'Tiếng còi' của Đoàn xe Tự do vang xa bên ngoài Canada

Thủ đô yên bình của Canada bỗng chốc tràn ngập tiếng còi xe inh ỏi vì 'Đoàn xe Tự do', nhưng ảnh hưởng của nó có thể lan đến cả Mỹ và châu Âu.

Chuyện gì đang xảy ra?

Đoàn xe biểu tình, được gọi là “Đoàn xe Tự do”, ban đầu là phong trào phản đối yêu cầu tiêm vaccine đối với giới lái xe tải xuyên biên giới, sau đó biến thành một cuộc biểu tình chống lại tất cả biện pháp y tế công cộng của chính phủ trong đại dịch, cổ xúy cho xu hướng chống tiêm chủng.

Cụ thể, chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau yêu cầu những người lái xe tải chưa được tiêm phòng phải cách ly 14 ngày khi từ Mỹ nhập cảnh trở lại Canada. Động thái này được cho là sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp vận tải đường bộ.

Các cuộc biểu tình của "Đoàn xe Tự do" bắt đầu vào ngày 9/1 ở miền Tây Canada. Vào ngày 22/1, các đoàn xe tải khởi hành từ British Columbia đến thủ đô Ottawa để phản đối lệnh cấm.

Sau đó, họ đã tổ chức các cuộc biểu tình tương tự ở các thành phố khác, bao gồm Toronto, Quebec và Calgary, cũng như trên cầu Ambassador dẫn tới Detroit, cửa khẩu cầu huyết mạch giữa Mỹ và Canada.

Những người biểu tình đã làm tê liệt trung tâm thành phố Ottawa trong 14 ngày qua. Một số người thậm chí yêu cầu Thủ tướng Justin Trudeau rời nhiệm sở.

Tại sao sự kiện này đáng chú ý?

Chuyện này chưa từng có tiền lệ tại Canada. Canada thường được biết đến là đất nước ôn hòa và có ít biểu tình, nhưng “Đoàn xe Tự do” lại nhanh chóng lan rộng và gây nhiều ảnh hưởng. Cuộc biểu tình đã lan sang nhiều quốc gia khác như Australia, New Zealand và Pháp.

Mặc dù không gây ra tình trạng bạo lực nghiêm trọng, các cuộc biểu tình đã làm tê liệt giao thông tại thành phố Ottawa và làm ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại Canada cũng phải đóng cửa vì lo ngại biểu tình, giao thương với Mỹ cũng bị gián đoạn.

Cuộc biểu tình này cũng được xem là dấu hiệu trỗi dậy của phe cực hữu. Diễn biến nhanh chóng của cuộc biểu tình này đã phản ánh vai trò đang thay đổi của phe cực hữu trong đời sống chính trị và văn hóa Canada.

Các cuộc biểu tình của đoàn xe tải thể hiện sức mạnh bất ngờ của phe cực hữu và chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Những phong trào đó, trong những năm trước đây, gần như không nhận được nhiều sự hưởng ứng ở cả trong nước và ngoài nước.

Ai là bên liên quan?

Người biểu tình: Những người biểu tình chủ yếu là các tài xế lái xe tải xuyên biên giới giữa Canada và Mỹ. Một số người theo chủ nghĩa chống vaccine cũng tham gia vào cuộc biểu tình.

Một trong những người khởi đầu và đóng vai trò tổ chức là bà Tamara Lich. Bà từng là thư ký của đảng Maverick - nhóm thúc đẩy việc ly khai ba tỉnh phía tây Canada. Bà Lich đóng vai trò chính trong việc gây quỹ ủng hộ các cuộc biểu tình.

Trong khi đó, tổ chức Canada Unity hoạt động như một đại diện cho người biểu tình. Nhóm này đang thu thập chữ ký cho biên bản yêu cầu chính phủ Canada hủy bỏ tất cả quy định tiêm chủng. Người sáng lập nhóm là James Bauder, một nhà hoạt động chống vaccine và thuộc phe cánh hữu.

