Tiếng than nơi biên giới Việt – Lào: Kỳ 2: Lộ diện sai phạm nghiêm trọng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế?

Trong số báo trước, báo Nb& CL đã đề cập tới “nỗi hoảng sợ mang tên cà phê” của đồng bào dân tộc ở xã Nhâm, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế khi dự án nhà máy cà phê ở xã Nhâm do công ty Vinacafe Quảng Trị thực hiện không những không giúp họ đổi đời mà còn đẩy họ vào tình cảnh khốn cùng: phá sản, mất đất. Và, trong quá trình điều tra về vụ việc này, nhóm phóng viên đã phát hiện có 4 cuốn sổ đỏ mà UBND tỉnh cấp trái pháp luật cho Nông trường cà phê A Lưới. Đó dường như là nguồn cơn khiến người dân và ngân hàng khóc ròng…

Kỳ 1: Nỗi hoảng sợ mang tên “cà phê”

Cấp bừa sổ đỏ?

Có một điều thật lạ là tất cả những sở ngành liên quan đều né tránh làm việc với phóng viên về dự án cà phê ở huyện A Lưới và 4 cuốn sổ đỏ cấp cho dự án này. Họ ém nhẹm thông tin và quyết đẩy quả bóng trách nhiệm lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại sao họ phải giấu diếm thông tin, ngay cả khi người dân mong chờ sự thật và lối thoát cho tương lai hơn bao giờ hết?

Trước hết phải khẳng định chủ trương đầu tư với mục đích giúp người dân ở huyện miền núi giáp biên A Lưới anh hùng thoát nghèo là hết sức đúng đắn. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện dự án này, từ khâu thẩm định và giám sát đã bộc lộ nhiều sai phạm khiến đời sống người dân ngày càng nghèo hơn. Cái ngày mà công ty Vinacafe Quảng Trị với 100% vốn nhà nước chính thức phá sản, cũng là lúc tai họa ấp xuống người dân. Ban đầu, chúng tôi không thể tin nổi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lại có thể cấp đất một cách vô trách nhiệm cho Nông trường cà phê huyện A Lưới với sổ đỏ đất nông, lâm nghiệp bao trùm cả nhà dân, trường học, trụ sở UBND xã, đường giao thông… Nhưng trong quá trình điều tra về thông tin gây sốc này thì ngay cả những cán bộ huyện A Lưới cũng đã thừa nhận. Và bức màn bí mật dần được gỡ bỏ.

Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Trần Ngọc Ninh- Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, việc đo đạc để cấp quyền sử dụng đất ở đây là do Trung tâm Kỹ thuật TN&MT làm, hồi đó chị Hòa là Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện, những cán bộ có trách nhiệm đã làm theo kiểu dùng máy đo bao tức là đo cái vành ngoài thôi. Cứ nhắm mắt khoanh bừa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả nhà dân, cả đường giao thông này, tất cả, cả đất ở, đất vườn của người dân… rồi tỉnh ký cái rẹt cấp luôn cho Nông trường.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sai phạm nghiêm trọng trong việc cấp sổ đỏ cho Nông trường Café A Lưới?

Với cách làm “trên trời”, họ không thèm bàn giao hiện trường, không bàn giao cột mốc, mà yêu cầu xây lại cột mốc để đo lại thì họ không có tiền. Thế rồi, cũng với cách làm như vậy tại 2 xã còn lại là Hồng Thái, Hồng Bắc tất thảy 4 cuốn sổ đỏ có diện tích phi thường lên tới 919 ha đã rơi vào tay của Nông trường cà phê A Lưới với thời hạn sử dụng đến năm 2021. Câu trả lời của ông Hồ Văn Ngưm – PCT UBND huyện A Lưới khi nói về trách nhiệm của việc này, cho thấy dường như huyện A Lưới vô can: “Trước đây đo đất, đo đai thì ở huyện không rõ lắm, chỉ có tham gia thôi, về cấp thì do tỉnh cấp. Với công nghệ hồi đó đo như vậy thì rất là không hợp lý, khoanh vùng trong đó là có đất ở của bà con cũng vào trong sổ đỏ của nông trường”.

