Thường vụ Quốc hội nhóm họp phiên 35: Nghe nguyện vọng cử tri

GiadinhNet - Hôm nay (27/9), Thường vụ Quốc hội (Khóa XII) nhóm họp phiên thứ 35.

Thường vụ Quốc hội nhóm họp phiên 35: Nghe nguyện vọng cử tri Phiên họp này kéo dài đến ngày 5/10. Có 18 nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ khai mạc và cùng nghe báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2010. Đây được xem là nội dung quan trọng, phản ánh một phần nguyện vọng, yêu cầu của cử tri cả nước. Do vậy, nội dung này được dành thời gian khá dài, trọn một buổi sáng. Chiều cùng ngày, Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng được xem xét. Trong các ngày làm việc tiếp theo, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011; Thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được thực hiện giám sát tại phiên họp thứ 34. Cùng với đó là đánh giá về các báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010. Thường vụ Quốc hội cũng nghe, góp ý về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8. Tại đây cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; Phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; Định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Về nhiệm vụ xây dựng pháp luật, Thường vụ Quốc hội xem xét, góp ý đối với dự thảo các luật như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Viên chức, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản (sửa đổi), Luật Hợp tác xã và Luật Dự trữ... LP

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100927093318521p0c1000/nghe-nguyen-vong-cu-tri.htm