Tỉ mỉ với nghề làm lân - sư - rồng

Với sự tỉ mỉ, khéo léo và niềm đam mê, nhiều bạn trẻ ở TP. Nha Trang đã làm ra những chiếc đầu lân - sư - rồng không chỉ mang nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân vào dịp Tết đến xuân về.

Trau chuốt từng công đoạn

Cơ sở Thắng Lợi (số 160/15 Nguyễn Khuyến, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) của anh Trần Ngọc Thái (27 tuổi) là một trong số ít cơ sở còn duy trì sản xuất đầu lân, đầu rồng tại TP. Nha Trang hiện nay. Trong căn nhà hơn 40m2, những đầu lân được treo đủ màu sắc, anh Thái cặm cụi hoàn thiện những chiếc đầu lân chuẩn bị giao cho các đội lân đặt hàng để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán 2024. “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã đi theo đoàn lân. Do đam mê với nghệ thuật lân - sư - rồng, năm 2020, tôi đã xin gia đình dừng việc học ở trường để học nghề chế tác đầu lân”, anh Thái chia sẻ.

Nghệ thuật làm đầu lân - sư - rồng mang nét đẹp văn hóa truyền thống vào dịp Tết đến xuân về.

Theo anh Thái, vật liệu chính làm đầu lân là mây và tre. Thông thường, để hoàn thiện một chiếc đầu lân làm vừa lòng khách hàng phải mất 4 - 5 ngày. Các công đoạn từ khâu tạo khuôn hình, dán giấy đến vẽ hoa văn đều yêu cầu sự chịu khó, kiên nhẫn của người thợ. Bên cạnh đó, sự phối hợp màu sắc, trang trí từ đầu lân đến đuôi lân rất quan trọng để làm nổi bật thần thái, dũng mãnh, uy vũ… Với anh Thái, vẽ mắt cho lân là công đoạn khó nhất, phải làm sao mỗi đôi mắt phải toát lên được thần thái riêng.

Những đầu lân đủ màu sắc.

Đang cẩn thận uốn nắn những thanh mây để tạo sườn cho đầu lân, em Nguyễn Quốc Vũ (15 tuổi) cho biết, từ năm lớp 7, em đã tham gia đội múa lân rồi bén duyên luôn với nghề chế tác đầu lân. Em làm công việc này để kiếm tiền tự mua sắm sách vở và phụ giúp gia đình. “Để làm được một cái sườn lân mất khoảng một ngày. Công đoạn khó thực hiện nhất là các mối kết dính với nhau phải thật chắc chắn. Một bộ khung đạt yêu cầu phải đảm bảo tính thẩm mỹ, đường nét rõ ràng để dễ dàng thực hiện các công đoạn tiếp theo”, Vũ nói.

Học nghề được hơn 2 tháng, anh Phạm Minh Toán (24 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi) phụ trách công đoạn dán giấy lên đầu lân. Bước dán giấy lên khuôn cũng đòi hỏi người thợ phải dán sao cho lớp giấy láng mịn. "Chỉ một chỗ gồ ghề cũng ảnh hưởng đến bước dán vải và vẽ trang trí tiếp theo. Vì vậy, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ”, anh Toán nói.

Mang niềm vui đến mọi nhà

Những ngày cuối năm cũng là thời điểm cơ sở chế tác đầu lân -sư - rồng của anh Thái trở nên nhộn nhịp để tạo ra nhiều sản phẩm giao cho khách hàng và chuẩn bị những con lân - sư - rồng "chiến" nhất mang biểu diễn trong dịp Tết đến xuân về. Anh Thái cho biết, nếu trước đây, làm đầu lân chỉ rộ vào dịp Tết Trung thu, phục vụ nhu cầu vui chơi của thanh thiếu nhi thì hiện nay, nghề này có thể làm quanh năm. Cơ sở vừa sản xuất để trữ hàng vừa phục vụ nhu cầu mua sắm của các đoàn múa lân trong nhiều sự kiện, lễ hội... Thông thường, khoảng đầu tháng 9 âm lịch, cơ sở bắt đầu làm hàng Tết. Nhiều khi anh phải thức đến khuya để vẽ thiết kế chiếc đầu lân - sư - rồng.

Theo anh Thái, vào dịp đầu năm, những chiếc đầu lân sặc sỡ màu sắc sẽ mang đến sự may mắn, tài lộc cho gia chủ.

Để phục vụ dịp Tết năm nay, cơ sở của anh Thái chuẩn bị hơn 300 chiếc đầu lân - sư - rồng cho những đội lân ở các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam và ở Nha Trang. Căn cứ vào độ lớn và trọng lượng mà lân được chia làm nhiều kích thước: Lân tiểu, lân trung, lân đại. Giá bán bộ đầu lân (gồm đầu lân, đuôi lân, quần múa và mặt nạ ông Địa) khoảng 3 triệu đồng. Tùy vào từng kích cỡ, chất lượng, mẫu mã, số lượng của từng đơn đặt hàng mà quy định ra giá. “Sản phẩm do anh Thái và đồng đội làm rất tỉ mẩn, đó là lý do tôi chọn cơ sở của anh đặt hàng.”, anh Đỗ Ngọc - Trưởng đoàn Lân sư rồng Hào Hùng (Nha Trang) chia sẻ.

Ngoài việc chế tác, các thành viên ở cơ sở của anh Thái còn tham gia biểu diễn múa lân - sư - rồng. Hiện nay, các bạn trẻ vừa sản xuất vừa ráo riết luyện tập để tham gia cuộc thi lân - sư - rồng do thành phố tổ chức trong chuỗi hoạt động mừng Đảng mừng xuân 2024. Bận rộn là thế nhưng các bạn trẻ vẫn trau chuốt từng công đoạn và luôn giữ lửa với nghề. Hy vọng, qua sự tỉ mỉ, từng nét vẽ tâm huyết của những người trẻ như: Thái, Toán hay Vũ… sẽ góp phần thắp lửa, giữ hồn cho nghề này, góp phần mang lại niềm vui và may mắn đến người người, nhà nhà vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Vẽ mắt cho lân là công đoạn khó nhất, mỗi đôi mắt của lân phải toát lên được thần thái riêng.

Vũ cẩn thận uốn nắn những thanh mây để tạo sườn đầu lân.

Theo những người thợ chế tác đầu lân, một bộ khung đạt yêu cầu phải đảm bảo tính thẩm mỹ, đường nét rõ ràng để dễ dàng thực hiện các công đoạn tiếp theo.

Bước dán giấy lên khuôn cũng đòi hỏi người thợ có tay nghề cao.

Cơ sở của anh Thái nhận đặt hàng theo từng kích cỡ, chất lượng, mẫu mã...

Đầu lân được anh Ngọc lựa chọn biểu diễn trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Những bài múa lân - sư - rồng đều mang ước vọng cầu mong sự thịnh vượng, phát đạt, hanh thông và hạnh phúc cho gia chủ trong dịp đầu xuân mới.

THANH TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2024/202402/ti-mi-voi-nghe-lam-lan-su-rong-33e3765/