Tiền Giang: Chủ động phòng, chống bệnh dại

Thời gian qua, Tiền Giang đã quan tâm triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng người dân chủ quan khi bị chó, mèo cắn mà không điều trị dự phòng có dấu hiệu gia tăng; tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo còn hạn chế. Vì vậy, các địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh dại để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.THỰC TRẠNG BỆNH DẠI

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại, bởi nó gây ra 1/3 gánh nặng bệnh tật cho con người với mối đe dọa cho hơn 3,3 tỷ người trên toàn cầu. Hằng năm, trên thế giới đã xảy ra bệnh dại tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại, chủ yếu ở châu Á và châu Phi.

Ra quân triển khai Mô hình điểm phòng, chống bệnh dại tại xã Bình Nhì.

Trong khi đó tại Việt Nam, người chết vì bệnh dại đang có xu hướng gia tăng. Năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 người so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên.

Chỉ riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 27 người chết vì bệnh dại (tăng hơn 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2023), với tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%, số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Nhất là những trường hợp người chết vì bệnh dại ở tỉnh Long An và Bến Tre - hai tỉnh giáp ranh với tỉnh Tiền Giang, tạo mối nguy tiềm ẩn đối với bệnh dại cho các địa phương lân cận.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh cho biết, từ năm 1999 đến năm 2018, Tiền Giang có 7 người chết vì bệnh dại và sau hơn 5 năm kể từ năm 2018 đến nay, tỉnh chưa xảy ra bệnh dại trên người. Hiện nay, tình trạng người dân chủ quan khi bị chó nhà cắn mà không điều trị dự phòng có dấu hiệu gia tăng, chiếm đến 43,8%.

Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, trong trường hợp người bị chó tấn công cần phải giữ bình tĩnh, không quay lưng, không bỏ chạy và không nhìn thẳng vào mắt của chó; nên đánh lạc hướng chó bằng cách quăng xa bất cứ thứ gì trong tầm với; nếu bị té ngã, hãy cố gắng bảo vệ mặt, cổ và bộ phận sinh dục (nơi nhiều mạch máu và dây thần kinh), tốt nhất là nằm úp xuống, hai tay nắm chặt che sau gáy.

Nếu đã bị chó cắn thì phải giữ bình tĩnh, cố gắng chịu đựng đứng hoặc nằm im, vì chó có thể chỉ cắn một đến hai cái rồi bỏ đi, nếu người càng phản ứng, chống cự thì chó càng hung hăng, càng cắn mạnh, vết thương càng nghiêm trọng, chảy nhiều máu. Người đứng bên ngoài có thể hất nước vào chó, chó sẽ ngừng tấn công và bỏ chạy.

Đồng thời, một số nguy cơ khác như chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắc xin dại; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó của các hộ nuôi thấp dưới 50%; công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, chưa phong phú và thường xuyên.

QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Để thực hiện có hiệu quả Quyết định 66 ngày 14-3-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang về Chương trình phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, năm 2023, huyện Gò Công Tây triển khai Mô hình điểm trong công tác điều tra, tiêm phòng cho chó, mèo của tất cả các hộ dân trên địa bàn; đồng thời, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp hộ chăn nuôi không thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin dại trên địa bàn xã Long Vĩnh.

Các hộ chăn nuôi chó tại xã Bình Nhì hưởng ứng tiêm phòng vắc xin dại cho chó.

Qua thời gian ra quân tuyên truyền tiêm phòng vắc xin dại đã tiêm được 817 con/tổng đàn 910 con/459 hộ có chăn nuôi chó, mèo.

Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Chi Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, nhất là trẻ em ngay từ bậc tiểu học.

Riêng năm 2023, Tiền Giang đã truyền thông cho 171 trường tiểu học, đạt 100% tổng số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, với trên khoảng 135.800 học sinh. Cùng nhiều hình thức tuyên truyền qua xe cổ động với 45 lượt thực hiện.

