Tích cực khởi động lại nền kinh tế

Mới đây, Tổng thống Mun Chê In kêu gọi Hàn Quốc thực hiện chính sách tài chính quyết liệt như trong thời chiến, để đưa con tàu kinh tế vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay. Theo đó, thời gian tới, 'xứ sở kim chi' sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục hoạt động của nền kinh tế sau đại dịch.

Nhà máy sản xuất khẩu trang tại tỉnh Ghê-ông-ghi, Hàn Quốc.

Nhà máy sản xuất khẩu trang tại tỉnh Ghê-ông-ghi, Hàn Quốc.

Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy, nền kinh tế "xứ sở kim chi" đang bị chao đảo bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đại dịch làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu, ngành xuất khẩu, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Hàn Quốc, đang trải qua giai đoạn nhiều thách thức. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 20 ngày đầu tháng 5, xuất khẩu của nước này giảm 20,3% so cùng kỳ năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, nếu hoạt động kinh tế của các đối tác thương mại hàng đầu như Mỹ, các nước châu Âu chưa được khôi phục hoàn toàn. Cuối tháng 4 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, nhưng nền kinh tế nước này vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Trong đánh giá mới đây nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm nay là -1,2%.

Tổng thống Mun Chê In nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt một cuộc chiến với nhiều thách thức như cán cân thương mại bị thâm hụt, ngành dịch vụ lao dốc, các ngành chế tạo và công nghiệp trọng điểm gặp khó khăn và người lao động mất việc. Thực tế cho thấy, việc nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đã khiến ngành hàng không, vận tải của Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, khi các chuyến bay bị hủy bỏ và số đơn đặt đóng tàu giảm mạnh...

Ngành công nghiệp sản xuất ô-tô cũng gặp khó khăn, do nhu cầu giảm và hoạt động sản xuất bị đình trệ. Tình trạng này kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với thị trường việc làm. Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho thấy, số lao động thất nghiệp trong bốn tháng đầu năm nay ở nước này là hơn hai triệu người, mức cao nhất kể từ năm 2000.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai những biện pháp mạnh tay, như tung ra gói hỗ trợ tài chính tín dụng cho các doanh nghiệp trị giá khoảng 198 tỷ USD, thành lập Quỹ khẩn cấp quy mô hơn 32 tỷ USD để tiếp sức cho các ngành công nghiệp chủ lực như hàng không, lọc dầu, chế tạo máy móc, đóng tàu và sản xuất ô-tô. Tiếp nối các nỗ lực này, mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế. Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo ra 1,56 triệu việc làm trong lĩnh vực công, với mục tiêu giảm bớt áp lực cho thị trường lao động. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hông Nam Ki, khoản ngân sách bổ sung thứ ba trị giá hơn 2,8 tỷ USD, nhằm tăng cường tuyển dụng trong các doanh nghiệp nhà nước, sẽ được công bố vào đầu tháng 6.

Ngoài ra, để giúp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ thiết lập một cơ chế đặc biệt để mua lại trái phiếu từ các công ty có xếp hạng tín dụng thấp. Tổng thống Hàn Quốc cũng yêu cầu nhanh chóng triển khai các dự án quốc gia quy mô lớn bị trì hoãn trong thời gian qua và chuẩn bị sớm các đối sách thúc đẩy hoạt động đầu tư giai đoạn sau dịch bệnh.

Viện Nghiên cứu kinh tế Bloomberg thuộc hãng tin Bloomberg dự báo, các quốc gia có thế mạnh về công nghiệp chế tạo và công nghệ như Hàn Quốc có triển vọng phục hồi nhanh chóng sau các cú sốc kinh tế ngắn hạn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, để từng bước chữa lành những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế Hàn Quốc dự kiến cần thêm nhiều phương thuốc và thời gian hơn nữa. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Hiếu Thiện

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44850102-tich-cuc-khoi-dong-lai-nen-kinh-te.html