Tiềm năng cổ phiếu ngành đá xây dựng khi 'ăn theo' các dự án lớn phía nam

Nhu cầu về đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trong giai đoạn 2023-2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3 (+38% giai đoạn 2016-2021), vì thế, ngành đá xây dựng được kỳ vọng tăng trưởng từ cung cấp đá cho các dự án lớn.

Một mỏ đá trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Kỳ Phương

Cung cấp đá cho sân bay Long Thành, Vành Đai 3

Thống kê từ SSI cho thấy, hầu hết các mỏ đá xây dựng được phân bố trên khắp cả nước. Chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng. Do đó, hầu hết các nhà thầu xây dựng sẽ chọn mỏ đá gần dự án.

Mỏ đá xây dựng Tân Cang là nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, Vành đai 3 và các dự án khác khu vực miền Đông Nam Bộ. Có 9 mỏ đá ở khu vực Tân Cang, bao gồm mỏ của các công ty niêm yết như Công ty Cổ phần Vật liệu và xây dựng Bình Dương (mã ck: KSB), Công ty Cổ phần Đá Hóa An (mã ck: DHA) và Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã ck: VLB).

Đối với KSB, nhu cầu tại các mỏ đá của Tân Cang sẽ tăng 28% so với cùng kỳ nhờ cung cấp cho dự án Sân bay Long Thành, các dự án cơ sở hạ tầng tại Đồng Nai và đường Vành đai 3.

Song song đó, nhu cầu tiêu thụ đá tại mỏ Phước Vĩnh dự kiến tăng hơn 18% YoY trong năm 2023, nhờ vào các công trình hạ tầng kết nối Bình Dương và Bình Phước và các công trình đầu tư công tại Bình Dương.

Tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng khởi công vào tháng 11/2021 và triển khai chủ yếu trong năm 2023 sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ đá tại mỏ Phước Vỉ dự kiến tăng 18% trong năm 2023, với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,5 triệu m2.

Bên cạnh đó, 2 mỏ Tân Lập và Thiện Tân dự kiến sản lượng phục hồi từ mức thấp trong năm 2022, dự kiến sản lượng tăng trung bình 15% YoY.

Một yếu tố khác là KSB sở hữu 41% VLB - đơn vị sở hữu các mỏ đá lớn nhất miền Đông Nam Bộ. Việc mua chi phối tại VLB giúp KSB duy trì tăng trưởng trong tương lai khi VLB sở hữu 2 mỏ đá lớn nhất tại khu vực Tân Cang và Thạnh Phú để cung cấp chính cho dự án sân bay Long Thành.

KSB có thể cho thuê 10-12 ha với giá thuê đạt 125 USD/m2/chu kỳ thuê. Doanh thu từ hoạt động khu công nghiệp dự kiến đạt 353 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 151 tỷ đồng trong năm 2024.

Ngoài ra, Khu công nghiệp Đất Cuốc mở rộng dự kiến đem lại nguồn thu tích cực từ năm 2024. Khu công nghiệp Đất Cuốc mở rộng với diện tích 135 ha với tổng mức đầu tư 798 tỷ đồng. Khu công nghiệp hiện đang đền bù giả phóng mặt bằng 40 ha (chiếm 29% tổng diện tích).

Khối lượng thi công các công trình đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2023-2025. Ảnh SSI

“Nội soi “ưu – nhược của VLB và DHA

Các chuyên gia từ SSI cho rằng, VLB sở hữu các mỏ đá lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, nguồn cung cấp cho các dự án hạ tầng trong khu vực. Mỏ đá Tân Cang 1 sẽ là nguồn cung cấp chính cho các dự án Sân bay Long Thành, dự án Vành Đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án hạ tầng khu vực Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh với nhiều ưu điểm.

Trong đó, vị trí mỏ đá Tân Cang 1 gần QL51 - thuận tiện vận chuyển đến các công trình trong khu vực. Mỏ đá Thạnh Phú cũng có sẵn hệ thống bến thủy nội địa để vận chuyển đá sang khu vực miền Tây Nam Bộ.

