Tiềm năng phát triển vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong phương án quy hoạch vùng liên huyện, các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên nằm trong vùng kinh tế lòng hồ và lưu vực sông Đà, là vùng có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, công nghiệp khai khoáng, du lịch, nông nghiệp đặc thù và có hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng quan trọng.

Điểm du lịch đảo Trái tim trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai.

Định hướng phát triển chiến lược

Vùng kinh tế lòng hồ và lưu vực sông Đà nằm ở miền ảnh hưởng của 4 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang sông Đà; hành lang quốc lộ 6; hành lang quốc lộ 279D và quốc lộ 4G; hành lang quốc lộ 43. Đây là vùng dân cư đông đúc, giàu khoáng sản và các tài nguyên khác, như rừng, thủy năng, nước ngầm…, thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp đặc thù; du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, cộng đồng; công nghiệp khai khoáng, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Theo quy hoạch tỉnh, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình tổ chức không gian phát triển “bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển”, trong đó, các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên thuộc vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà. Giai đoạn 2026-2030, vùng có 4 đô thị huyện lỵ, trong đó: Đô thị Ít Ong, huyện Mường La và thị trấn Phù Yên (mở rộng), huyện Phù Yên là đô thị loại IV; thị trấn Quỳnh Nhai (mở rộng), huyện Quỳnh Nhai và thị trấn Bắc Yên (mở rộng), huyện Bắc Yên là đô thị loại V. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Phù Yên còn có đô thị Gia Phù là đô thị loại IV. Đến năm 2050, cùng với việc nâng cấp các thị trấn, đô thị từ loại V lên loại IV, và từ loại IV lên đô thị loại III thì vùng có thêm đô thị Ngọc Chiến, đô thị Mường Bú, huyện Mường La và đô thị Mường Cơi, huyện Phù Yên.

Một góc thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên.

Về phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN), giai đoạn 2021-2030, vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà tiếp tục duy trì và phát triển CCN Gia Phù; phát triển thêm các CCN Mường Giàng, CCN Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai; CCN Huy Tân, CCN Tân Lang, huyện Phù Yên; CCN Phiêng Ban, huyện Bắc Yên; CCN Mường La, huyện Mường La. Giai đoạn 2031-2050, duy trì, khai thác hiệu quả diện tích đất đã giao cho chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất, quản lý. Thành lập mới CCN Mường Chùm, huyện Mường La; CCN Song Pe, huyện Bắc Yên.

Ông Bùi Mạnh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp giầy Phù Yên 2, thông tin: Xí nghiệp hiện có 3 cơ sở sản xuất đặt tại xã Huy Hạ, Quang Huy và Mường Cơi, trên 150 tổ sản xuất, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Theo kế hoạch, năm 2024, Xí nghiệp sản xuất 1 triệu đôi giầy thành phẩm, 2 triệu mũ giầy. Chúng tôi mong muốn huyện Phù Yên và các huyện rà soát lại các quy hoạch, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng khu công nghiệp, CCN, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.

Ca sản xuất tại Xí nghiệp giầy Ngọc Hà, huyện Phù Yên.

Quy hoạch cũng xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, đến năm 2030, vùng chiếm 1/3 lượng khách du lịch đến Sơn La và đến 2050 đạt 45-50%. Cụ thể, huyện Quỳnh Nhai và Mường La xây dựng khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La là khu du lịch cấp tỉnh; huyện Bắc Yên phát triển khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận là khu du lịch cấp tỉnh; huyện Mường La phát triển khu du lịch Ngọc Chiến là khu du lịch cấp tỉnh.

Nông nghiệp sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng phát triển các nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa và Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gồm: Vùng xoài Mường La và vùng cây ăn quả có múi Phù Yên; vùng nguyên liệu phục vụ chế biến; vùng chăn nuôi.

Xác định trụ cột phát triển từng huyện

Huyện Mường La cách thành phố Sơn La 40 km, được xác định là một cực của tam giác phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh (thành phố Sơn La - Mai Sơn - Mường La). Huyện có quốc lộ 279D, là một trong những huyết mạch của tỉnh Sơn La nối với tỉnh Lai Châu.

Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, chia sẻ: Theo quy hoạch tỉnh, huyện Mường La là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học, đầu nguồn sông Đà và là trung tâm thủy điện của tỉnh, cung cấp phần lớn điện năng hòa lưới điện quốc gia và phục vụ nhu cầu nội tỉnh; là vùng nông, lâm, ngư nghiệp công nghệ cao và du lịch tổng hợp của tỉnh cũng như của vùng lòng hồ dọc sông Đà. Đồng thời, là khu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế ổn định đời sống cư dân vùng cao, tái định cư thủy điện. Theo đó, huyện tập trung phát triển với 3 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp năng lượng; nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với chế biến và du lịch.

Nghệ nhân hát then, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Còn huyện Phù Yên có cánh đồng Mường Tấc, là 1 trong 4 cánh đồng màu mỡ nhất của Tây Bắc. Theo quy hoạch, đây là khu bảo tồn đa dạng sinh học; là cửa ngõ, trung tâm kinh tế phía Đông Bắc của tỉnh gắn với dịch vụ thương mại, giao thương kết nối liên tỉnh, liên vùng. Phát triển huyện với 2 trụ cột chính: Công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến nông sản; dịch vụ gắn liền với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch.

Với trên 10.520 ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, trong quy hoạch tỉnh, huyện Quỳnh Nhai là trung tâm du lịch, thủy sản chất lượng cao, khu vực nông - lâm nghiệp của tỉnh; là khu vực bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế ổn định đời sống dân cư vùng cao, tái định cư thủy điện; phát triển du lịch và thủy sản chất lượng cao. Trong đó, kỳ vọng trở thành Khu du lịch quốc gia có quy mô lớn; phát triển với các mũi nhọn: Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao gắn với trồng cây dược liệu, mắc ca, cây ăn quả...

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Huyện đang rà soát, cập nhật các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của huyện được tích hợp trong quy hoạch tỉnh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của huyện. Tiếp tục triển khai lập đồ án quy hoạch chung nông thôn, quy hoạch chi tiết điểm dân cư 10 xã trên địa bàn huyện; lập đồ án quy hoạch chung thị trấn.

Đối với huyện vùng cao Bắc Yên, là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học, đầu nguồn sông Đà. Huyện có vai trò kết nối, bổ trợ cho vùng trong phát triển kinh tế, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy văn hóa; đồng thời, là một trong những vệ tinh của khu du lịch quốc gia Mộc Châu, khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; phát triển gắn với những thành tựu trong nông nghiệp sạch, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá...

Đảm bảo quy hoạch đồng bộ, thống nhất

Tạo sự đồng thuận của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong triển khai, thực hiện quy hoạch, các huyện đã tổ chức công bố thông tin Quy hoạch tỉnh Sơn La trên trang thông tin điện tử của cơ quan; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức công bố quy hoạch đến các tổ, bản, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Tổ chức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thêm: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đang phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đồng thời, thực hiện rà soát các quy hoạch về đất đai, xây dựng, đô thị và nông thôn trên địa bàn đảm bảo thống nhất với quy hoạch của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi việc triển khai các nhiệm vụ, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với các nội dung được quy hoạch mới giai đoạn 2021-2030.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của huyện Bắc Yên.

Các huyện trong vùng sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo đột phá, các dự án tạo động lực lan tỏa, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, vùng khó khăn của tỉnh..., góp phần đưa tỉnh Sơn La trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/tiem-nang-phat-trien-vung-long-ho-va-luu-vuc-song-da-o6QSulASg.html