Tiền bạc đâm toạc lương tâm

Nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống, có độ đạm cao, liệu có bị khai tử như nước tương truyền thống đã bị chết yểu vào thời điểm cách đây tròn 10 năm bởi một kết luận là có chất 3-MCPD gây ung thư?

Mấy hôm nay, truyền thông rộn ràng, tràn ngập thông tin 70% nước mắm có độ đạm cao, chứa thạch tín (asen) vượt ngưỡng. Nào những dòng tít “Rùng mình, hé mở, hoảng hốt”… khiến người tiêu dùng hoang mang cực độ.

Thông tin về nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng là kết quả khảo sát trong thời gian ngắn của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).

Cư dân đang chia sẻ với tốc độ chóng mặt danh sách dài dằng dặc các thương hiệu nước mắm chứa thạch tín cao do Vinastas công bố. Và liệu trên thị trường, nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống có bị khai tử, nhường thị phần cho nước mắm pha chế theo công thức mà người dân vẫn thường gọi là nước mắm công nghiệp?

Tôi còn nhớ vào năm 2007, ngày ấy truyền thông cũng rộ lên nước tương/xì dầu sản xuất theo phương thức truyền thống có độ đạm cao, chứa chất 3-MCPD gây ung thư.

Độ đạm cao thì người tiêu dùng mới chuộng, vì độ đậm đà, vì mùi vị quen thuộc hàng trăm năm chứ chẳng ít. Các nhà sản xuất nước tương truyền thống cũng như các nhà khoa học đều lên tiếng rằng, chất 3-MCPD phát sinh trong quá trình phân hủy- ủ lên men.

Nguyên liệu làm nước tương/xì dầu chính là đậu tương. Đậu tương là loại đậu giàu proteins và chất béo. Vì vậy, việc phân hủy protenin bằng axit HCL và những bước tiếp theo trong quá trình chế biến tương, thúc đẩy tạo ra chất 3-MCPD.

Nhiều người dân đang lo lắng trước thông tin nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng

Ngày ấy, theo truyền thông, tôi khuyên gia đình dùng thứ nước tương công nghiệp cho an toàn, tôi nhớ mẹ tôi nói rằng, ông bà, bố mẹ ăn cả đời mà vẫn sống đến trên 80 tuổi. Nhưng vì, chiều theo con cái, mẹ tôi đành rời bỏ thứ nước tương đã quen thuộc, với mùi vị bùi bùi, thơm nức, chỉ cần nước tương cũng xong bữa cơm.

Và thế là, với kết luận về chất 3-MCPD đã chính thức khai tử nước tương truyền thống, nhường toàn bộ thị phần cho nước tương công nghiệp. Thậm chí nhiều doanh nghiệp “nước tương công nghiệp” còn in hẳn trên bao bì dòng chữ “không có chất 3-MCPD”. Những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… vĩnh viễn bỏ nghề.

Trở lại chuyện nước mắm có thạch tín cao. Nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống cũng giống như nước tương. Bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản cho hay, bản chất nước mắm nguyên chất đã chứa hàm lượng asen (thạch tín) hữu cơ cao do tự phân thủy.

Bà Dung nhấn mạnh rằng asen hữu cơ gần như vô hại, tại Châu Âu còn cho phép hàm lượng asen trong nước chấm lên tới 30mg/L. Asen vô cơ độc hơn asen hữu cơ từ 300-600 lần. Bà Dung cho rằng, trong nước mắm thì nồng đồ kim loại nặng cần quan tâm là chì chứ trong phải là asen.

Tuyệt nhiên, thông tin nước mắm có chứa asen hữu cơ không gây độc hại như asen vô cơ thì lại xuất hiện mờ nhạt trên truyền thông, còn người tiêu dùng thì chỉ biết đến hai chữ “thạch tín”, đâu biết nó chỉ là tên gọi khác của asen. Mà thạch tín thì… gây chết người. Tại sao truyền thông lại dùng hai chữ thạch tín chứ không phải là asen?

Ngay sau khi Vinastas công bố kết quả khảo sát, gây bất lợi cho các thương hiệu nước mắm truyền thống với những thông tin đầy mập mờ, các nhà khoa học đã lên tiếng rằng hàm lượng asen hữu cơ trong nước mắm có độ đạm cao không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Công bố của Vinastas là không bình thường.

Truyền thông truy hỏi “Doanh nghiệp nào đã tài trợ cho Vinastas thực hiện cuộc khảo sát này”. Đại diện Vinastas cũng mập mờ trong câu trả lời, "rằng không thể tiết lộ danh tính cũng như số tiền tài trợ cho việc khảo sát. Với kết quả khảo sát của Vinastas đã hé lộ “cuộc chiến” giành thị phần một cách quyết liệt của những doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp với nước mắm truyền thống.

Ngay sau khi có thông tin nước mắm công nghiệp có chứa nhiều hóa chất, một doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp có thị phần lớn đã có ngay công văn kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất việc thanh tra toàn diện mặt hàng nước mắm, trong đó chú trọng đến việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng (nhất là asen trong nước mắm). Một tuần sau, Vinastas công bố nước mắm truyền thống có độ đạm cao, chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng.

Người tiêu dùng không hoang mang, không lo lắng, không nghi ngờ mới là chuyện lạ. Họ bị rơi vào ma trận của cuộc chiến dành thị phần của các doanh nghiệp, trong đó có sự “tiếp tay” với những thông tin mập mờ theo kiểu “đánh lận con đen”.

Liệu có phải, đồng tiền đã đâm toạc lương tâm con người để “trắng đen” lẫn lộn.

Lê Hiếu

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/tien-bac-dam-toac-luong-tam-c8a459083.html