Chất lượng cụm mỏ đá Tân Cang được đánh giá có độ cứng cao cung cấp chủ yếu cho các dự án cầu, đường. Do đó, sản lượng khai thác tại các mỏ Tân Cang 1 và Thạnh Phú, Thiện Tân 2 sẽ tăng trưởng 12% trong năm 2023 và 20% trong năm 2024.

VLB đã thực hiện đóng 270.4 tỷ đồng chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản cho giai đoạn 2014 - 2021 vào năm 2022, hoàn thành 80% tổng số tiền phải nộp cho 5 mỏ đá đến hết thời gian khai thác.

Đồng thời, các mỏ Tân Cang 1, Thạnh Phú 1 và Thiện Tân 2 đã đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ, bốc đất tầng phủ phần lớn trên diện tích khai thác. Do đó, biên lợi nhuận của hoạt động khai thác đá có thể đạt mức 32% trong 2023 và 36% trong năm 2024.

Trong năm 2023, VLB đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng, so với mức lỗ 23 tỷ của năm 2022. Kế hoạch khả thi nhờ sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng và không còn khoản truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

VLB cũng không có khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn, khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng rất nhỏ 7% tổng tài sản ngắn hạn, cho thấy phần lớn hàng bán được thu tiền trực tiếp và công nợ nhỏ. Dòng tiền từ hạt động sản xuất kinh doanh dương (trừ 2022 do thực hiện hồi tố chi phí cấp quyền khai thác khoán sản).

Tuy nhiên, VLB cũng có nhiều rủi ro như: Khoản phải thu tăng mạnh từ việc bán đá vào các công trình công; hiệu quả hoạt động máy móc thiết bị giảm khi khai thác hơn 10 năm; chất lượng đá của VLB không đồng đều khi diện tích khai thác lớn và việc chậm trễ trong thi công các công trình và sụt giảm thị trường bất động sản ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ đá của công ty.

Còn DHA, kỳ vọng tăng trưởng tích cực từ các công trình hạ tầng khu vực Nam Bộ. Các mỏ đá của DHA hoạt động khá hiệu quả, trong đó: Mỏ đá Núi Gió có chất lượng đá tốt tập trung cung cấp chủ yếu cho khu vực Bình Phước - đây là khu vực có nhiều công trình hạ tầng kết nối Bình Dương và dự án KCN Becamex – Bình Phước, Khu công nghiệp Minh Hưng 3...

Doanh thu tại mỏ đá Núi Gió dự kiến đạt 64 tỷ đồng trong năm 2023 và 76 tỷ đồng năm 2024 (chiếm 17% tổng doanh thu) với công suất khai thác đạt mức tối đa 300.000 m3/ngày đêm. Lợi nhuận trước thuế biên đạt mức 26%; Mỏ đá Thạnh Phú 2 cung cấp chủ yếu cho khu vực miền Tây.

Doanh thu tại mỏ Thạnh Phú 2 dự kiến đạt 200 tỷ đồng năm 2023 và 230 tỷ đồng trong năm 2024. Biên lợi nhuận trước thuế đạt mức 17%. Mỏ đá Tân Cang 3 cung cấp chủ yếu cho dự án hạ tầng khu vực ĐồngNai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh như sân bay Long Thành, Vành Đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, công suất khai thác 488.000 m3/năm.

Doanh thu dự báo mỏ đá Thạnh Phú đạt 150 tỷ đồng trong năm 2023 và 184.8 tỷ đồng năm 2024 (chiếm 35% tổng doanh thu). Lợi nhuận trước thuế biên đạt mức 25%.

DHA không có khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn, khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng rất nhỏ 11% tổng tài sản ngắn hạn, cho thấy phần lớn hàng bán được thu tiền trực tiếp và công nợ nhỏ.

“Điểm trừ của DHA như: Khoản phải thu tăng mạnh từ việc bán đá vào các công trình công; diện tích bãi chứa vật liệu sau khai thác nhỏ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động khi có những đơn hàng quy mô lớn; chậm trễ trong thi công các công trình và sụt giảm thị trường bất động sản ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ đá của công ty”, các chuyên gia từ SSI nhận định.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tiem-nang-co-phieu-nganh-da-xay-dung-khi-an-theo-cac-du-an-lon-phia-nam-135800.html