Tiêm chủng cho trẻ em: Nhiệm vụ cấp bách của thế giới

'Mặc dù vaccine có thể không ngăn trẻ bị nhiễm bệnh, nhưng chúng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các biến chứng và ngăn ngừa việc nhập viện, thậm chí tử vong' - rất nhiều quốc gia đã nhận diện rất rõ vai trò của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với trẻ nhỏ.

Trong bối cảnh biến chủng Omicron lan rộng trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi để ngăn ngừa virus lây lan.

Từ bước đi tiên phong thành công của Cuba

Cách đây hơn nửa năm, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia còn đang rất hoài nghi, e ngại, ngày 6/9/2021, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự phát triển cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên - vaccine Soberana 02.

Phát biểu với báo giới, ông Yury Valdez Balbín - Giám đốc Viện Vaccine Carlos Finlay (IFV), đơn vị phát triển 2 loại vaccine chống COVID-19 của Cuba đã được cấp phép sử dụng là Soberana 02 và Abdala, cho biết: “Kể từ khi bắt đầu dự án Soberana, chúng tôi đã nghĩ tới khả năng áp dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên, vì đây là loại vaccine an toàn và được tạo ra trên nền tảng các vaccine dành cho trẻ em”.

Và cho tới nay, thực tế số ca nhiễm COVID-19 tại Cuba cho thấy chiến lược tiêm chủng cho trẻ em đã bước đầu giúp quốc gia này ứng phó tốt hơn với đại dịch. Mới đây, ngày 21/2, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel dẫn thông tin từ Viện vaccine Finlay của Cuba cho biết Cuba là nước duy nhất trên thế giới có khả năng đối mặt với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 với toàn bộ trẻ em đã được chủng ngừa đầy đủ.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng do viện Menĩque thực hiện với vaccine Abdala gần đây đã xác nhận rằng chế phẩm này tạo ra hiệu giá kháng thể IgG chống RBD cao và có hoạt tính trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra COVID-19. Các thử nghiệm chứng minh hiệu giá kháng thể ở trẻ em từ 3-11 tuổi gia tăng 99,15%, trong khi ở nhóm 12-18 tuổi, tỷ lệ này đạt 92,28%.

Thế giới cấp tập triển khai

Nối tiếp ngay sau Cuba, Nicaragua ngày 25/10/2021 cũng đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi bằng vaccine do Cuba bào chế. Từ ngày 18/10/2021, Ecuador cũng đã chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, sử dụng 2 loại vaccine của Pfizer và Sinovac.

Chile cũng đã tiến hành chương trình tiêm cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi bằng vaccine của Sinovac. Từ giữa tháng 12/2021, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, đơn cử như Anh, Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Hungary…

Tại Anh, Chính phủ nước này từ ngày 22/12 đã thông báo triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm Anh cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi này.

Theo đó, trẻ em sẽ được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, với liều lượng mỗi liều là 10mg, tương đương 1/3 liều của người lớn. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8 tuần. Tại Tây Ban Nha, ngày 7/12/2021, Ủy ban Y tế Công cộng Tây Ban Nha đã phê duyệt vaccine Pfizer để tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Và cho tới nay, cũng như Cuba, Tây Ban Nha được xem là hình mẫu tiêm chủng thành công cho trẻ nhóm tuổi này.

Tại nước này, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi sẽ được tiêm hai mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 8 tuần. Trẻ đã nhiễm virus sẽ được tiêm một mũi duy nhất ít nhất 4 tuần sau khi phát hiện mắc bệnh hoặc khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Tính đến nay, quốc gia này đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 56,3% nhóm tuổi này và đang triển khai tiêm mũi thứ 2.

Tại châu Á, Philippines ngày 23/12/2021 đã tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) với liều lượng thấp hơn liều lượng tiêu chuẩn tiêm cho người lớn và thanh thiếu niên. Chính phủ Indonesia từ ngày 14/12/2021 đã khởi động chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi.

Cũng thời điểm đó, Singapore đã bắt đầu tiêm chủng đối với các học sinh từ lớp 3 đến lớp 5, các học sinh nhỏ tuổi hơn sẽ được tiêm vào đầu năm 2022, trẻ em từ 5 - 11 tuổi sẽ được tiêm với liều lượng tương đương 1/3 liều dành cho trẻ từ 12 - 18 tuổi, với chu trình đầy đủ gồm 2 mũi cách nhau 21 ngày. Mới đây, từ ngày 21/2 - 4/3, Lào triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Nhật Bản - một quốc gia luôn tỏ ra thận trọng, kỹ lưỡng trong mọi chiến dịch tiêm chủng - cũng đã quyết định triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi sớm nhất là tháng 2, muộn nhất là tháng 5/2022. Chính phủ Nhật Bản sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở độ tuổi này, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi.

Biến thể Omicron đang đặt ra mối đe dọa đặc biệt cho trẻ em dưới 5 tuổi, một trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 - khẳng định mới nhất từ các chuyên gia y tế Malaysia càng khiến công tác triển khai tiêm chủng cho nhóm tuổi này càng trở nên cấp bách tại nhiều quốc gia. Còn trong bối cảnh “chờ được tiêm”, các chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giãn cách xã hội.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiem-chung-cho-tre-em-nhiem-vu-cap-bach-cua-the-gioi-post182831.html