Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động

Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh có nhiều nỗ lực ngăn ngừa xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Đồng Nai vẫn xảy ra một số vụ TNLĐ, trong đó có các ca tử vong. Qua đó cho thấy, nguy cơ TNLĐ vẫn còn hiện hữu.

Công nhân thi công hàn, cắt kim loại tại một công ty trong Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) không trang bị đồ bảo hộ (nón, kiếng) khi làm việc, dễ xảy ra tai nạn lao động. Ảnh: Đ.Tùng

Theo cơ quan chức năng của tỉnh, chỉ tính trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 41 người chết, 15 người bị thương (so với năm 2019 tăng 8 vụ, tăng 17 người chết, tăng 14 người bị thương). Đáng nói, dù số vụ tai nạn liên tục tăng nhưng sự chủ quan trong quá trình lao động vẫn còn tồn tại, đặc biệt là tại các công trình xây dựng riêng lẻ, thi công trên cao…

* Chủ quan trong phòng ngừa TNLĐ

Gần nhất vào sáng 7-5, một công nhân đang thi công biển quảng cáo ở xã An Viễn (H.Trảng Bom) thì va chạm với đường điện hạ thế nên bị điện giật tử vong. Trước đó, rạng sáng 16-4, trong quá trình làm việc ca 3, anh P.N.E., công nhân một công ty chuyên sản xuất sợi lốp bánh xe và động cơ mô tô nằm trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch) đã bị cuốn vào máy làm sợi lốp ô tô và tử vong.

Thống kê từ Sở LĐ-TBXH cho thấy, chỉ riêng năm 2020, các yếu tố gây chấn thương trong lao động chủ yếu là: té từ trên cao (chiếm 26,92% số vụ và 45,71% số người chết), điện giật (26,92% số vụ và 20% số người chết), vật nặng đè (19,23% số vụ và 15% số người chết)… Đặc biệt, tai nạn nhiều nhất xảy ra trong lĩnh vực xây dựng (34,38% số vụ và 48,79% số người chết) và cơ khí (21,88% số vụ
và 17,1% số người chết).

Thực tế, dù các vụ tai nạn trong lĩnh vực xây dựng và cơ khí liên tục xảy ra nhưng nhiều người (cả người lao động và người sử dụng lao động) vẫn chủ quan trong quá trình lao động. Cụ thể như hiện nay, tại một số công trình xây dựng ở TP.Biên Hòa vẫn để thợ xây làm việc trên những giàn giáo dựng trên các thanh xà ngang (không chạm đất), không đảm bảo an toàn; cho công nhân hàn, cắt ngoài đường, dễ va quẹt với các phương tiện đi đường... Tình trạng nhiều người dựng thang (nhưng không có người giữ) để treo bảng quảng cáo, cờ, nối cáp viễn thông… trên các trụ điện, viễn thông thường xuyên diễn ra.

Ông C.V.K. (người lao động tự do, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, ông thường cùng các tốp thợ tham gia xây nhà riêng lẻ, lắp ráp các công trình trên cao (bảng hiệu, máng xối), hầu như chỉ quan sát người khác làm và học làm theo. Do đó, các quy tắc về an toàn lao động với mỗi loại hình, ông đều không nắm rõ.

Không chỉ tại đô thị mà ngay tại các vùng nông thôn, nguy cơ TNLĐ còn xuất hiện trong công việc hái tiêu thuê trên các thang cao 7-8m, đào giếng… Điểm chung của những người làm các công việc này là hầu như chỉ làm bằng kinh nghiêm, không trang bị đồ bảo hộ và còn chủ quan trong việc phòng ngừa TNLĐ.

* Tăng trách nhiệm người sử dụng lao động

Theo cơ quan chức năng của tỉnh, trong năm 2020, nguyên nhân xảy ra TNLĐ do người sử dụng lao động chiếm 81,24% tổng số vụ, 85,36% tổng số người chết. Trong đó chủ yếu là các nguyên nhân người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; người sử dụng lao động vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chưa đầy đủ cho người lao động…

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, người sử dụng lao động, nhất là việc trang bị và kiểm tra quá trình sử dụng trang bị bảo hộ khi làm việc. Đặc biệt lưu ý cần phải trang bị đồ bảo hộ lao động đúng chuẩn, đủ số lượng cho người tham gia lao động; không sử dụng các lao động không qua tập huấn về quy tắc an toàn.

Để hạn chế xảy ra TNLĐ, trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở trong các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, cơ khí và làm việc trong không gian hạn chế. Qua đó, phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi vi phạm an toàn, vệ sinh lao động và các doanh nghiệp không thống kê, báo cáo định kỳ về TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định…

Theo Sở LĐ-TBXH, số vụ TNLĐ gây chết người trong năm 2020 chủ yếu tập trung tại địa phương có nhiều khu công nghiệp, công trình đang thi công, hoạt động như: TP.Biên Hòa (12 vụ, chết 12 người, so với năm 2019 tăng 1 vụ, 1 người chết), TP.Long Khánh (2 vụ, 2 người chết, so với năm 2019 tăng 1 vụ, 1 người chết), H.Nhơn Trạch (8 vụ, 8 người chết, so với năm 2019 tăng 4 vụ, 4 người chết, 1 người bị thương), H.Trảng Bom (7 vụ, 16 người chết, 14 người bị thương, so với năm 2019 tăng 4 vụ, 13 người chết, 14 người bị thương).

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202105/tiem-an-nguy-co-xay-ra-tai-nan-lao-dong-3056316/