Thuyết phục bố mẹ lên Sa Pa đón Tết, vợ chồng trẻ nhận cái kết bất ngờ

Mệt mỏi với cái Tết cắm mặt vào nấu nướng suốt ngày, tôi thuyết phục bố mẹ lên Sa Pa đón Tết. Không ngờ ông bà có quyết định bất ngờ cho Tết năm sau.

Tết năm nay thực sự là vui. Lên kế hoạch từ trước Tết 2 tháng, vợ chồng tôi quyết định thuyết phục bằng được ông bà hai bên đi du lịch từ mùng 2. Chúng tôi xác định công tác làm tư tưởng sẽ vô cùng khó.

Đúng như dự đoán, tôi vừa mới mở miệng, mẹ đẻ tôi đã gạt phắt luôn. Bà đưa ra đủ các lý do mà chúng tôi đã lường trước. Tôi lý luận quanh năm ông bà ở quê. Tết đến, anh chị em, cô bác đến nhà chơi, đều là những người gặp quanh năm suốt tháng. Tôi hứa mùng 1 sẽ đưa ông bà đi thăm hỏi những chỗ ruột thịt, họ hàng gần. Ông bà vẫn có mâm cúng tất niên, mùng 1 và tới mùng 5 cúng hóa vàng.

Sau một hồi giải thích, thấy bà xuôi xuôi, tôi tiếp tục lấy ví dụ mấy anh chị đồng nghiệp cơ quan cũng đưa cả nhà đi chơi dịp Tết. Tôi vào Facebook tìm ảnh của các đồng nghiệp cho bà xem.

Chồng tôi ít nói, chỉ từ tốn thưa với bố mẹ vợ: “Ngày thường, chúng con muốn đưa ông bà đi chơi sẽ phải xin nghỉ dài ngày, bất tiện cho công việc. Mỗi dịp Tết là được nghỉ nhiều, chúng con muốn tận dụng đưa ông bà đi chơi cho thư thả”. Nghe con rể nói thế, bố tôi ngồi trầm ngâm rồi chốt: “Con nó đã nói thế, tôi với bà đi thử xem thế nào! Mình già rồi, giờ phải theo con cái!”.

Mẹ nghe bố nói vậy thì không nói thêm câu nào nữa, nhưng tôi biết bà vẫn chưa hoàn toàn nhất trí.

Công tác làm tư tưởng lại tiếp tục y chang như vậy với bố mẹ chồng tôi, nhưng dễ hơn một chút vì chúng tôi có cơ sở thuyết phục là “ông bà ngoại đã đồng ý rồi”. Bố mẹ chồng tôi xưa nay rất coi trọng mối quan hệ với thông gia.

Rất may gia đình hai bên chỉ cách nhau mấy km, sáng sớm mùng 2, cả nhà cùng xách vali lên chiếc xe 7 chỗ, từ Bắc Giang chạy thẳng lên Sa Pa.

Chúng tôi chọn một khu nghỉ ở Sa Pa để tận hưởng cái Tết. Ảnh minh họa: NT

Tôi đã chọn một căn homestay tiện nghi, rất chan hòa với thiên nhiên ngay tại bản Tả Van. Những điểm nổi tiếng của Sa Pa, chúng tôi từng đưa ông bà đi thăm trong những chuyến trước đó rồi, nên lần này tôi chọn ở đây để cả nhà nghỉ dưỡng.

Cả khu có khoảng 20 căn nhà gỗ nhỏ xinh, được bố trí rải rác quanh khu vườn được chăm chút cẩn thận. Ngay khi xuống xe, tôi đã nhận ra sự hài lòng trong ánh mắt của các ông bà. Mẹ chồng tôi dù chưa hẳn hài lòng với chuyến đi nhưng cũng phải thốt lên: "Nhà đẹp quá!”.

Còn bố mẹ đẻ tôi, sáng sớm mùng 3 đã cùng nhau đi dạo quanh vườn. Tôi nghe lỏm ông nói với bà: “Sướng thế này, bảo sao chúng nó không muốn về quê ăn Tết!”. Mẹ tôi đáp lại, giọng dằn dỗi: “Con gái ông chỉ giỏi tiêu tiền!”. Nghe ông bà nói vậy, tôi biết thâm tâm ông bà đang rất hài lòng.

Lần đầu tiên không ăn Tết ở nhà, tôi cũng biết ý đặt trước nhà bếp một số món ăn truyền thống để ông bà vẫn thấy ấm cúng, thân quen. Bữa trưa mùng 2, ông bà ngạc nhiên khi thấy mâm cơm có đủ dưa hành, thịt đông, nem rán, canh măng... “Ở đây người ta cũng làm được mấy món này hả con?”, mẹ tôi ngạc nhiên hỏi. Tôi đáp: “Không có gì là người ta không làm được mẹ ạ, chỉ cần mình báo trước”.

Suốt 4 ngày, tôi đặt nhà bếp nấu đan xen những món ăn Tết và các món cơm ngày thường cho đỡ ngán. Hôm nào chán cơm, tôi nhờ các anh chị làm cho mỗi người một bát phở ăn cho nhẹ bụng. Lần đầu tiên ông bà được hưởng thụ một cái Tết có người nấu cho ăn, đa dạng, hợp khẩu vị, nên rất hài lòng.

Thời gian rảnh, cả nhà dắt nhau đi dạo quanh bản, uống cà phê ở một quán nhỏ sát mép ruộng bậc thang, chuyện trò suốt cả buổi sáng mà vẫn chưa muốn dứt. Nhưng vui nhất với cả nhà, có lẽ là vừa được nghỉ dưỡng vừa được hưởng trọn vẹn không khí đón Tết vô cùng đặc biệt.

Trưa mùng 2, khi chúng tôi đặt chân tới homestay, một nửa số phòng đã có người thuê. Hầu hết là các gia đình trẻ rủ nhau đi đón Tết xa nhà. Tối mùng 2, tất cả tụ tập cùng nhau bên lửa trại, nướng ngô khoai. Chủ homestay mang ra những món ăn truyền thống dịp Tết của dân bản để mời khách.

Mỗi gia đình cũng góp cỗ bằng những món ăn vùng miền đã chuẩn bị sẵn, nhà thì bánh chưng, nhà thì bánh tét, nhà mang kẹo lạc, chè lam… Chúng tôi như đang trải nghiệm một cái Tết đa dạng của mọi vùng miền.

Thành quả lớn nhất sau chuyến đi này là thay đổi quan niệm của bố mẹ chúng tôi, khi ông bà được ngồi trò chuyện với những gia đình khác, chứng kiến tận mắt “lối sống mới” mà trước đây vẫn còn khá xa lạ với mình.

Mùng 4 Tết, trong cuộc gọi video cho họ hàng, mẹ chồng tôi không giấu được vẻ thích thú. Bà khoe: “Trên này vẫn được ăn bánh chưng, cô ạ! Người ta còn mời cả bánh dày của người Mông nữa! Cảnh đẹp lắm, cứ thế này ở thêm tuần nữa cũng được”. Hai vợ chồng tôi nghe bà nói chuyện chỉ tủm tỉm cười.

Trên xe trở về Hà Nội, chồng tôi hỏi vui: “Tết sang năm lại đi nữa chứ ông bà?”. Mẹ đẻ tôi nửa đùa nửa thật: “Sang năm chúng tôi lại muốn đổi gió, vào đón Tết nắng ấm trong Nam, anh chị có tài trợ được không?”.

Đăng Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuyet-phuc-bo-me-len-sa-pa-don-tet-vo-chong-toi-nhan-cai-ket-bat-ngo-2252323.html