Tiền Giang: Doanh nghiệp nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động

Hiện một số doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực may mặc, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Các DN phải chật vật xoay trở, tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.NỖ LỰC XOAY TRỞ ĐỂ GIỮ CHÂN NGƯỜI LAO ĐỘNG

Sau đại dịch Covid-19, các DN trên địa bàn tỉnh đều nỗ lực để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, nhiều DN trong ngành Dệt may, Thủy sản lại đối mặt với nhiều khó khăn, cụ thể là thiếu đơn hàng.

Nhiều DN may mặc gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.

Công ty TNHH Hansae Tiền Giang, Khu công nghiệp (KCN Tân Hương), huyện Châu Thành chuyên ngành May mặc xuất khẩu, với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc. Trước đây, DN cũng gặp phải tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng, phải cho công nhân nghỉ việc theo nguyện vọng hoặc cắt hợp đồng lao động. Hiện tại, DN đã có đơn hàng trở lại, nhưng số lượng vẫn chưa nhiều, chỉ đủ để duy trì hoạt động.

Đại diện Công ty TNHH Hansae Tiền Giang cho biết: “Tình hình sản xuất của công ty đã dần ổn định. Theo nhu cầu đơn hàng, cần tuyển thêm lao động bộ phận nào thì công ty sẽ tuyển dụng cho bộ phận đó. Số lượng tuyển dụng cũng vừa phải từ 15-20 người, không tuyển đại trà, nhiều như trước. Một số công nhân nghỉ việc trước đây biết công ty có tuyển dụng nên đã xin vào làm việc lại. Hiện DN có khoảng 3.500 công nhân lao động, số lượng này cũng đã tương đối đủ với lượng đơn hàng hiện tại”.

Theo Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi, qua làm việc với các DN dệt may, thủy sản, tình hình của các DN trong lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đối với ngành Dệt may, hiện vẫn chưa có đơn hàng. Như các năm trước, đơn hàng đã có trước 6 tháng, nhưng hiện nay vẫn chưa có. Khó khăn nữa là giá giảm, DN cũng không đàm phán được, người ta cho giá thế nào thì làm thế đó, chủ yếu là để “nuôi quân”. Mặt khác, tình hình tài chính của các DN cũng hết sức khó khăn. Sau đại dịch Covid-19, DN mới phục hồi, nhưng lại rơi vào tình trạng khó khăn do suy thoái toàn cầu, đơn hàng không có. DN thủy sản cũng gặp khó khăn tương tự. Chi phí đầu vào tăng, đầu ra không có. Các DN đang cố gắng chờ trong quý IV-2023 xem tình hình có cải thiện không, nếu không thì sẽ rất khó khăn”.

Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam - Khu công nghiệp (KCN) Long Giang, huyện Tân Phước) chuyên sản xuất giày thể thao theo đơn hàng cho thương hiệu lớn. Hiện công ty có khoảng 7.000 lao động. Trước tình hình khó khăn chung, nhiều DN không có đơn hàng phải cắt giảm lao động… thì công ty cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự. Khi thiếu đơn hàng, DN cho công nhân nghỉ làm ngày thứ 7 trong 2 tháng liên tục. Sau đó, khi đơn hàng đã ổn định, công nhân lao động sẽ làm việc trở lại như trước.

Bà Lê Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam cho biết: “Công nhân thường xuyên nghỉ việc, mỗi ngày có từ 5-10 công nhân xin nghỉ. Do đó, công ty cũng phải tuyển dụng lao động thường xuyên, liên tục. Khi có công nhân nghỉ, sẽ có công nhân khác thay thế, nên không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty. Hiện DN đang tuyển dụng lao động ở nhiều bộ phận”.

Cùng chung khó khăn với các DN may mặc, giày da, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó về đầu ra. Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền, năm 2023, ngành Thủy sản gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra. Đơn hàng, khách hàng so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 50%. Không phải đối tác đòi hỏi về chất lượng, giá cả, nhưng do đầu ra ở các thị trường nước ngoài thấp nên nhu cầu nhập khẩu giảm. Chi phí đầu vào, cụ thể là tiền điện tăng, nhưng bán thì không tăng là khó khăn đối với DN hiện nay.

