Tiền Giang: Tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh ho gà, sởi và sốt xuất huyết

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Trong thời gian qua, việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch là yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh bao gồm sởi.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay, có 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và 10 trường hợp mắc rubella tại 7 tỉnh, thành phố, đặc biệt ghi nhận một chùm ca bệnh sởi tập trung tại tỉnh Hà Tĩnh ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi. Bên cạnh đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa xuân - hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát.

Các bà mẹ hãy đưa con đi tiêm chủng mũi 1 vắc xin sởi ngay khi trẻ được 9 tháng tuổi và tiêm mũi 2 vắc xin sởi lúc trẻ 18 tháng tuổi thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng không chờ đợi vắc xin dịch vụ; sau đó có thể cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh rubella - quai bị ở những thời điểm phù hợp.

Thực hiện Công văn 178 ngày 29-3-2024 của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương về tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh ho gà, sởi và sốt xuất huyết mùa xuân - hè năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang có Công văn 292 đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh ho gà, sởi, sốt xuất huyết như sau:

Tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Sở Y tế, chính quyền địa phương; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các đối tượng đích thuộc địa bàn có nguy cơ cao. Hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh chung, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong gia đình và xung quanh, vệ sinh trong trường học.

Về phòng, chống bệnh ho gà và sởi: Thông tin về đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, đường lây truyền, dấu hiệu bệnh, dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đến ngay cơ sở y tế; biến chứng của bệnh, các biện pháp dự phòng chung, phòng bệnh chủ động đặc hiệu - tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà và sởi: lịch tiêm, đối tượng tiêm, địa điểm tiêm, sự an toàn và hiệu quả của vắc xin; không tự ý điều trị tại nhà.

Về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: Thông tin về đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, đường lây truyền, dấu hiệu phát hiện bệnh, dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đến ngay cơ sở y tế; biến chứng của bệnh; các biện pháp diệt lăng quăng tại hộ gia đình theo đặc thù của mỗi địa phương. Phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất khi gia đình có người mắc bệnh sốt xuất huyết; không tự ý điều trị tại nhà.

Theo đó, các địa phương tăng cường phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa, đài tại Trung tâm Y tế, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện, Trạm Y tế, Đài Truyền thanh xã ít nhất 4 lần/tuần. Chủ động thực hiện các hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, như: Tư vấn, thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình, truyền thông cộng đồng/trường học, tuyên truyền lưu động… Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến các đoàn viên, hội viên, người dân về các khuyến cáo phòng, chống bệnh; từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

THANH HOÀNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202404/tien-giang-tang-cuong-truyen-thong-ve-phong-chong-benh-ho-ga-soi-va-sot-xuat-huyet-1007176/