dân nhập cư, từ năm 2018, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đưa 7 ngôn ngữ thuộc vùng Đông Nam Á, trong đó có tiếng Việt, thành môn học chính thức, bắt buộc hoặc tự chọn, tại các trường tiểu học và trung học.

Tại Trung Quốc, ngoại ngữ, thường là tiếng Anh, được giảng dạy từ lớp 3. Tiếng Anh cũng là một trong 3 môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh đại học Gaokao.

Ở Thái Lan, ngoại ngữ là môn học bắt buộc tại cấp tiểu học và trung học. Theo chính sách ngoại ngữ được ban hành vào tháng 2/2010, tiếng Anh và tiếng Trung là ngoại ngữ chính.

Tại các trường người Trung và trường tư thục, tiếng Trung là ngoại ngữ bắt buộc với học sinh từ mẫu giáo đến trung học cơ sở.

Trong hệ thống trường công lập, ngoại ngữ chính là tiếng Anh. Từ năm 16 tuổi, học sinh có thể lựa chọn học tiếng Trung, Pháp, Nhật, Hàn, Nga, Tây Ban Nha hoặc tiếng Đức.

Tiếng Anh được giảng dạy tại tất cả trường ở Malaysia. Thậm chí trước đây, các môn Toán, Khoa học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, tiếng Trung là môn bắt buộc tại các trường người gốc Trung, trong khi học sinh học tại các trường gốc Ấn học tiếng Tamil.

Tại các trường trung học cơ sở công lập, bên cạnh tiếng Anh, nhà trường dạy thêm tiếng Trung, tiếng Tamil hay ngoại ngữ khác nếu phụ huynh của ít nhất 15 học sinh đề xuất.

Nhìn chung, ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc, học sinh Malaysia có thể chọn học tiếng Trung, Tamil, tiếng Ả Rập hay tiếng Nhật.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tieng-trung-duoc-giang-day-tai-nhieu-quoc-gia-chau-a-post684736.html