Có tài sản khổng lồ về đất như vậy, một thương vụ hàng chục tỷ đồng được thực hiện giữa Vinacafe Quảng Trị với ngân hàng Agribank Hướng Hóa được thực hiện. Thế là, ngân hàng móc hầu bao cho doanh nghiệp vay mà không biết diện tích thực của cuốn sổ đỏ là bao nhiêu, họ cũng không thèm đi thực địa xác minh. Chắc có lẽ tin tưởng tuyệt đối vào UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng Cổng ty Cafe để rồi phải nhận một cú lừa ngoạn mục?

Ngân hàng mất tiền, dân mất đất sản xuất khi tin lời chính chuyền góp đất vào nông trường mà không hề đo đạc hay cắm mốc giới. Giờ có trả lại đất cho dân thì cũng không biết mỗi người góp vào đó bao nhiêu. Không ai hay biết cả, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ nói như thế nào với những người dân cần cù khai hoang và trót tin lời của họ?

Sổ đỏ của Nông trường Café A Lưới gồm rất nhiều hạng mục như các thửa đất của dân, trường học, đồn biên phòng, đường giao thông, trụ sở UBND Xã Nhâm…

Nợ tiền, nợ cả niềm tin

Một thanh niên người Tà Ôi ở thôn A Bung đang xếp thân cây thành đống củi để phơi khô rầu rĩ nói với chúng tôi rằng, đó là cây cà phê. Theo phản ánh của người dân thì bây giờ cây cà phê xuống giá, phải chặt để trồng cây khác, nông trường phá sản rồi. Họ còn nợ bà con nhiều tiền lắm nhưng không hiểu sao phía thi hành án lại đưa giấy tờ để siết nợ dân. Cả một vùng dân cư giáp biên giờ nguồn sống chủ yếu từ trồng chuối và cây sắn thì lấy gì mà trả nợ. Món nợ đó họ đâu có nhận, mà ngược lại chính quyền đang nợ họ một giấc mơ đã chết.

Nông trường cà phê A Lưới với sự bật “đèn xanh” của chính quyền đã kêu gọi người dân chân chất nơi đây giao đất cho nông trường để cùng canh tác sản xuất. Nay nông trường phá sản nhưng đất chính quyền lại không trả cho dân. Nói như một cụ già người Tà Ôi: “Trước đây là đất của người dân khai hoang. Bữa ni là nông trường cà phê họ chỉ mượn đất để trồng cà phê còn đất thì vẫn của người dân”.

Người nông dân này cũng như những người dân người khác ở A Lưới vẫn tin rằng khi không trồng cà phê nữa thì hàng trăm ha đất nông nghiệp mà họ góp vào dự án sẽ được công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị trả lại. Đáng tiếc, họ không biết rằng, số đất nông nghiệp, tài sản của họ đã bị đem thế chấp ngân hàng.

Người dân A Lưới mòn mỏi chờ quyết định của các đơn vị chức năng để có thể tìm kiếm được cơ hội mưu sinh mới.

Để dụ dỗ người dân tin vào dự án mà giao đất, ngoài việc kêu gọi của chính quyền huyện A Lưới, nông trường còn “bánh vẽ” nhiều tương lai cho người dân. Bà Kăng Kiệt (xã Nhâm – Huyện A Lưới) than thở với chúng tôi: “Trong làng A Bung, đất đây đều là đất có giấy sổ đỏ rồi. Giao là giao cho nông trường vì nông trường nói là dân mà giao đất cho nông trường thì sẽ được đóng bảo hiểm và lương. Nhưng thực tế là không có. Đất thì họ không trả, họ phá sản, cái giấy phá sản họ phát cho từng nhà”.

Còn ông A Vẹt người gắn bó với cây cà phê cho hay, nhà ông có 6 người ăn và giờ vợ chồng con cái chỉ có nồi sắn luộc. Ông nhớ lại: những ngày đầu trồng café thì vui, cà phê chuẩn bị ra hạt nông trường nói là sắp giàu rồi. Giờ bà con đã biết họ không thật thà, nhưng không muốn nói thôi.

Theo thông tin chúng tôi có được thì sổ đỏ cấp bừa cũng chỉ là một sai phạm trong chuỗi những sai phạm ở tỉnh Thừa Thiên liên quan đến dự án chết yểu này.

Nguyên Huy – Hồng Quang – Hữu Phương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ky-2-lo-dien-sai-pham-nghiem-trong-cua-ubnd-tinh-thua-thien-hue/