Tiền Giang: Số ca đau mắt đỏ tăng nhanh và cách phòng tránh

Trong hơn 1 tuần qua, số lượng người mắc bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ) đang tăng nhanh tại các địa phương trong tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt dịch xuất hiện trong trường học làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

CHĂM SÓC, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG TRÁNH

Bác sĩ Lê Thị Bích Hợp, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang cho biết, khoảng 10 ngày trở lại đây, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị đau mắt đỏ liên tục tăng. Đa số trường hợp có triệu chứng nhẹ và khỏi nhanh, tuy nhiên qua khai thác thì bệnh lây lan rất nhanh trong các gia đình có bệnh nhân.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh.

Giải thích về điều này, bác sĩ Bích Hợp cho biết, bệnh đau mắt đỏ là bệnh do vi rút gây ra nên rất dễ lây lan từ người này sang người khác và hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ do vi rút đều nhẹ, bệnh thường sẽ khỏi sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể mất từ 2 đến 3 tuần hoặc lâu hơn để khỏi, cũng có trường hợp biến chứng gây nguy hiểm đối với thị lực.

Bệnh đau mắt đỏ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay… Bệnh cũng có khả năng lây qua tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, vi rút gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…). Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…) cũng khiến lây nhiễm phải căn bệnh này.

Ngoài ra, việc lây nhiễm đau mắt đỏ còn có thể xảy ra khi sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi). Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng… Ở những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc, bến tàu xe, trên xe buýt, chợ… sẽ có nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ là rất cao.

Để tránh bị lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Bích Hợp khuyến cáo cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi nhỏ vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.

Khi bị đau mắt đỏ, để vừa chăm sóc mắt nhanh khỏi vừa tránh lây lan cho người khác thì người bệnh cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Không đi học, đi làm khi bị đau mắt đỏ để tránh bệnh lây lan. Nếu trong gia đình có người đau mắt đỏ, nên cách ly ở một phòng có đồ dùng riêng để hạn chế lây cho các thành viên trong gia đình.

Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi. Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt. Không tiếp xúc ở nơi đông người; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

Ngoài ra, người bệnh đau mắt đỏ nên đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị. Về nhà, cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục. Tuyệt đối không dùng lại thuốc cũ hoặc dùng chung thuốc với người khác.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện tại một số địa phương, trong đó có nhiều trường hợp trẻ em ở lứa tuổi học sinh bị đau mắt đỏ được ghi nhận từ các trường học.

Thông tin từ Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, tính đến chiều ngày 21-9, toàn tỉnh ghi nhận 2.617 học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó bậc mầm non có 672 ca, tiểu học có 816 ca và 440 ca mắc ở bậc trung học phổ thông.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, không để dịch bùng phát, lan rộng trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị thực hiện biện pháp phòng dịch. Các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành Y tế tổ chức chiến dịch truyền thông về bệnh đau mắt đỏ và các biện pháp phòng, chống cho công chức, viên chức, người lao động, học sinh, cha mẹ học sinh và người chăm sóc trẻ. Hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh truyền thông về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tới các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.

Thực hiện tuyên truyền sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các nhà trẻ, trưởng mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ và các dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Tổ chức cho học sinh thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh theo quy định của liên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng và các chất tẩy rửa thông thường. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện và triển khai kịp thời các biện pháp phòng bệnh; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường.

Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã có công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện theo dõi sát diễn biến bệnh trên địa bàn tỉnh và thực hiện các biện pháp hạn chế mầm bệnh lây lan. Trong đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, tập trung phổ biến về các biện pháp phòng bệnh trong trường học và cộng đồng. Tổng hợp số trường hợp bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh và số học sinh bệnh đau mắt đỏ được ghi nhận từ các trường học trên địa bản quản lý.

Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa Anh Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Minh Đức, Sở Y tế yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ; tổng hợp số trường hợp bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại đơn vị. Thực hiện báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ định kỳ hằng tuần về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có trách nhiệm tiếp tục phối hợp các bệnh viện, trung tâm y tế tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Theo dõi sát tình hình, diễn biến của dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn các đơn vị giải pháp kiểm soát dịch hiệu quả.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202309/tien-giang-so-ca-dau-mat-do-tang-nhanh-va-cach-phong-tranh-990928/