Tiền hỗ trợ xa tầm tay nhà nông

Hai năm liền Tây Nguyên “dính” hạn. Đặc biệt, trong đợt hạn đầu 2016, toàn vùng này có đến hơn 100.000ha cây công nghiệp lâu năm bị thiệt hại, trong đó hàng ngàn ha bị mất trắng. Khó chồng khó, trong khi người dân rất cần nguồn vốn để tái sản xuất, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước phải rất lâu nữa mới đến được tay nông dân.

Không hỗ trợ được dân vì quy định khắt khe

Niên vụ 2014-2015, tỉnh Đăk Nông được phân bổ gần 15 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả hạn hán. Thế nhưng cho đến nay, số tiền này có khả năng phải trả lại cho Chính phủ. Điều nghịch lý này xuất phát từ yêu cầu quá mức của cơ quan quản lý. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, số tiền hỗ trợ trên là để mua giống tái sản xuất cho người dân có cây trồng bị thiệt hại do hạn hán. Tuy nhiên, khi về đến tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông đã yêu cầu cao hơn: Diện tích cây trồng được hỗ trợ phải trồng đúng quy hoạch và đúng thời vụ. Nếu chiếu theo điều kiện này thì hầu hết nông dân bị thiệt hại sẽ không thể được hỗ trợ do phần lớn các địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Để khôi phục vườn cà phê sau hạn, người dân cần rất nhiều vốn, trong khi tiền hỗ trợ của nhà nước rất ít ỏi. Ảnh: Duy Hậu

Tại huyện Krông Nô, trong niên vụ 2014-2015, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán lên đến gần 5.000ha (4.572ha thiệt hại trên 70% và mất trắng, số còn lại giảm năng suất từ 30% đến 70%), thiệt hại ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Theo ông Ngô Xuân Đông- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, ngay sau khi có chủ trương, huyện đã rà soát, thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng, mất trắng và đề xuất hỗ trợ hơn 26 tỷ đồng. Sau đó, huyện được cho tạm ứng 10 tỷ đồng từ số tiền hỗ trợ hạn hán của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, huyện chỉ mới chi được 2,5 tỷ đồng mua giống hỗ trợ bà con sản xuất, số còn lại vẫn chưa thể giải ngân.

Các tỉnh Tây Nguyên được hỗ trợ trên 108 tỷ đồng chống hạn

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ hạn hán cho các địa phương trong thời gian vừa qua ở khu vực Tây Nguyên, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 108,2 tỷ đồng cho 4 tỉnh. Cụ thể, Đăk Lăk được hỗ trợ 57 tỷ đồng; Đăk Nông 18,6 tỷ đồng; Gia Lai 17,9 tỷ đồng và Lâm Đồng 14,7 tỷ đồng.

Theo thống kê, hạn hán tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến các tỉnh Tây Nguyên với trên 95.000ha cây trồng thiếu nước tưới trong đợt hạn hán đầu năm nay. Đây là đợt thứ 2 các tỉnh Tây Nguyên được hỗ trợ kinh phí khắc phục hạn.

Cũng theo ông Đông, Krông Nô là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được quy hoạch chi tiết. Do đó, huyện cũng không thể biết được diện tích nào là trồng đúng quy hoạch để hỗ trợ cho dân.

Chưa hết, việc giải quyết số tiền hỗ trợ này của Chính phủ vẫn đang hết sức “nhì nhằng”. Trong khi Sở Tài chính tỉnh Đăk Nông cho rằng, ban đầu bị “nhầm” tưởng số tiền này là hỗ trợ nông dân bị hạn hán, khi xem xét lại thì thấy số tiền này chỉ để hỗ trợ mua giống khôi phục sản xuất.

Ngược lại, Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông đã quyết đưa hết số tiền này về hỗ trợ cho dân, nên đã tiếp tục cho rà soát, thống kê lại diện tích cây trồng bị thiệt hại niên vụ 2014-2015 để làm cơ sở hỗ trợ. Song quyết tâm này của ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Nông xem ra khó thành. Bởi cơn hạn thì đã qua rất lâu, việc “truy vết” để cho ra kết quả một cách trung thực xem chừng không thể thực hiện.

Một cán bộ nông nghiệp ở địa phương cho rằng, nếu dùng số tiền này để kịp thời hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại trong niên vụ mới này (2015-2016) thì còn khả thi và có hiệu quả. Còn nếu ép phải “truy vết”, cố tìm cách thống kê đầy đủ diện tích bị hạn hán, thiệt hại trong năm trước, có khi... mất cán bộ vì rất dễ xảy ra tiêu cực.

Khổ sở “chạy” tiền khôi phục sản xuất

Anh Y Lung (xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đăk Nông) có 1ha cà phê. Nếu năm nào thuận lợi, sau khi trừ mọi chi phí gia đình anh còn dư khoảng 40 triệu đồng, tạm đủ để 6 người sống tằn tiện trong 1 năm. Thế nhưng trong niên vụ trước (2014-2015), do dính hạn nặng, nên năng suất cà phê mất khoảng 60%. Sau khi thu hoạch xong, chủ nợ đến “vét” sạch cà phê, khiến gia đình anh rơi cảnh trắng tay. Năm nay, hạn hán lại đổ lên đầu, vườn cà phê tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề trong khi anh Lung chưa biết phải lấy tiền đâu đầu tư, khôi phục lại vườn cây. “Nếu đợt này được hỗ trợ thì số tiền đó cũng chẳng thấm vào đâu so với những thiệt hại của gia đình”- anh Y Lung nói.

