Tiền Giang: Xuân về trên những vùng quê nông thôn mới

Một mùa xuân mới đang về trên khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn. Trên những vùng quê đã hoàn thành các tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM), mùa xuân mới này càng thêm phấn khởi hơn. Đến với huyện Cái Bè và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang những ngày này, chúng ta dễ dàng cảm nhận được những đổi thay rõ rệt từ kết quả xây dựng NTM.CÁI BÈ ĐỔI MỚI SÂU RỘNG

Trong những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn này, về huyện Cái Bè, đâu đâu chúng tôi cũng thấy không khí vui tươi, sôi nổi của mùa xuân mới, mà ở đó có xen lẫn không khí phấn khởi của địa phương vừa ra mắt huyện đạt chuẩn NTM. Trong đó, giao thông là điểm nhấn nổi bật nhất của huyện với 15 tuyến đường huyện dài hơn 92 km được đầu tư đạt chuẩn.

Huyện Châu Thành đã “khoác lên mình màu áo mới” khang trang hơn thông qua công tác xây dựng NTM.

Hệ thống giao thông thông suốt, khang trang đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối với trung tâm hành chính xã, phục vụ tốt vận chuyển hàng hóa bằng xe cơ giới, là tiền đề thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.

Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Mỹ Lương) chia sẻ niềm vui: “Giao thông giờ thuận lợi lắm, đường nhựa, đường đan trên địa bàn xã đã được hoàn thiện giúp việc đi lại, vận chuyển trái cây ra chợ của người dân được thuận tiện hơn, không còn cảnh thương lái ép giá”.

Giao thông thuận tiện, buôn bán dễ dàng giúp cho đời sống của người dân huyện Cái Bè ngày càng nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,83 triệu đồng (năm 2022 đạt 62,59 triệu đồng), so với năm 2022 tăng 9,97% (tăng 6,14 triệu đồng/người/năm).

Người dân trên địa bàn huyện càng phấn khởi khi giờ đây bộ mặt nông thôn không chỉ khang trang hơn, đẹp hơn, mà còn có những chuyển biến tích cực về cả chiều sâu. Trong đó, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn có bước thay đổi lớn so với trước đây.

Thời gian qua, tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM được huyện quan tâm thực hiện; bởi đây là tiêu chí tuy dễ thực hiện nhưng lại khó duy trì, đòi hỏi rất nhiều từ ý thức của người dân. Hằng năm, UBND huyện phân bổ kinh phí mua thùng rác, xây dựng điểm tập kết rác thải, xây bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải.

Toàn huyện hiện có 864 thùng chứa rác sinh hoạt, 937 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xây dựng được 25 điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn 24 xã và thị trấn Cái Bè. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện là 71.237 hộ, đạt 88,89%.

Ông Trần Văn Sang (xã Hậu Mỹ Trinh) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều người dân trong xã chủ yếu tự xử lý rác bằng cách đổ vào hố rồi đốt. Hiện nay, xã đã có điểm tập kết rác và xe thu gom rác dọc theo các tuyến đường nên gia đình tôi đã tập kết rác ở nơi quy định, không còn cảnh rác thải hay đốt rác tạo khói ô nhiễm nữa, làng xóm cũng sạch - đẹp hơn, khang trang hơn”.

CHÂU THÀNH “KHOÁC ÁO MỚI”

Cùng với niềm vui của người dân huyện Cái Bè, không khí đón xuân của người dân huyện Châu Thành cũng phấn khởi, sôi nổi không kém khi ngày 6-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 151 công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM năm 2023.

Bình Đức là xã cuối cùng của huyện Châu Thành và là 1 trong 5 xã cuối cùng của tỉnh về đích NTM vào cuối năm 2023 đúng theo kế hoạch được giao. Hiện nay, xã Bình Đức đã “khoác lên mình màu áo mới” khi môi trường, cảnh quan được cải thiện. UBND xã đã tổ chức trồng cây xanh, hoa ven đường với trên 550 cây bằng lăng, 1.734 cây bông trang và hoa mười giờ, hoa lá gấm… tạo nên bộ mặt nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Với lợi thế “nhất cận thị” khi giáp với TP. Mỹ Tho cũng như Khu công nghiệp Mỹ Tho, UBND xã Bình Đức đã tận dụng để phát triển hạ tầng thương mại. Xã hiện có 59 cơ sở, doanh nghiệp tư nhân, công ty, xí nghiệp kinh doanh, sản xuất. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực tham gia sản xuất với 586 hộ tham gia lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương nghiệp và lĩnh vực thương mại khác. Các cơ sở công nghiệp, thương mại đã góp phần tạo việc làm giúp tăng thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Bình Đức Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: “Năm nay, người dân của xã đón xuân với nhiều niềm phấn khởi; khi qua xây dựng NTM, đời sống vật chất của người dân đã được nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 71,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 2,9%. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tích cực và sẵn sàng hiến đất, kiến trúc, hoa màu… để cùng xã hoàn thành công tác xây dựng NTM đúng tiến độ”.

Trong niềm vui của toàn huyện, người dân xã Long An năm nay đón tết càng vui hơn khi xã đã xây dựng thành công và ra mắt xã NTM nâng cao trong năm 2023. Với sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Long An đã vượt qua mọi khó khăn vươn lên đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Phấn khởi là người dân đã phát huy vai trò chủ thể cùng với chính quyền đóng góp xây dựng NTM. Cụ thể trong quá trình thực hiện tiêu chí Giao thông, người dân đã đóng góp trên 18 tỷ đồng.

Mùa xuân mới đã về trên xã NTM nâng cao Long An không chỉ với diện mạo mới của cảnh quan nông thôn, mà còn đánh dấu tư duy mới của nông dân trong sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế từ mảnh đất, miếng vườn của mình như câu chuyện canh tác bưởi da xanh của ông Đoàn Văn Tồn.

Ông Tồn canh tác gần 4.000 m2 bưởi da xanh đã hơn 10 năm qua. Trước đây, ông chủ yếu trồng theo kinh nghiệm bản thân, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, trái bưởi có chất lượng không đồng đều và bán với giá bấp bênh.

“Nhờ Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã, tôi đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cụ thể là chuyển sang trồng bưởi theo chuẩn VietGAP. Tôi ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để mang đến những trái bưởi vừa ngon vừa an toàn. Nhờ đó, vườn bưởi của tôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giá cả và đầu ra ổn định” - ông Tồn phấn khởi cho hay.

Việc thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất trên địa bàn, các Tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân huyện Châu Thành. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở các xã trên địa bàn huyện đạt 66,63 triệu đồng/năm, tăng 45,03 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.

Những kết quả đạt được của công tác xây dựng NTM tại các địa phương đã mang lại một khí thế mới, xung lực mới cho những miền quê trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng NTM tạo nên tư duy mới trong sản xuất của người dân, giúp họ nâng cao đời sống ngay trên mảnh vườn, cây trồng, vật nuôi của gia đình để hướng tới mục tiêu chung là tỉnh Tiền Giang hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2025.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202402/tien-giang-xuan-ve-tren-nhung-vung-que-nong-thon-moi-1003587/