Một số nhóm người Mỹ: Phong trào biểu tình đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều người dân Mỹ. Trong đó, một số người đã quyên góp tiền cho cuộc biểu tình thông qua trang gây quỹ GoFundMe. Trang này đã quyên góp được 7,8 triệu USD trước khi bị cảnh sát yêu cầu gỡ bỏ và hoàn lại tiền, hoặc chuyển số tiền quyên góp đến các tổ chức từ thiện khác.

Phe bảo thủ: Những người biểu tình nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia thuộc phe cực hữu trong chính trường Canada - những người thuộc đảng Bảo thủ và đảng Nhân dân cực hữu.

Cuộc biểu tình cũng nhận được sự ủng hộ từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cho rằng Đoàn xe Tự do đang biểu tình trong hòa bình nhằm phản đối các chính sách khắc nghiệt của chính phủ Canada và chỉ trích Thủ tướng Justin Trudeau.

Một số chính trị gia đảng Cộng hòa Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ với cuộc biểu tình. Điển hình là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người đã cáo buộc GoFundMe lừa đảo khi chuyển tiền quyên góp được cho các tổ chức từ thiện thay vì các tài xế như đã hứa.

Nhiều nhân vật cực hữu nổi tiếng ở nhiều quốc gia khác như Australia và Đức đã ca ngợi cuộc biểu tình trên các trang mạng xã hội, lan truyền hình ảnh và quan điểm của họ rộng rãi hơn. Một số cũng đang kêu gọi các cuộc biểu tình tương tự ở quốc gia của họ.

Chính phủ Canada: Thị trưởng Ottawa Jim Watson hôm 6/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau 10 ngày hàng nghìn người lái xe tải kéo về thủ đô Canada biểu tình.

Cảnh sát Ottawa đã thu giữ nhiên liệu, bắt giữ những người bấm còi inh ỏi và cho biết họ đang thu thập thông tin đăng ký xe và các bằng chứng khác để truy tố hình sự.

Vào ngày 10/2, ông Trudeau lên tiếng yêu cầu chấm dứt cuộc phong tỏa do “Đoàn xe Tự do” gây ra.

Tại sao các nước lo lắng?

New Zealand: Lấy ý tưởng từ biểu tình tại Canada, một đoàn xe đã đỗ chặn những con phố gần tòa nhà nghị viện New Zealand tại thủ đô Wellington để phản đối quy định chống dịch và tiêm chủng vào ngày 8/2. Hàng trăm phương tiện khác di chuyển quanh trung tâm thành phố và bấm còi inh ỏi.

Australia: Cuộc biểu tình cũng lan sang Australia vào ngày 31/1, khi một đoàn xe tải tiến đến Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra. Những người biểu tình vẫy cờ ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cờ Canada.

Mỹ: Cuộc biểu tình đã bịt kín cầu Ambassador - cửa khẩu quan trọng giữa Mỹ và Canada, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến một số nhà máy đóng cửa nhà máy ở Canada. Đồng thời, sự ủng hộ của một số người dân và chính trị gia Mỹ với cuộc biểu tình ở Ottawa cũng tiềm ẩn nguy cơ kích động một cuộc biểu tình tương tự ở nước này.

Pháp: Lấy cảm hứng từ phong trào của Canada, những người biểu tình Pháp đang kêu gọi tập hợp bên ngoài Paris vào cuối tuần này, khiến chính quyền huy động hàng nghìn cảnh sát, xe bọc thép và vòi rồng để chuẩn bị cho sự kiện này.

Trong khi đó, nhiều quốc gia như Đức Italy cũng lo ngại cuộc biểu tình “Đoàn xe Tự do” có thể kích động những người theo chủ nghĩa chống vaccine tại quốc gia này.

Vân Đinh - Hải Linh

Đồ họa: Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tieng-coi-cua-doan-xe-tu-do-vang-xa-ben-ngoai-canada-post1295510.html