Tiêm chủng mở rộng năm 2024: Đảm bảo nguồn vắc-xin

Trong đợt tiêm đầu năm 2024, các vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và bà mẹ mang thai đã được phân bổ về cơ sở. Nhiều phụ huynh vùng nông thôn vui mừng vì không phải tốn kém, vất vả lên thành phố tiêm dịch vụ các mũi còn thiếu trong năm 2023.

Kiểm tra nhiệt độ bảo quản vắc-xin ở Trạm y tế xã Phong Bình, huyện Phong Điền

Vơi nỗi lo

Từ sớm, nhiều bậc ông bà, cha mẹ mang con cháu đến các trạm y tế ở huyện Quảng Điền chờ đến lượt tiêm và uống vắc-xin. Bà Hồ Thị Lài ở xã Quảng Vinh bồng theo cháu nội nhờ người chở về trạm để tiêm vắc-xin. Vừa ngồi chờ đến lượt, bà vừa dỗ dành cháu. Bà Lài nói: “Ba nó làm nghề lưới, mẹ làm công nhân. Nghe có vắc-xin về, tui đưa cháu đi sớm chơ tối qua mẹ cháu thức tới khuya, mệt quá dậy không nổi. Tiêm theo chương trình của Nhà nước miễn phí hoàn toàn, chớ tui ở quê đi tiêm ngoài khó lắm”.

Tại Trạm Y tế xã Quảng Thái, có người còn mang theo cả đồ ăn, thức uống. Một bà mẹ trẻ ở xã Quảng Thái tranh thủ đút cháo cho con trong khi chồng đi nộp sổ tiêm kể: “Con em thiếu mũi DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván), thấy tin nhắn báo về điện thoại là vợ chồng em dậy sớm chuẩn bị, nấu đồ ăn mang theo. Cháu còn ngủ vợ chồng em cũng chở đi, ra tới trạm thì đánh thức, vệ sinh cho ăn no, nghỉ ngơi rồi mới vô tiêm theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tranh thủ tiêm cho cháu xong để còn về lo việc chơ tết nhất đến gần rồi”.

Trong phòng chờ theo dõi sau tiêm, các bà mẹ đều hỏi han và chia sẻ nỗi lo về thiếu vắc-xin. Chị Hoàng Thị Hạnh, mẹ cháu Vương Đình Khải tỏ vẻ vui mừng: “Thiếu thuốc, con em tiêm mũi 5 trong 1 bị trễ. Tháng trước em định lên thành phố tiêm dịch vụ nhưng cháu lại sốt. May mắn tháng nay, vắc-xin đã có, đỡ tốn tiền, đỡ vất vả đi lại”. Ngồi cạnh, chị Phan Thị Phượng tiếc rẻ: “Em sợ con đau nên mượn nội ngoại thuê xe cho cháu đi tiêm dịch vụ mũi 6 trong 1. Tiền thuốc và tiền xe tổng cộng ba mũi hết 4 triệu đồng. Giờ vẫn mắc nợ, nhưng nghĩ tới sức khỏe của con nên phải chấp nhận. Nay các loại vắc-xin khác đã về trạm, nhà nông như tụi em vơi bớt nỗi lo”.

Bà Phạm Thị Nhãn, Phó trạm phụ trách Trạm Y tế Quảng Thái cho hay: “Theo phân bổ, trạm tiêm 60 mũi vắc-xin các loại. Sau khi nhận thông tin từ trên, chúng tôi đã thông báo cho các cộng tác viên mời các gia đình có trẻ trong độ tuổi. Phần lớn người dân làm nghề nông, không có điều kiện tiêm dịch vụ, phải chờ đợi nên tâm lý các mẹ hiện rất vui mừng. Năm ngoái thiếu vắc-xin, một số người phàn nàn, trạm phải giải thích là tình hình chung của cả nước, mong các mẹ thông cảm. Đợt này, theo hướng dẫn, mũi 5 trong 1 sẽ ưu tiên tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi; ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước; tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin DPT - VGB - Hib gồm cả trẻ trên 12 tháng”.

Toàn huyện Quảng Điền được phân bổ hơn 300 liều vắc-xin DPT - VGB - Hib. Do tình trạng thiếu vắc-xin diễn ra từ giữa năm 2023 nên nguồn cung ứng đợt này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu toàn bộ. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế huyện đã quán triệt các trạm y tế thông báo trên các phương tiện và kênh truyền thông về thời gian, đối tượng được ưu tiên tiêm trong đợt này, đặc biệt là vắc-xin 5 trong 1, tránh tình trạng các bậc cha mẹ đưa trẻ đến nhưng không được tiêm chủng.

Tiêm cho trẻ ở Trạm y tế xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền

Vắc-xin thời gian tới sẽ được cung ứng đầy đủ

Việc triển khai tiêm chủng đợt đầu năm 2024 diễn ra cho đến ngày 25/1. Hiện, các trạm y tế đều có mái che khuôn viên rộng rãi, thuận tiện cho việc di chuyển, chờ đợi. Khu vực tiếp đón, khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm có phân tách rõ ràng. Theo BS Phan Xuân Hải, Trưởng trạm Y tế Phong Bình (Phong Điền): "Trạm được cung ứng 115 liều vắc-xin các loại. Tránh tình trạng tập trung quá đông sau thời gian thiếu vắc-xin, trạm chia thành hai buổi tiêm trong ngày. Buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ để thuận tiện cho việc đồng áng. Trước khi diễn ra tiêm chủng, chúng tôi họp bàn phân công nhiệm vụ rõ ràng, chú ý khâu khám sàng lọc và theo dõi biến chứng sau tiêm”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cũng tổ chức đoàn giám sát hỗ trợ hoạt động tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở 9 huyện, thị xã, thành phố trong đợt tiêm này. Trong các nội dung, chú trọng khâu quản lý, giám sát sau tiêm kỹ; đặc biệt là khâu bảo quản vắc-xin 5 trong 1 do đợt này tiêm cho nhiều đối tượng hơn. Ngoài trạm y tế có tủ lạnh chuyên dụng, các trạm nhận vắc-xin về trong ngày cần lưu tâm nhiệt độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

ThS. BSCK II Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh thông tin: “Vắc-xin đợt này được cung ứng đầy đủ phục vụ cho chương trình TCMR. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin 5 trong 1 toàn tỉnh theo thống kê cuối năm 2023 đạt 82% mũi đầy đủ. Ngoài chương trình TCMR còn có sự bổ sung của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ các mũi còn thiếu. Theo chủ trương của Bộ Y tế và Chương trình TCMR quốc gia, tình trạng vắc-xin thiếu hụt như năm qua sẽ được khắc phục”.

Thiếu vắc-xin tiêm chủng không chỉ là nỗi lo của nhiều gia đình mà còn của ngành y tế. Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải trì hoãn tiêm vắc-xin miễn phí tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh. Mới đây, 10 loại vắc-xin sản xuất trong nước được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đặt mua để phục vụ TCMR sẽ phân bổ về các địa phương. Lượng vắc-xin này đủ để tiêm bù mũi cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023 và trẻ có lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024.

Bài, ảnh: L. GIANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/tin-tuc-y-te/tiem-chung-mo-rong-nam-2024-dam-bao-nguon-vac-xin-137321.html