Cũng là một DN hàng đầu của tỉnh trong xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (KCN Mỹ Tho) cho biết: “Hiện ngành Thủy sản đang suy thoái sau đại dịch Covid-19. Lường trước được khó khăn này, DN đã chủ động để ứng phó với vấn đề này. Cụ thể, DN đã tiếp tục đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, tiết giảm chi phí. Công ty đang làm tốt điều này, do đó, sản xuất được duy trì. Công nhân được đảm bảo đời sống, việc làm, thậm chí hiện DN còn tuyển thêm người để sản xuất dự trữ. Khi qua giai đoạn suy thoái này, DN sẽ bán ra để tìm kiếm lợi nhuận”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đạo, DN đề nghị các gói hỗ trợ của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay nên tiến hành kịp thời. Nếu chậm thì sẽ không có tác dụng gì nhiều. Muốn nhanh thì các thủ tục hành chính phải được cải tiến triệt để. Nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ đến DN bị chậm do thủ tục quá rườm rà.

Lãi suất ngân hàng phải được kéo giảm và phải ở mức ổn định, đặc biệt là cho ngành Nông nghiệp - ngành giải quyết nhiều lao động, xuất khẩu đem về ngoại tệ cho quốc gia. Việc thị trường thủy sản bị suy thoái có khả năng kéo dài sang năm 2024.

Với nhận định đó, DN vẫn duy trì mục tiêu là tiếp tục mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng. DN sẽ tiếp tục điều tiết, kiểm soát toàn bộ chi phí đầu vào để trước mắt là duy trì lao động, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, sản lượng sản xuất, nuôi trồng”.

KẾT NỐI VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG MẤT VIỆC

Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều DN nỗ lực xoay trở để giữ chân người lao động. Một số DN do trong tình trạng bất khả kháng buộc lòng phải cắt giảm lao động.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm, qua thống kê, từ tháng 11-2022 đến tháng 6-2023, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế dẫn đến nhiều DN trên địa bàn tỉnh bị sụt giảm đơn hàng và gặp khó khăn. Cụ thể, có 40 DN bị ảnh hưởng, với hơn 29.500 lao động, chủ yếu ở các lĩnh vực giày da, dệt may và thực phẩm. Các DN đã cắt giảm 3.200 lao động; cho 4.700 lao động ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và tạm hoãn hợp đồng lao động; 20.500 lao động bị giãn giờ làm.

Công ty cổ phần Gò Đàng nỗ lực xoay trở để duy trì việc làm cho người lao động.

Trong tháng 7 và 8-2023, tình hình của các DN cơ bản ổn định hơn, còn khoảng 17 DN gặp khó khăn về đơn hàng. Song các DN này vẫn duy trì được hoạt động, không tăng ca, giảm giờ làm. Trong tháng 8-2023, có 2 DN cho công nhân nghỉ việc với số lượng lớn. Cụ thể, Công ty TNHH May xuất khẩu Tân Bình từ tháng 3-2023 không còn đơn hàng.

Đến tháng 6-2023, DN chấm dứt tất cả các nguồn hàng nên đã ngừng việc 107 lao động. Sở LĐ-TB&XH đã cùng Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với TP. Mỹ Tho có cuộc họp bàn bạc tháo gỡ khó khăn. Dự kiến ngày 11-9, các đơn vị liên quan sẽ ngồi lại để nắm bắt tình hình công việc giải quyết chế độ chính sách cho 107 lao động này.

Đối với Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (KCN Tân Hương), DN gặp khó khăn về đơn hàng từ cuối năm 2022. Đến tháng 8-2023, DN đã chấm dứt hợp đồng đối với 1.846 lao động. Trong đó, số lượng lao động trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 77%. Hiện công ty đã giải quyết chế độ chính sách cho 1.846 lao động này. Mức hỗ trợ cao nhất là khoảng 115 triệu đồng/người, thấp nhất là 17,5 triệu đồng/người.

Hiện nay, giải pháp nhằm hỗ trợ số lao động mất việc tại Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam là Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam (KCN) có đặt hàng xin tuyển khoảng 1.000 lao động. Yêu cầu đặt ra là chỉ tuyển những người biết may và dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, trong 1.846 lao động mất việc, có khoảng 50% lao động trên 40 tuổi.

Theo đồng chí Lý Văn Cẩm, tính từ đầu năm đến nay, có 17.164 lao động đã nộp hồ sơ giải quyết trợ cấp thất nghiệp, trong có khoảng 25% lao động làm việc ngoài tỉnh quay về đăng ký. Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, đặc biệt là tại huyện Châu Thành để tăng cường kết nối việc làm giữa các DN may mặc nhỏ với những lao động vừa bị mất việc.

ANH THƯ - L. OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202309/tien-giang-doanh-nghiep-no-luc-duy-tri-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-989808/