Tiền Giang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Để bảo vệ đàn heo, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán 2024 đến gần, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cùng các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP).DỊCH BỆNH CƠ BẢN ĐƯỢC KIỂM SOÁT

Tiến sĩ Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác phòng, chống DTHCP tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.

Hiện toàn tỉnh Tiền Giang còn 72 hộ có heo mắc bệnh DTHCP tại 4 xã/3 đơn vị huyện chưa qua 21 ngày; trong đó, xã Xuân Đông là 64 hộ có heo mắc bệnh DTHCP, với số heo bệnh, chết và đốt hủy là 1.524 con. Điều này cho thấy, bệnh DTHCP chủ yếu tập trung tại xã Xuân Đông.

Tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo cùng với quyết định công bố dịch bệnh DTHCP trên địa bàn xã (ngày 13-11), UBND huyện Chợ Gạo đã có kế hoạch, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và quyết định thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật với sự tham gia của lực lượng Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường, UBND xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào vùng dịch.

HEO TIÊM VẮC XIN ĐƯỢC BẢO VỆ TỐT HƠN

Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, các nguyên nhân dẫn đến heo mắc bệnh DTHCP gồm: Nhập heo nhiễm vi rút DTHCP vào trại; tư thương vào trại xem heo; vật tư chăn nuôi nhiễm vi rút; côn trùng, chuột nhiễm vi rút; sử dụng sản phẩm từ heo nhiễm vi rút; sử dụng tinh heo nhiễm vi rút.

Để phòng, chống bệnh DTHCP, giải pháp mà ngành Chăn nuôi và Thú y đưa ra là tuyên truyền chủ nuôi mua heo từ vùng an toàn dịch ASF; thương lái xem heo qua camera; kiểm soát nghiêm ngặt, khử trùng triệt để; không dùng nước mặt chưa khử trùng; ngăn ngừa nước tràn vào chuồng heo; kiểm soát côn trùng, diệt chuột; không mang thực phẩm từ heo vào trại; không sử dụng thức ăn thừa nuôi heo; sử dụng tinh heo ở vùng an toàn dịch bệnh.

Cũng theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, hiện thị trường Việt Nam có 2 loại vắc xin DTHCP thương mại gồm: NAVET ASF VAC và AVAC ASF LIVE được cấp chứng nhận lưu hành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, người nuôi heo khi chưa có vắc xin DTHCP thương mại thì trông chờ; khi có vắc xin thì chần chờ.

Trong khi đó, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công văn của Bộ NN&PTNT đều khuyến khích sử dụng vắc xin DTHCP để bảo vệ đàn heo. Hiện nay, toàn tỉnh đã cung ứng 9.140 liều vắc xin DTHCP cho 103 hộ chăn nuôi.

Tính đến thời điểm này, đàn heo được tiêm vắc xin DTHCP đang ổn định, bình thường. Cụ thể, tại vùng dịch, nếu đàn heo đã tiêm vắc xin DTHCP thì sau 28 ngày, heo được bảo vệ tốt hơn đối với bệnh DTHCP.

Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, hiện nay, ở Tiền Giang số hộ có heo mới mắc bệnh DTHCP có chiều hướng giảm dần từ ngày 25-11 đến ngày 28-11 (lần lượt là 4 hộ, 3 hộ, 2 hộ/ ngày) và ngày 28-11 chỉ ghi nhận 1 hộ có heo bệnh, đốt hủy 5 con.

Để phòng, chống bệnh DTHCP, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 7788 ngày 24-11-2023 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTHCP; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng ban hành và triển khai Kế hoạch 4750 ngày 17-11-2023 về triển khai Tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường trong hoạt động chăn nuôi thú y đợt 2-2023.

Sau khi công bố dịch tại xã Xuân Đông, Cục Thú y và Chi cục Thú y Vùng VI đã thành lập 2 Đoàn công tác kiểm tra toàn diện hoạt động chống dịch và đánh giá cao về công tác phòng, chống bệnh DTHCP tại tỉnh.

VỆ SINH KHỬ KHUẨN + TIÊM VẮC XIN

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng để người dân cảnh giác và chăn nuôi áp dụng an toàn sinh học; khuyến khích người dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi chủ động khai báo heo bệnh.

Đồng thời, kịp thời tiêu hủy heo bệnh, chết, heo có dấu hiệu của bệnh DTHCP để phát huy hiệu quả tối đa “Giờ vàng” trong chống dịch; giám sát chặt chẽ không để bán chạy heo trong ổ bệnh. Một trong những giải pháp quan trọng là triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh DTHCP.

Huyện Chợ Gạo lập chốt kiểm dịch động vật để ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào vùng dịch.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai có hiệu quả Tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường trong chăn nuôi đợt 2-2023 theo hình thức mới. Đến nay, 11 đơn vị cấp huyện đều có ban hành và triển khai kế hoạch Tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc đến cấp xã.

Phát biểu kết luận cuộc họp triển khai công tác phòng, chống bệnh DTHCP vào ngày 28-11, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đề nghị các địa phương triển khai rõ Công điện của Thủ tướng Chính phủ về triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTHCP. Các địa phương cần rà soát, thống kê tổng đàn heo, bao nhiêu hộ chăn nuôi, quy mô.

Sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện mời người chăn nuôi để tuyên truyền, tập huấn về giải pháp phòng, chống DTHCP, chăn nuôi heo an toàn sinh học... Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn khẳng định, để phòng, chống DTHCP hiệu quả, không cách nào khác là phải tiêm vắc xin phòng bệnh.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202312/tien-giang-trien-khai-quyet-liet-cac-bien-phap-phong-chong-dich-ta-heo-chau-phi-997243/