Tiếng nói chân thực của những công dân bị cưỡng ép lao động

Sau chiến tranh, người ta bắt đầu đếm mộ của tù binh Xô viết. Chỉ riêng ở Đức, Áo, Tiệp Khắc, Hungary và Romania đã đếm được 36.104 điểm chôn cất, đa phần là mộ tập thể.

Điểm chôn cất lớn nhất có tới hàng trăm nghìn con người bị “lao động hủy diệt”. Đến tận ngày nay các sử gia không thể thống kê hết có bao nhiêu công dân Xô viết đã bị bắt sang làm việc tại Đế chế.

Những phép tính hiện đại đưa ra những con số dao động trong phạm vi từ 8-10 triệu (bao gồm 2 triệu tù binh chiến tranh). Thế nhưng có một điều chắc chắn: Chỉ 5,35 triệu người trở về.

"Cử đi tự nguyện là như thế đấy"

Việc bắt các công dân Liên Xô sang lao động cưỡng bức tại Đức được thực hiện vô cùng tàn bạo. Chuyện kể của các nhân chứng về việc này được trích dẫn từ các cuốn sách Những nhân chứng cuối cùng của Svetlana Alexievich, Quần đảo OST của Victor Andrianov.

"Chúng bắt tôi khỏi làng quê ruột thịt của mình vào mùa đông năm 1942. Gã cảnh sát (nghe nói hắn vẫn còn sống) buộc các cha mẹ đưa con cái ra sân nông trang. Tôi 14 tuổi. Và chúng tôi được chở đến Zolotonosha.

Tôi nhớ mẹ đã chạy theo xe trượt tuyết, muốn đưa cho tôi túi lương khô ăn dọc đường, nhưng bà ngã quỵ xuống tuyết, bất tỉnh. Còn chúng tôi bị chở đi. Chỉ còn mẹ cùng đứa con trai nhỏ, em trai của tôi, ở lại nhà. Bởi chị lớn Tanya đã bị bắt sang Đức đợt trước rồi.

Zinaida Moiseyenko, thành phố Kiev.

Trên những toa tàu bọn phát xít treo các khẩu hiệu: “Ukraina cử những con trai, con gái ưu tú của mình sang nước Đức tươi đẹp để cảm ơn sự giải phóng”. Vào ngày lễ 1/5/1942 ấy chúng tôi biết được tại quảng trường Bogdan Khmelnitsky ở Kiev, chúng đã treo cổ những người phá hoại, là những ai không chịu đi Đức. Đấy cử đi tự nguyện là như thế đấy!

Ekaterina Lutsenko, làng Sunki, tỉnh Cherkasy.

Bọn trẻ trai chúng tôi đang chơi trò “hất gậy” trong sân. Một chiếc xe lớn trờ tới, từ đó những tên lính Đức nhảy xuống, bắt đầu đuổi bắt chúng tôi rồi ném vào thùng xe phủ vải bạt. Chúng chở chúng tôi ra ga, chiếc xe lui lại gần toa tàu, rồi hất chúng tôi như những cái bao lên đó.

Toa tàu đông đến độ đầu tiên chúng tôi chỉ có thể đứng. Không có người lớn, chỉ toàn trẻ con và thiếu niên. Hai ngày hai đêm chúng chở chúng tôi trong những toa tàu đóng kín, chỉ nghe thấy tiếng bánh xe gõ trên những đường ray.

Ban ngày, ánh sáng còn len lỏi được qua những kẽ hở, khi đêm xuống thật đáng sợ, đến nỗi mọi người đều khóc: Chúng tôi bị chở đi đâu đó xa lắm, cha mẹ chúng tôi không hề biết chúng tôi ở đâu.

Đến ngày thứ ba cửa toa mở ra, một tên lính ném lên toa vài ổ bánh mì. Những ai ngồi gần, kịp chụp lấy, chỉ một giây sau đã nuốt sạch bánh mì. Tôi ngồi ở phía đối diện cửa, chưa kịp thấy bánh mì, chỉ có cảm giác ngửi được mùi bánh mì trong thoáng chốc.

Volodya Ampilogov, 10 tuổi.

Ngày 28/8/1943, tất cả thanh niên nam nữ sinh năm 1926 đã bị bắt khỏi làng Milovoye, với tôi ngày này đã hằn sâu vào ký ức hơn bất cứ điều gì khác. Trên tất cả các cánh cửa đều treo những danh sách cư dân và chỉ thị: “Nếu người được tuyển mộ bỏ trốn, cả gia đình sẽ bị bắn”.

Natalya Miroshnichenko, thành phố Severodonetsk.