Đến năm 2024, UBND huyện Gò Công Tây tiếp tục triển khai Mô hình điểm phòng, chống bệnh dại tại xã Bình Nhì. Trong đó, thực hiện quản lý và tiêm phòng vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo trên địa bàn xã, với sự tham gia của 14 sinh viên của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ trong việc hỗ trợ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng dân cư, trường học, điều tra và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn xã Bình Nhì. Với chi phí vắc xin và tiền công tiêm phòng do người chủ nuôi chi trả 20.000 đồng/liều/con.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhì Nguyễn Thái Ngọc cho biết, đối với chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo và cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên nhà. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo và phải thanh toán các khoản chi phí quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng theo quy định.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, lý do chó tấn công người là do phản xạ theo bản năng tự vệ (chó bị đánh đập, trêu chọc; chó cái bảo vệ chó con, chó đực bảo vệ chó cái; tiếp cận một con chó bị xích); săn mồi (xem người là con mồi, đặc biệt khi người chạy hoặc có hành vi bất thường); cầm giữ thức ăn (chó sợ bị cướp giật thức ăn); lãnh thổ (người lạ vào phạm vi của chúng); bầy đàn (một con cắn người thì các con khác bắt chước theo).

Đồng thời, đối với chó mắc bệnh dại cũng có các biểu hiện chó tấn công người thông qua các biểu hiện chó gầm gừ, nhe nanh, đứng im, nhìn chằm chằm, lấm lét, trợn mắt, cúi xuống gầm sát mặt đất và chó sủa nhiều, liên tục…

Hằng năm, định kỳ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, đối với mũi 1 - mũi tiêm vắc xin đầu tiên là lúc chó được 3 tháng tuổi. Nếu có tiêm vắc xin dại cho chó dưới 3 tháng tuổi thì bắt buộc phải tiêm nhắc lại mũi 2 khi chó từ 3 tháng tuổi trở lên. Sau đó, tái tiêm chủng vắc xin dại cho chó mỗi năm 1 lần.

Theo dõi vật nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, phải nhốt con vật đó để theo dõi và báo cho cán bộ thú y, UBND xã để có biện pháp xử lý kịp thời. Không được vận chuyển hoặc bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại; khi động vật được xác định mắc bệnh dại, chủ nuôi phải chấp hành tiêu hủy con vật, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng nuôi, dụng cụ nuôi, phương tiện vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải và các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

Những con vật nghi mắc bệnh dại phải nhốt để theo dõi trong 10 ngày, tiêm vắc xin dại cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch, vùng dịch. Chủ nuôi có chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi dại cắn, cào người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo, sản phẩm chó, mèo phải chi trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm mẫu bệnh dại theo quy định.

Ngoài ra, ban lãnh đạo các ấp tại xã Bình Nhì tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc số quản lý chó, mèo và phối hợp cơ quan chuyên môn xử lý trường hợp chó, mèo thả rông, nghi mắc bệnh dại. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vắc xin dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp xã Bình Nhì phối hợp cơ quan chuyên môn huyện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phòng, chống dịch bệnh động vật, quản lý chó, mèo nuôi; sử dụng hệ thống báo cáo trực tuyến số liệu dịch bệnh, tổng đàn, tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo.

Bên cạnh đó, nhằm quyết tâm hơn nữa trong việc kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, huyện phấn đấu đạt mục tiêu quản lý 70% số hộ và chó, mèo nuôi giai đoạn 2022 - 2025 và trên 90% giai đoạn 2026 - 2030.

Tiêm phòng vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi giai đoạn 2022 - 2025 và 80% giai đoạn 2026 - 2030. Trên 70% các xã, thị trấn giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 90% giai đoạn 2026 - 2030.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho hộ chăn nuôi chó mèo cần thực hiện nghiêm việc nuôi chó, mèo phải có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không đưa chó, mèo từ vùng có bệnh dại về nuôi. Hạn chế chó, mèo cắn người bằng cách nuôi nhốt, xích hoặc đeo rọ mõm cho chó, mèo khi đưa ra nơi công cộng. Nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan hoặc các biện pháp chế tài khác theo quy định của pháp luật.

Người dân cần tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y hoặc đường dây nóng 02733.888.111 về các trường hợp nghi chó mắc bệnh dại với các biểu hiện như chạy lung tung, hung dữ, tấn công người và động vật khác, để kịp thời xử lý và ngăn chặn bệnh dại từ chó truyền lây sang người.

Ngoài ra, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần phải đến ngay cơ quan y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị dự phòng; tuyệt đối không sử dụng thuốc Đông y hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành Y tế.

QUANG MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202404/tien-giang-chu-dong-phong-chong-benh-dai-1008219/