Thường Xuân 'vượt' nghèo

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân, huyện Thường Xuân đang cố gắng 'vượt' nghèo, phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh.

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Xuân Dương.

Nhằm tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; đồng thời triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đến người dân. Từ năm 2018 đến nay, đã có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn để mua cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống, như: Mô hình nuôi lợn, bò sinh sản, trồng cây ăn quả, ớt xuất khẩu, ngô, khoai tây vụ đông đạt năng suất cao.

Đáng chú ý, ở các xã vùng đặc biệt khó khăn như: Vạn Xuân, Xuân Lộc, Xuân Cao, Xuân Thắng, Bát Mọt,... người dân đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, với những sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế như: Cam, bưởi, táo, lê ở Xuân Cẩm, Thọ Thanh, Ngọc Phụng; rau - củ - quả sạch ở xã Xuân Dương, Xuân Lẹ... Các mô hình này đã và đang được nhân rộng trong cộng đồng, theo hướng nông dân tự đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, từ đó mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Bên cạnh đó, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Thường Xuân đã thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trên địa bàn. Huyện đã tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện; xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các cụm công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương. Ngoài ra, huyện cũng tập trung cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân có trên 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hơn 1.900 hộ kinh doanh cá thể. Huyện có 2 cụm công nghiệp được đưa vào trong quy hoạch phát triển gồm: Cụm Công nghiệp thị trấn Thường Xuân và Cụm Công nghiệp Khe Hạ, xã Luận Thành. Các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất được hình thành, đi vào hoạt động, đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, tháng 8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị để cho ý kiến về ý tưởng đề xuất chủ trương đầu tư các dự án của Tập đoàn TH tại huyện Thường Xuân. Theo đó, Tập đoàn TH đề xuất 4 chủ trương đầu tư các dự án, gồm: Dự án Nông lâm nghiệp sinh thái trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; Dự án Khu nông, lâm nghiệp sinh thái công nghệ cao trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại xã Lương Sơn và thị trấn Thường Xuân; Dự án Khu nông, lâm nghiệp sinh thái công nghệ cao trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại vùng đất bán ngập hồ Cửa Đạt; Dự án đầu tư Khu Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dưỡng lão, giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Những dự án mà Tập đoàn TH dự kiến đầu tư trên địa bàn huyện Thường Xuân là những dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Nếu các dự án triển khai thành công sẽ khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện Thường Xuân, tạo động lực quan trọng để huyện miền núi cao biên giới còn nhiều khó khăn này phát triển nhanh và bền vững...

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 7,59%, giá trị sản xuất đạt 3.821 tỷ đồng. Trong đó: Ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,7%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 42,6%, thương mại và dịch vụ chiếm 32,7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt khoảng 43 triệu đồng/năm.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Thường Xuân tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, các chương trình thực hiện đồng bộ các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên hỗ trợ thiếu hụt các dịch vụ xã hội theo phương pháp tiếp cận đa chiều cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều hằng năm từ 7% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 65%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm...

Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới, huyện Thường Xuân tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo từ hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và địa phương. Trong đó, chú trọng khảo sát, giải quyết vay vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích hộ nghèo vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, từ đó thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào địa bàn, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thuong-xuan-vuot-ngheo/201887.htm