Chúng bắt đầu chọn chúng tôi để đưa sang Đức. Chúng không chọn theo tuổi, mà theo chiều cao, và tôi, thật không may, cao giống cha, còn em gái tôi, nhỏ con giống mẹ. Xe đến, xung quanh là quân Đức cầm súng máy, chúng lùa tôi lên chiếc xe chở rơm, em gái tôi gào la, chúng đẩy em ra, bắn quanh chân em. Không cho chạy lại gần tôi.

Và chia cách chúng tôi như thế... Cả một toa đầy... Chật như nêm... Một toa tàu đầy trẻ con, không đứa nào quá 13 tuổi. Lần đầu chúng tôi dừng ở Warsaw. Không ai cho chúng tôi uống, cũng chẳng cho ăn... Chúng chở chúng tôi đến một trạm có vẻ là khử trùng.

Bắt tất cả cởi trần, cả con trai lẫn con gái. Các cô gái muốn lánh vào một góc, bọn con trai vào góc khác, nhưng chúng dồn lại thành đống, rồi chĩa vòi xịt một thứ gì đó mùi rất khó đoán... - chẳng buồn để ý có xịt vào mắt hay không, vào miệng hay không, vào tai hay không - tiến hành khử trùng.

Sau đó chúng phát cho chúng tôi những cái quần sọc và áo khoác kiểu áo vest, chân xỏ những đôi sandal gỗ, trên ngực đính những tấm thẻ sắt có từ “Ost”.

Valya Kozhanovskaya, 10 tuổi.

Chúng cấp cho tôi số thẻ công nhân - 2054, sau đó dẫn về lán. Những cái phản hai tầng, nệm giấy, thay cho gối là những tấm giẻ rách nhồi dăm bào. 3 giờ đêm (hay sáng) cảnh sát hét điếc tai: “Dậy mau!” Chỉ cần một chút trì hoãn là chúng quất bằng gậy hoặc bằng đoạn dây cáp.

Ca đầu tiên xuống mỏ lúc 6 giờ sáng, đói. Chúng tôi chỉ được ăn một lần trong ngày, sau giờ làm việc. Thức ăn được chế biến thế này: Trong cái thùng 350 lít chúng ném vào đó một xô khoai tây, ba xô vỏ khoai với củ cải và một gói mỡ thực vật.

Valeri Sokolik, thành phố Dokuchayevsk, tỉnh Donesk.

Ai đó rên rỉ, ai đó hét trong mơ, đâu đó trò chuyện thì thầm. Tôi không thể động đậy cả tay lẫn chân, tim dường như ngưng đập... Dần dà nhận thức trở nên rõ ràng hơn, tôi hiểu, mình còn sống, đang nằm trên tấm phản của mình.

Chung quanh người ta cũng nằm mình trần như thế. Họ cởi đống giẻ rách ra khỏi người để tránh đám rận trong đó. Nhưng rất nhiều bọn côn trùng này vẫn di chuyển, sột soạt trong những chiếc lá dương xỉ. Đó là tháng 9/1942. Tháng thứ hai của đời tôi trong trại.

Georgi Kondakov.

Trong xưởng có thợ cả Willy. Một người đáng sợ, không bao giờ tháo dải băng có chữ thập ngoặc. Ông ta không trò chuyện với chúng tôi. Chỉ đánh. Đặc biệt vào ban đêm, khi chúng tôi ngã vì đuối sức. Gần như mỗi ngày đều có ai đó chết. Tôi ngủ cạnh Tamara Varivoda người tỉnh Kirovograd.

Đã vài ngày họ không đưa cô đi làm. Cô đã không thể dậy nổi. Đến đêm cô chết. Và cứ thế chúng tôi nằm cạnh nhau đến sáng. Họ mang cô đi vào buổi sáng.

Nina Cherebina, thành phố Moskva.

Chúa ơi, tôi nghĩ mình sẽ không chịu nổi. 26 roi bằng ống cáp. Thêm nữa - bằng gậy sồi bản hẹp. Đau không chịu nổi. Cú quất bằng ống cáp làm da tét ra và những tia máu bắn khắp phía. Còn cú đánh của gậy sồi biến thân thể thành một khối u cứng ngắc.

May thay, cơ thể trẻ trung của tôi chịu được. Tôi không xuôi tay trong trại, tôi gắng gượng hết sức có thể, bằng tất cả sức mạnh, nghị lực và kiến thức mình có được... Bằng mọi cách có thể, chúng tôi tự nâng đỡ bản thân. Lén hát những bài hát yêu thích của chúng tôi. Trên những nhạc cụ tự tạo hằng đêm chúng tôi chơi những giai điệu dân gian. Và mong chờ quân giải phóng từ phía Đông.

Ivan Krivitsky, làng Gusarka, Zaporozhye.

Alexander Dyukov / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tieng-noi-chan-thuc-cua-nhung-cong-dan-bi-cuong-ep-lao-dong-post1213081.html