Tiêm kích tàng hình Trung Quốc liệu có đủ sức thách thức Mỹ?

Liệu máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 'rất riêng' của Trung Quốc, có thể đưa ra bất kỳ thách thức nào, đối với các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ?

Nếu máy bay chiến đấu tàng hình J-20 được coi là câu trả lời đầu tiên của Trung Quốc trước máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ; thì Trung Quốc tiếp tục phát triển mẫu máy bay tàng hình nhỏ hơn là FC-31 (hoặc J-31). Câu hỏi đặt ra là liệu J-20 và FC-31 có thể đấu “sòng phẳng” với F-35 và F-22 Raptor không?

Chiến đấu cơ F-35 có khả năng tàng hình, tốc độ bay siêu thanh không cần bật đốt sau, được sử dụng cả trong Không quân (biến thể F-35A, cất và hạ cánh thông thường - CTOL), Hải quân (biến thể trên tàu sân bay F-35C - CV) và Thủy quân lục chiến Mỹ (cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).

F-35 được sản xuất bởi Lockheed Martin, chiều dài của máy bay là 15,7m với sải cánh 13,1m; tốc độ tối đa Mach 1,8 và có thể mang theo tải trọng 8.160 kg.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với các cáo buộc về sao chép thiết kế, ăn cắp các hệ thống vũ khí, từ các đối thủ của mình như Nga và Mỹ. Không thể phủ nhận, trình độ sao chép ngược của Trung Quốc quá “hoàn hảo”.

Ví dụ, thiết kế của máy bay F-35 của Lockheed Martin, đã bị một công dân Trung Quốc là Su Bin, được phía Mỹ kết tội là tình báo gián điệp. Tờ Popular Mechanics đưa tin, Su Bin cũng bị kết tội ăn cắp thiết kế của máy bay F-22 Raptor của Mỹ và bị kết án 46 tháng tù.

Ngoài máy bay tàng hình J-20, đã được Trung Quốc đưa vào biên chế năm 2017 (mặc dù chưa hoàn thiện động cơ); loại chiến đấu cơ tàng hình mới nhất mà Trung Quốc đang phát triển là FC-31 (ban đầu được gọi là J-31), có tầm hoạt động và tải trọng lớn hơn so với F-35.

Các chuyên gia Mỹ đã đánh giá, so sánh giữa J-20 và FC-31 và đi đến kết luận: Hai chiến đấu cơ tàng hình trên của Trung Quốc, là sự “phản chiếu không thể chối cãi” F-22 và F-35 của Mỹ; đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ, có các hành động nghiêm khắc chống lại Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin đã từng tuyên bố vào năm 2015, “Chúng tôi biết J-20 sao chép khá nhiều F-22; và tương tự J-31 của Trung Quốc, là bản sao chép F-35. Chúng tôi biết điều này, nhưng tại sao Mỹ không có những hành động cứng rắn chống lại họ?”.

FC-31 được sản xuất bởi công ty Shenyang Aircraft Corporation, một thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc. FC-31 được Trung Quốc quảng cáo là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, đa chức năng. Tuy nhiên chưa tổ chức quốc tế độc lập nào, công nhận tính năng tàng hình của J-31.

FC-31 sử dụng hai động cơ của Nga; toàn bộ máy bay dài 16,9 m, sải cánh 11,5m; tốc độ tối đa là 2.200 km / h, với trần bay khoảng 20.000m.

Theo Tạp chí The National Interest, khả năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt máy bay đối phương được coi là khả năng quan trọng của máy bay chiến đấu tàng hình. Có sự khác biệt đáng kể giữa FC-31 và F-35 về khả năng tàng hình, cảm biến và tầm hoạt động hiệu quả của máy bay.

Theo các chuyên gia quân sự cho biết, loại máy bay nào có thể phát hiện, khóa và tiêu diệt máy bay kia đối phương trước bằng cảm biến tầm xa, độ trung thực cao và vũ khí dẫn đường xa hơn, chính xác hơn, thì có thể sẽ chiếm ưu thế.

Các chuyên gia tin rằng, F-35 rất có ưu thế các chức năng này, đó là phát hiện, theo dõi và vô hiệu hóa máy bay đối phương ở tầm xa hơn. Các ý kiến khác nhau về việc, liệu FC-31 có thể ngang bằng về khả năng che dấu tín hiệu radar với F-35 của Mỹ và khả năng khóa được mục tiêu trước hay không, thì vẫn còn là dấu hỏi.

Việc FC-31 không có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng như F-35B của Mỹ, có thể là trở ngại lớn đối với thành công của máy bay chiến đấu Trung Quốc, đặc biệt là trong một cuộc cuộc xung đột với Đài Loan, khi Đài Loan vẫn nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.

Việc thiếu khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng của FC-31, sẽ hạn chế việc sử dụng loại máy bay này tham chiến. Tuy nhiên, sự phát triển của máy bay chiến đấu tàng hình như FC-31, chắc chắn đảm bảo cho Trung Quốc, một sức mạnh lớn hơn ở cấp khu vực và toàn cầu.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời một phi công thử nghiệm của Không quân PLA cho biết, thiết kế khí động học tàng hình, động cơ và lớp phủ của FC-31 ngang ngửa với các đối thủ phương Tây.

Báo chí Trung Quốc cũng đề cập đến những cáo buộc về thiết kế tương tự của máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc và Mỹ. Có thông tin cho rằng hai máy bay FC-31 và F-35 có cùng thiết kế cửa hút gió kiểu DSI (cửa hút gió siêu thanh biến tần). Điểm khác biệt lớn nhất là F-35 sử dụng một động cơ, còn FC-31 là hai động cơ.

Phi công Xu Yongling nói thêm rằng, máy bay FC-31 có khả năng tàng hình phù hợp và tải trọng đáng kể, có thể mang lại cho Không quân Trung Quốc một lợi thế đáng kể so với F-35 của Mỹ. Nguồn ảnh: Foxn.

Cận cảnh sức mạnh của máy bay chiến đấu J-20 trong biên chế Không quân Trung Quốc. Nguồn: CCTV.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tiem-kich-tang-hinh-trung-quoc-lieu-co-du-suc-thach-thuc-my-1563164.html