Tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách

Sau hơn 1 năm triển khai chính sách hỗ trợ về hạng mục nhà ở và chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Nghị định số 28), đến nay, tại huyện Hướng Hóa, đã có nhiều hộ dân trong vùng đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn. Những ngôi nhà mới mọc lên, những mô hình kinh tế hiệu quả được đầu tư xây dựng là minh chứng sinh động về một chủ trương lớn mang ý nghĩa thiết thực với đồng bào nghèo DTTS và miền núi.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa thẩm định mô hình kinh tế của người dân được thu hưởng nguồn vốn vay ưu đãi -Ảnh: B.L

Hơn 10 năm kể từ khi lấy vợ, sinh con, gia đình của anh Hồ Văn Lai (Sinh năm 1992) ở thôn A Xóc - Lìa, xã Lìa phải sống trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, tạm bợ. Được sống trong căn nhà vững chắc từ lâu đã là niềm mơ ước của vợ chồng anh Lai. Cuối năm 2022, được vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), cùng nguồn vốn tích cóp, vay mượn của người thân, anh quyết định xây nhà.

Với vợ chồng anh Lai, nguồn vốn vay ưu đãi anh được tiếp cận đã tạo động lực để vợ chồng tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Anh Lai chia sẻ: “Thực sự đây là niềm vui rất lớn với gia đình tôi. Nhờ chính sách ưu đãi từ NHCSXH mà ước mơ về ngôi nhà mới lâu nay bây giờ đã trở thành hiện thực. Có nhà rồi, vợ chồng tôi cố gắng hơn nữa, làm ăn phát triển kinh tế để sớm trả hết nợ, cuộc sống gia đình ổn định, nuôi con ăn học đàng hoàng”.

Từng đi làm ăn xa, song do ảnh hưởng của COVID-19, anh Hồ Văn Cu Giang ở thôn A Xói Hang, xã Lìa quyết định trở về quê lập nghiệp. Vừa trở về quê, anh may mắn được tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo Nghị định số 28 của Chính phủ. Với số vốn vay 90 triệu đồng cùng nguồn vốn tích cóp được, anh đầu tư nuôi bò, dê, trồng sắn, cao su trên diện tích đất 1,5 ha.

Đến nay, anh có 15 con dê, 5 con bò và diện tích sắn, cao su 1,5 ha, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng. Chia sẻ về việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi này, anh Giang cho biết: “Sau khi đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều mô hình, cách làm kinh tế nhưng khi về quê thì không đủ vốn để triển khai. May mắn khi được tiếp cận nguồn vốn này tôi đầu tư mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Đến nay mô hình đã đem lại thu nhập đáng kể”.

Hướng Hóa là địa phương được chọn thí điểm giải ngân cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo Nghị định số 28 của Chính phủ. Quá trình triển khai, dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, song với sự vào cuộc phối hợp tích cực giữa chính quyền các cấp và NHCSXH, đến nay, nhiều người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận nguồn vốn và phát huy hiệu quả.

Hiện nay tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh phân bổ về NHCSXH huyện Hướng Hóa là 29,880 tỉ đồng. Đến hết quý I/2023 có 94 hộ đã được thụ hưởng chính sách với tổng số dư nợ là 5,020 tỉ đồng. Trong đó, 50 hộ xây dựng mới và sửa chữa nhà, 44 hộ chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo ông Hồ Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ, NHCSXH huyện Hướng Hóa thì chương trình cho vay theo Nghị định số 28 của Chính phủ là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Ước mơ có ngôi nhà mới kiên cố đã thành hiện thực và đó chính là động lực giúp bà con vùng khó an cư lạc nghiệp để tập trung lao động sản xuất, từng bước giảm nghèo.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Thời gian tới, để giải ngân nguồn vốn kịp thời, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Phòng Dân tộc huyện để tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hộ gia đình được hưởng chính sách theo Nghị định số 28 của Chính phủ.

Bên cạnh đó để công tác lập danh sách đối tượng thụ hưởng theo Nghị định được đảm bảo chính xác và kịp thời chúng tôi sẽ cử cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn về cơ sở phối hợp với Ban giảm nghèo xã rà soát đối tượng, lập danh sách trình Phòng Dân tộc huyện để tham mưu.

Sau khi có quyết định đối tượng thụ hưởng, hội đoàn thể tín chấp sẽ phối hợp với Trưởng thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành họp tổ bình xét cho vay, theo dõi quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng thông qua các đợt kiểm tra nhằm hạn chế việc sử dụng vốn vay sai mục đích.

Phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi đối với người đồng bào DTTS đến tận các thôn, bản”.

Bích Liên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tich-cuc-ho-tro-nguoi-dan-tiep-can-nguon-von-tin-dung-chinh-sach/177596.htm