Ở Buôn Tâng Pĩa, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk), gia đình ông Y Hual Mlô cũng đang khổ sở chạy ngược chạy xuôi vay tiền phục hồi vườn cà phê. Vườn cà phê của ông không nhiều (chỉ nửa ha) nhưng đó là tất cả vốn liếng mà ông phải tằn tiện nhiều năm liền mới có. Thế nhưng, đợt hạn vừa qua, vườn cà phê của ông đã bị nắng nóng “đốt cháy” sạch. “Muốn vườn cây đậu quả lại thì phải mất gần 2 năm nữa và tốn rất nhiều tiền chăm sóc. Gia đình tôi khó khăn quá, chưa biết phải vay tiền đâu ra để chăm sóc”- ông Y Hual nói.

Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cư M’gar cho biết, trong đợt hạn vừa qua, huyện có khoảng 1.000ha cây trồng mất trắng. Điều đáng lo lắng là, hầu hết diện tích này tập trung ở vùng đồng bào khó khăn của huyện. Các diện tích bị thiệt hại nặng cũng chủ yếu tập trung vào người nghèo, do họ không có kinh phí để chống hạn. Một việc khác, tính đến nay, nông dân trồng cà phê trên địa bàn đã phải đối mặt liên tiếp 3 năm liền với tình trạng mất mùa. Do đó, người dân đang gặp khó chồng khó.

“Đối với những vườn cây bị mất trắng, nông dân phải mất ít nhất 18 tháng để phục hồi vườn cây. Khó khăn nhất là nguồn vốn để phục hồi cây không hề nhỏ, trong khi đó đa phần nông dân đều đã có dư nợ ở ngân hàng, nên rất khó vay được vốn mới. Không còn cách nào khác, nông dân nhiều vùng đành phải chấp nhận vay các đại lý ở địa phương với mức lãi suất cao để tái sản xuất”- ông Mười nói.

Ông Lê Thăng Long- Chủ tịch UBND huyện Ea H'Leo cũng khẳng định, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn do hạn hán gây ra. Với mức hỗ trợ như hiện nay (cao nhất là 4 triệu đồng/ha đối với diện tích cây công nghiệp dài ngày bị mất trắng), số tiền đó chỉ mang tính “tượng trưng” nhằm động viên tinh thần cho nông dân chứ không thể làm vơi bớt khó khăn của bà con. /.

Chính sách chậm trễ, nguy cơ tiêu cực

Phóng viên NTNN phỏng vấn ông Trần Xuân Định (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) xung quanh việc hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do hạn hán hiện nay.

Ông Định cho biết: Nhìn chung, tiền hỗ trợ thông thường được thực hiện theo thủ tục rất chặt chẽ. Đầu tiên các tỉnh phải có thống kê thiệt hại từ cấp cơ sở, rồi đánh giá mức độ thiệt hại, Sở NNPTNT các địa phương sẽ báo cáo UBND tỉnh để trình Chính phủ duyệt. Khi thiên tai xảy ra, nếu UBND tỉnh có quyết định công bố thiên tai, dịch bệnh sẽ được hỗ trợ theo Quyết định 49 (sửa Quyết định 142) của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ, bồi thường thiệt hại sau thiên tai.

Tuy nhiên, trên thực tế, dường như chính sách hỗ trợ của chúng ta có độ trễ rất lâu, như ở Đăk Nông, tiền hỗ trợ từ năm trước đến nay vẫn chưa giải ngân được, trong khi người dân lại rất cần vốn để tái sản xuất ngay?

- Đúng vậy, chính sách của chúng ta bao giờ cũng có độ trễ, nhất là hỗ trợ bằng tiền càng lâu hơn. Hiện có 2 phương án hỗ trợ được áp dụng là bằng tiền và hiện vật (thuốc bảo vệ thực vật, vaccine thú y, giống) từ kho dự trữ quốc gia. Song thông thường, các địa phương chỉ thích xin bằng tiền. Mặc dù số tiền tuyệt đối để hỗ trợ cho một tỉnh có thể lớn, nhưng khi chia ra cho hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ dân thì lại rất nhỏ, nhưng nhiều nơi cứ muốn xin, mà xin xong có khi… mất cả cán bộ.

Vậy tại sao, chúng ta không quy định chỉ nên hỗ trợ bằng hiện vật?

- Thực ra, về hậu quả thiên tai, có rất nhiều thiệt hại, ngoài làm mất giống (chết cây), còn có cả thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nên Chính phủ cũng tạo điều kiện hỗ trợ bằng tiền cho các địa phương để khôi phục sản xuất. Ngay cả thiệt hại về giống cũng có nhiều giai đoạn khác nhau như vừa gieo trồng xong đã mất hoặc như các cây lâu năm gieo trồng được một thời gian thì bị mất, nên mức độ thiệt hại cũng khác nhau. Do đó, hiện chúng ta vẫn duy trì cả 2 phương án hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Lê (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tien-ho-tro-xa-tam-tay-nha-nong-691731.html