THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI BỘ TƯ PHÁP VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Sáng 23/2, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp nhằm triển khai kế hoạch thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Tham dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên và các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện.

Toàn cảnh buổi làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi trao đổi tại buổi làm việc

Sửa đổi Luật Công chứng lần này tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn. Một là, xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp. Hai là, phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững. Ba là, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bốn là, xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp. Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.

Mới đây, ngày 29/01/2024, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Theo kế hoạch dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trước ngày 01/3/2024.

Các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật tại buổi làm việc

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, theo đó, dự thảo Luật gồm 10 chương, 84 Điều, giữ nguyên 14 Điều, sửa đổi 62 Điều, bỏ 05 Điều và bổ sung 08 Điều trong tổng số 81 Điều của Luật Công chứng năm 2014.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật một lần nữa khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng với các mục tiêu đề ra, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho biết trong năm 2023, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp khảo sát tại một số địa phương, nghiên cứu thực trạng của hoạt động hành nghề công chứng trên toàn quốc. Ủy ban Pháp luật cũng đã tổ chức Phiên giải trình về Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Trường Giang phát biểu

Qua phiên giải trình cho thấy, sau hơn 08 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Công chứng năm 2014 đã phát huy, điều chỉnh có hiệu quả hoạt động công chứng, được Nhân dân đồng tình, đón nhận. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng có bước chuyển biến tích cực. Hoạt động công chứng có những bước phát triển cả về chất và lượng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là dịch vụ cơ bản thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện một số quy định của pháp luật về công chứng vẫn còn những vấn đề vướng mắc, bất cập cần khắc phục như trong đào tạo, bồi dưỡng, tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn lúng túng, thiếu nhất quán, nhất là sau khi bỏ Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng; công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy đầy đủ vai trò tự quản…Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ những vấn đề đặt ra sau phiên giải trình, làm rõ hơn sự cần thiết sửa đổi Luật và các nhóm chính sách lớn để tăng tính thuyết phục.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tham dự buổi làm việc

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững. Trước thực tế tỷ lệ người tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng đạt yêu cầu thấp dẫn đến thiếu nguồn công chứng viên để phát triển tổ chức hành nghề công chứng; chất lượng công chứng viên còn chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao; trong hoạt động hành nghề công chứng còn tồn tại những sai sót; một số công chứng viên vi phạm pháp luật... các đại biểu cho rằng cần đánh giá về chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng, công tác tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; làm rõ các nguyên nhân để có giải pháp và sửa đổi các quy định của Luật một cách phù hợp, căn cơ, thấu đáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương kết luận nội dung làm việc

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết qua trao đổi tại buổi làm việc nhiều vấn đề được làm rõ, có ý nghĩa thiết thực cho việc thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật trong thời gian tới. Các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đều đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong quá trình soạn thảo. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sớm hoàn thiện hồ sơ và gửi hồ sơ tài liệu dự án Luật bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 3 tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cũng lưu ý một số nội dung cần được bổ sung làm rõ như đánh giá tác động của các nội dụng sửa đổi, bổ sung; rõ hơn cơ sở thực tiễn, bảo đảm tính thuyết phục…Cùng với đó, đề nghị Bộ Tư pháp, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật bảo đảm cho chất lượng dự án Luật trình Quốc hội là tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương điều hành thảo luận

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn

Đại diện Bộ Tư pháp báo cáo, làm rõ một số vấn đề Thường trực Ủy ban Pháp luật quan tâm

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng Việt Nam Nguyễn Chí Thiện

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Nguyễn Duy Tiến

Thường trực Ủy ban Pháp luật tham dự buổi làm việc

Các đại biểu, khách mời tham dự buổi làm việc.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84821